Sách trắng Brexit - Canh "bài ngửa" của nước Anh đối với EU

Thủ tướng Anh Theresa May đã công bố "Sách trắng Brexit" đề ra những mục tiêu cụ thể cho tiến trình đàm phán rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Sách trắng Brexit - Canh "bài ngửa" của nước Anh đối với EU ảnh 1(Nguồn: Getty Images)

Thủ tướng Anh Theresa May đã công bố "Sách trắng Brexit" đề ra những mục tiêu cụ thể cho tiến trình đàm phán rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Hơn bảy tháng kể từ khi cử tri Anh bỏ phiếu quyết định rời khỏi EU, nước Anh mới thật sự cho các đối tác châu Âu thấy rõ họ muốn gì ở các cuộc đàm phán sắp tới và một canh “bài ngửa” giữa Anh và EU đã được mở ra.

Với việc công bố "Sách trắng Brexit," bà May muốn khẳng định rằng chiến lược Brexit của chính phủ Anh có mục tiêu cụ thể, rõ ràng và cần được thúc đẩy theo đúng lộ trình.

Thủ tướng Anh đã cụ thể hóa chiến lược Brexit bằng hàng loạt mục tiêu cho từng vấn đề, như quan hệ thương mại Anh-EU, quy chế của Anh trong giai đoạn quá độ, vấn đề người di cư, hệ thống thuế quan mới, cách thức giải quyết các tranh chấp với EU, đóng góp ngân sách cho EU, hợp tác về an ninh và chống khủng bố...

Văn kiện dài 77 trang này được công bố trên website của chính phủ Anh nhắc lại 12 ưu tiên mà Thủ tướng Theresa May đưa ra hồi tháng trước, trong đó nhấn mạnh nước Anh sẽ tìm kiếm một thỏa thuận thương mại tự do toàn diện với EU, nhưng không bao gồm quy chế chuyển tiếp vô thời hạn.

Tài liệu trên cũng cho biết Anh cần thời gian để tiến hành từng bước bất kỳ cuộc đàm phán mới nào về các vấn đề như kiểm soát người nhập cư và hệ thống thuế quan mới sau khi rời EU. Những mục tiêu mà bà May đưa ra còn bao gồm việc nước Anh sẽ tiếp tục hợp tác an ninh với EU, duy trì khu vực đi lại chung giữa Anh và CH Ireland, đồng thời tiếp tục có những "đóng góp hợp lý" vào ngân sách EU...

Việc rời khỏi một tổ chức lớn và được điều tiết chặt chẽ như EU là một nhiệm vụ cực kỳ phức tạp, đòi hỏi có sự chuẩn bị kỹ càng. Có những lý do chính trị mạnh mẽ khiến chính phủ Anh phải chùn bước khi "kích hoạt" Điều 50 của Hiệp ước Lisbon - thủ tục bắt buộc đầu tiên để mở đầu tiến trình đàm phán Brexit. Những quy định trong Điều khoản này được coi là không công bằng theo hướng chống lại các bên muốn ra đi. Nó cho phép 27 quốc gia EU còn lại quyền xác định các điều khoản cho Brexit và Anh thậm chí sẽ không thể bỏ phiếu cho các điều khoản đó. Nó cũng đặt ra thời hạn 2 năm cho việc rời khỏi khối, và chỉ được phép gia hạn khi có sự đồng thuận của 27 nước thành viên.

Bản thân nội bộ Anh cũng có những bất đồng sâu sắc về các điều kiện thực hiện Brexit. Lực lượng cánh hữu trong chính phủ Anh ủng hộ phương án hủy bỏ hoàn toàn sự liên kết với thị trường chung và liên minh thuế quan của EU, cấm tự do đi lại và hủy bỏ khả năng làm việc với Tòa án EU.

Trong khi đó, lực lượng theo hướng cánh tả phản đối kịch bản này vì cho rằng điều đó sẽ đem lại những hậu quả không thể khắc phục cho giới doanh nghiệp Anh vì giới doanh nghiệp Anh đang hoạt động ở châu Âu theo các điều kiện chung và không gặp bất cứ rào cản nào.

Phe chống Brexit tìm mọi cách để chính phủ phải trì hoãn việc kích hoạt Điều 50 bằng cách đưa vấn đề này lên tòa án. Do áp lực phải trao cho nghị viện thêm tiếng nói trong kế hoạch rời khỏi EU, Thủ tướng Theresa May đã buộc phải thực hiện phán quyết của Tòa án Tối cao về việc soạn thảo một dự luật để nghị viện trao cho chính phủ của bà quyền kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon và khởi động quá trình đàm phán rời khỏi EU.

Ngày 31/1 vừa qua, dự luật này đã vượt qua "trở ngại" đầu tiên tại Hạ viện Anh, nơi Đảng Bảo thủ của bà May chiếm đa số. Dự kiến, trong tuần tới, dự luật sẽ tiếp tục được đưa ra xem xét với các đề xuất sửa đổi quan trọng trước khi được chuyển lên Thượng viện để thảo luận từ ngày 20/2 tới và có thể được chính thức phê chuẩn vào ngày 7/3.

Rõ ràng, Thủ tướng May không muốn tiến trình Brexit bị dừng lại nhiều tháng ở nghị viện khi mà bà muốn kích hoạt Điều 50 trước ngày cuối cùng của tháng Ba tới. Tuy nhiên, có vẻ quá trình này không đơn giản. Các đảng phái và nhiều nghị sỹ Anh đã đưa ra hàng trăm điều khoản sửa đổi chỉ trong ba ngày đầu tuần này.

Lãnh đạo đảng Quốc gia Scotland (SNP) vẫn muốn bằng mọi giá Scotland - một xứ trong Liên hiệp Vương quốc Anh - phải ở lại thị trường chung châu Âu. Quan điểm của lãnh đạo Scotland cũng được sự ủng hộ của một số chính trị gia xứ Wales và Bắc Ireland. Phe đối lập tại Anh cũng cho rằng "Sách trắng Brexit" mà chính phủ vừa công bố còn rất "sơ sài" và "thiếu chi tiết."

Về phần mình, EU cũng đã thể hiện thái độ sẵn sàng cứng rắn trong đàm phán với Anh. Trong cuộc họp thượng đỉnh đặc biệt của EU diễn ra tại Malta ngày 3/2, lãnh đạo các nước EU sẽ thể hiện sự đoàn kết nhằm đảm bảo Anh không thể hưởng một thỏa thuận “ngọt ngào” mà không phải trả giá bởi điều đó có thể khuyến khích các thành viên còn lại có ý định rời khỏi “mái nhà chung” EU. Các nước EU đồng thời muốn khẳng định rằng liên minh này hoàn toàn không phải là một đối tác bị động.

Có thể nói Brexit đã và đang tác động sâu rộng tới mọi mặt đời sống chính trị, xã hội và kinh tế Anh. Ở khía cạnh tiêu cực, Brexit đã gây ra tình trạng chia rẽ sâu sắc trong xã hội cũng như chính giới Anh, đồng thời khiến đồng bảng giảm giá mạnh. Tuy nhiên, nhờ các giải pháp vĩ mô của chính phủ và ngân hàng trung ương Anh (BoE) mà nền kinh tế đã đi vào chiều hướng ổn định.

Ở khía cạnh tích cực, Brexit cũng mang lại những cơ hội quan trọng cho nước Anh, tác động đến quá trình hoạch định và triển khai chiến lược phát triển. Nhờ cam kết tiếp tục thúc đẩy tự do hóa thương mại với một nền kinh tế mở, chính phủ Anh đã tạo dựng được niềm tin cho giới đầu tư. Đây chính là cơ hội để Anh giành lại quyền độc lập, đặc biệt trong lĩnh vực nhập cư, triển khai kế hoạch đàm phán và ký kết các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương.

Bức tranh toàn cảnh Brexit hiện vẫn đan xen giữa hy vọng và thất vọng, giữa cơ hội và thách thức, giữa niềm tin và sự hoài nghi cố hữu. Và nước Anh đang tìm mọi cách để tranh thủ cơ hội và vượt qua thách thức trong lộ trình Brexit./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục