Sai lầm chính sách khiến Mỹ 'đánh mất' Mỹ Latinh vào tay Trung Quốc?

Theo nhận định, Mỹ đang dần đánh mất Mỹ Latinh, “sân sau” của chính mình, vào tay Trung Quốc do chính sách giải quyết vấn đề di cư yếu kém và thiếu hụt đầu tư vào khu vực này.
Sai lầm chính sách khiến Mỹ 'đánh mất' Mỹ Latinh vào tay Trung Quốc? ảnh 1Xe tải chở hàng từ Mexico sang Mỹ di chuyển qua khu vực cửa khẩu Otay Mesa ở Tijuana, bang Baja California, Mexico ngày 4/4/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo nhận định trên trang mạng Sputnik Mundo, Mỹ đang dần đánh mất Mỹ Latinh, “sân sau” của chính mình, vào tay Trung Quốc do chính sách giải quyết vấn đề di cư yếu kém và thiếu hụt đầu tư vào khu vực này.

Nguồn tin trên nhận định Mỹ không biết phải làm gì với chương trình nghị sự về di cư cũng như các dự án địa kinh tế với Mỹ Latinh, đến mức cựu Tổng thống Donald Trump đã từng cân nhắc triển khai khoảng 250.000 binh sỹ tại khu vực biên giới với Mexico nhằm ngăn chặn dòng người di cư vốn không thể ngăn cản.

Giờ đây chính sách di cư của Tổng thống Joe Biden cũng không thu được kết quả và ông phải nhờ cậy sự phối hợp từ lãnh đạo của các quốc gia cùng chịu ảnh hưởng.

Trong quan hệ với Mỹ Latinh, Washington đã đặt một “tấm gương đen,” trong đó cường quốc số một thế giới né tránh nhìn nhận hình ảnh phản chiếu của chính mình, do cách quản lý các vấn đề khu vực yếu kém mà đến nay vẫn bám vào “chủ nghĩa Monroe” lỗi thời, hoàn toàn xa lạ với Liên minh vì sự tiến bộ của Kennedy, một đề xuất mà đáng tiếc đã không bao giờ trở thành hiện thực.

[Mỹ Latinh - Có phải là “con tốt” trong cạnh tranh Mỹ-Trung?]

Điều này đã khiến Mỹ dần đánh mất sức ảnh hưởng khổng lồ từng có và từng bước bị thay thế bới chủ nghĩa thực dụng địa kinh tế của Trung Quốc.

Bài báo chỉ ra thất bại kép trong vấn đề di cư của cựu đại sứ Mỹ tại Mexico Roberta Jacobson - người từng được toàn quyền xử lý vấn đề di cư xuyên biên giới nhưng sau đó thất thế vì thành tích yếu kém, và Phó Tổng thống Kamala Harris - người chưa bao giờ hiểu được căn nguyên dẫn đến tình trạng di cư ồ ạt gia tăng và khiến đảng Dân chủ lâm vào thế khó trong cuộc bầu cử.

Mới đây, Ngoại trưởng Antony Blinken, một người Mỹ gốc Israel, đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên về khủng hoảng di cư ở châu Mỹ tổ chức tại Colombia.

Sau khi đến thăm Costa Rica và Mexico nhằm giải quyết cuộc di cư đa yếu tố đang làm quá tải biên giới Mỹ-Mexico mà không đạt được kết quả cụ thể nào, ông Blinken tiếp tục nhóm họp với 17 Bộ trưởng Ngoại giao ở châu lục.

Trong hội nghị đó, Bộ trưởng Ngoại giao và Phó Tổng thống Colombia Marta Lucía Ramírez đã đề cập đến “cuộc khủng hoảng đa chiều vô cùng nghiêm trọng của Venezuela đã ảnh hưởng lớn đến các quốc gia Nam Mỹ và điều tương tự đã xảy ra với dòng người di cư Haiti ồ ạt sang Panama trong thời gian gần đây, mặc dù với mức độ thấp hơn.”

Chính rừng rậm nhiệt đới Darien chia cắt Panama với Colombia đã tạo thành “tuyến di cư chết chóc nhất châu Mỹ” và chỉ riêng từ đầu năm đến nay, khoảng 95.000 người đã băng qua con đường hiểm trở này, phần lớn là người Haiti, Venezuela và Cuba.

Tờ Daily Mail (Anh) đã dành một phóng sự đặc biệt về hành trình “như địa ngục, chết chóc và vô luật pháp” dài 106km giữa rừng già Panama, nơi đầy rẫy những kẻ lạm dụng và buôn người làm giàu từ những người Haiti di cư từ Chile và Brazil.

Trước khi tới Colombia, ông Blinken đã đến Ecuador. Tại quốc gia này, Tổng thống Guillermo Lasso đã ban bố tình trạng khẩn cấp và đang quay cuồng vì vụ bê bối liên quan đến "Hồ sơ Pandora" - với hàng triệu tài liệu bị rò rỉ và tiết lộ những bí mật tài chính của nhiều nhà lãnh đạo thế giới, tỷ phú và những người nổi tiếng. Trong khi đó, Colombia cũng đang trải qua bất ổn chính trị do các cuộc biểu tình.

Và gần đây lại nổi lên thông tin cựu Tổng thống Donald Trump từng muốn điều động 250.000 binh sỹ (tức một nửa quân đội Mỹ) đến biên giới Mexico vào mùa Xuân năm 2020 ngay giữa đại dịch, nhằm ngăn chặn tình trạng di cư.

Kế hoạch này bị Bộ trưởng An ninh nội địa lúc đó là Mark Esper bác bỏ. Cần lưu ý rằng chính cố vấn chính trị Stephen Miller, một người Mỹ gốc Israel thân cận với Jared Kushner, con rể của ông Trump, đã phác thảo kế hoạch bất thường này.

Theo The New York Times, ông Trump cuối cùng đã chùn bước sau khi nhận ra Mexico sẽ coi kế hoạch này là “hành vi chiến tranh,” và rốt cuộc Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ chỉ còn Đạo luật Dịch vụ Y tế Công cộng làm công cụ răn đe dòng người di cư hàng loạt.

Kế hoạch trên cũng bao gồm cuộc truy quét các băng nhóm buôn bán ma túy ở Mexico, được triển khai theo phong cách lính Mỹ thực hiện đột kích ở Pakistan và Afghanistan.

Dù thế nào đi chăng nữa, giờ đây ông Blinken lại phải dựa vào sự hợp tác chung của Mỹ Latinh, trong khi Mỹ tuyên bố “cung cấp tài trợ cho Colombia, quốc gia đã tiếp nhận 2 triệu người di cư Venezuela,” đồng thời bắt đầu trục xuất 7.500 người Haiti khỏi lãnh thổ Mỹ.

Sai lầm chính sách khiến Mỹ 'đánh mất' Mỹ Latinh vào tay Trung Quốc? ảnh 2Người di cư tại khu vực Ejido Guadalupe, bang Chiapas, miền nam Mexico, trong hành trình tới Mỹ ngày 4/9/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Có thể thấy Mỹ đang đối mặt với sự thay đổi đột ngột trong mô hình di cư do tình hình chính trị hỗn loạn ở Mỹ Latinh và tác động của đại dịch COVID-19, mà trong đó, các biện pháp trừng phạt chọn lọc của Washington đối với một số nước trong khu vực cũng gây tác động đáng kể.

Trên thực tế, do những biện pháp trừng phạt khắc nghiệt và thiếu hụt hỗ trợ tài chính cụ thể từ Washington, Mỹ Latinh đã lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan giữa những chính sách di cư bất ổn định và hay dao động của Mỹ.

Và Trung Quốc đã tận dụng tình thế này để thúc đẩy quá trình thâm nhập thực dụng, “chậm mà chắc” vào khu vực.

Tờ Daily Mail nhận định “Trung Quốc đã nắm được sân sau của Mỹ sau khi đầu tư 140 tỷ USD vào cảng biển, đường sá và nhà máy điện ở Mỹ Latinh và Caribe,” cho thấy lợi thế của Mỹ tại khu vực đang phai nhạt.

Chỉ trong vòng 20 năm, thương mại của Trung Quốc ở khu vực đã tăng 26 lần, từ 12 tỷ USD lên 315 tỷ USD.

Gần đây nhất, Trung Quốc đã ký thỏa thuận với Cuba, như một phần trong chiến lược địa kinh tế lớn của Bắc Kinh về sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI).

Hiện nay, Trung Quốc đã thay thế Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của gần một nửa các quốc gia trong khu vực, trong đó có 3 trên 4 nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh là Brazil, Argentina và Colombia.

Danh sách này tất nhiên không có Mexico, “hàng xóm sát vách” của Mỹ. Cần nhấn mạnh rằng Mexico là nơi Trung Quốc đầu tư ít nhất do những trở ngại nội tại có chủ đích liên quan đến Hiệp định thương mại Mexico-Mỹ-Canada (USMCA), văn bản cho phép Mỹ và/hoặc Canada phủ quyết thỏa thuận thương mại (nếu có) giữa Mexico và Trung Quốc.

Ngoài ra, Trung Quốc đầu tư mạnh nhất vào Venezuela, với 62,05 tỷ USD, tiếp đến là Brazil với 35,16 tỷ USD, Ecuador với 18,34 tỷ USD và Argentina với 17,1 tỷ USD.

Gần đây một số nhà phân tích đã tính toán rằng cần tới 400 tỷ USD đầu tư cho một “kế hoạch Marshall” nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng di cư ở Mỹ Latinh và thúc đẩy quan hệ của Washington với khu vực này.

Trong mối quan hệ cộng sinh của Trung Quốc và các đối tác trong khối ASEAN, các nước trong khối này được hưởng lợi từ chuyển giao công nghệ, trong khi điều này không hề xảy ra với Mỹ và các đối tác thương mại trong USMCA (như trường hợp của Mexico) hay thậm chí Colombia, một đồng minh khác của Mỹ.

Chính quyền của ông Biden đề xuất hỗ trợ 4 tỷ USD cho khu vực trong vòng 4 năm, trong khi Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc về Châu Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL) có kế hoạch đầu tư 45 tỷ USD chỉ riêng cho Trung Mỹ.

Rõ ràng, Mỹ vẫn không muốn thay đổi “tấm gương đen” trong quan hệ với Mỹ Latinh. Chính sách di cư sai lầm và đầu tư hời hợt có thể khiến cường quốc số một thế giới đánh mất ảnh hưởng tại “sân sau” vào tay đối thủ Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục