Sách về toàn bộ lịch sử mỹ thuật châu Âu cho người ngoại đạo

‘The story of Art: Câu chuyện nghệ thuật’ là câu chuyện viết đơn giản, dễ hiểu, vừa để đọc thường thức, vừa để khảo cứu chuyên sâu.
Sách về toàn bộ lịch sử mỹ thuật châu Âu cho người ngoại đạo ảnh 1Tác phẩm 'thân thiện' với mọi độc giả về lịch sử nghệ thuật châu Âu. (Ảnh: Omega Plus)

“Câu chuyện nghệ thuật” (tên tiếng Anh: “The Story of Art”) của sử gia người Áo, E. H.Gombrich là một trong những tác phẩm kinh điển về lịch sử nghệ thuật, in lần đầu năm 1950 và trong 70 năm qua, được dịch ra gần 30 thứ tiếng với hơn tám triệu bản đã được bán ra trên toàn thế giới.

Cuốn sách thuộc vào hàng ngũ những tác phẩm về lịch sử mỹ thuật châu Âu kinh điển nhất. “Câu chuyện nghệ thuật” đã được dịch ra 30 thứ tiếng, bán được 8 triệu bản trên toàn thế giới. Ra mắt năm nay tại Việt Nam, cuốn sách là ấn phẩm tái bản lần thứ 16 của tác phẩm, gồm 688 trang – tương đương độ dài gốc 688 trang ở sách tiếng Anh.

Tác phẩm mở đầu với câu nói nổi tiếng của Gombrich: "Không có thứ gọi là Nghệ thuật. Chỉ tồn tại những nghệ sỹ." Tiếp theo đó là 28 chương sách kết nối với nhau như một dòng chảy: một hành trình khám phá sự phát triển của nghệ thuật châu Âu lần lượt qua 5 giai đoạn: Cổ đại và Trung cổ, Phục hưng và Kiểu cách, Chủ nghĩa Baroque và Tân cổ điển, Thế kỷ 19 và Thời đại hiện đại.

Mỗi thời kỳ sẽ kết nối với nhau qua những lời mô tả dễ hiểu, không sử dụng biệt ngữ hay hình ảnh ẩn dụ phức tạp. E. H. Gombrich không đơn thuần giới thiệu tác phẩm với khối thông tin lớn, ông còn phân tích kỹ lưỡng về phong cách chung, tính mới và cũ của các tác phẩm khi đặt trong bối cảnh lịch sử kinh tế xã hội, chính trị bấy giờ. Từ đó, ông so sánh các thời kỳ để thấy sự thay đổi, sự liên quan và khác biệt qua thời gian của dòng chảy mỹ thuật châu Âu từng thời kỳ.

Tác phẩm sẽ vừa là nguồn nghiên cứu cho người muốn tìm hiểu, khảo cứu chuyên sâu, vừa là nguồn giải trí cho người muốn dấn sâu vào thế giới nghệ thuật này.

Sách về toàn bộ lịch sử mỹ thuật châu Âu cho người ngoại đạo ảnh 2(Ảnh: Omega Plus)

E. H. Gombrich cho người đọc thấy mỗi nghệ sỹ mới đều muốn tạo ra “cuộc cách mạng,” thoát khỏi những tiêu chuẩn của các bậc tiền bối; các tác phẩm nghệ thuật đều hấp dẫn, quyến rũ không chỉ nhờ những giá trị mà người nghệ sỹ đã đạt được, mà cả bằng những điều họ chưa chạm tới. Tất cả giúp mang tới cho độc giả một thái độ trân trọng sự khác biệt trong ý đồ của các nghệ sỹ, từ đó tiếp cận nghệ thuật của quá khứ một cách dễ dàng nhất.

Với tính hấp dẫn và thân thiện với người đọc, cuốn sách đã được xuất bản ra tiếng Việt lần đầu năm 1998, dịch giả Lê Sỹ Tuấn, ấn phẩm tái bản lần thứ 15. Tuy nhiên, phiên bản 1998 của “Câu chuyện nghệ thuật” tại Việt Nam là bản đen trắng, chỉ một số ảnh cuối sách mới in màu.

Vì thế, ấn phẩm tiếng Việt năm nay hứa hẹn sẽ vô cùng hấp dẫn và sống động.

Sách về toàn bộ lịch sử mỹ thuật châu Âu cho người ngoại đạo ảnh 3Tác giả, sử gia Ernust H. Gombrich. (Ảnh: ArtWatch.Uk)

Sinh ra ở Vienna vào năm 1909, nhà sử học Ernust H. Gombrich giữ chức vụ Giám đốc Viện nghiên cứu Warburg từ năm 1959 đến năm 1976. Ông là giáo sư chuyên về Lịch sử Truyền thống Cổ điển ở Đại học (Liên hợp) London. Gombrich được phong hàm Hiệp sĩ năm 1972; được trao Huân chương Công trạng năm 1988, danh hiệu The Goethe Prize (tạm dịch: “Giải thưởng Goethe”) (1994) và "the Gold Medal of the City of Vienna" (tạm dịch: “Huy chương vàng của thành phố Vienna”) (1994).

Ông không còn là cái tên xa lạ với giới học giả quốc tế. Bên cạnh “The Story of Art” - một trong những tác phẩm nhập môn nghệ thuật thị giác dễ tiếp cận nhất dành cho mọi đối tượng độc giả, ông còn có “Art and Illusion” (tạm dịch: “Nghê thuật và ảo ảnh thị giác”), một công trình nghiên cứu về lĩnh vực tâm lý học của nhận thức có ảnh hưởng lớn đến các nhà tư tưởng như Carlo Ginzburg, Nelson Goodman, Umberto Eco và Thomas Kuhn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục