Samsung lên tiếng

Samsung ứng phó với thương vụ Google-Motorola

Samsung muốn đẩy mạnh việc phát triển hệ điều hành riêng Bada và có thể bắt tay với Microsoft để giảm phụ thuộc vào Android.
Sau khi tập đoàn Google tuyên bố thâu tóm hãng sản xuất điện thoại Motorola với giá 12,5 tỷ USD, một trong những nội dung được nhắc tới nhiều nhất là liệu các đối tác đang dùng nền tảng Android của Google có nên lo lắng?

Dù cho hàng loạt vị quan chức hàng đầu của Samsung, Sony Ericsson, HTC và LG đều đã lên tiếng "chúc mừng" Google và bày tỏ niềm vui với vụ mua bán này, song theo giới phân tích nhận định, sẽ có không ít hãng đối tác "bằng mặt chứ không bằng lòng" với bước đi mới của hãng này.

Có thể thấy điều đó qua dẫn chứng mới nhất mà tờ nhật báo Hàn Quốc Dong-a Ilbo vừa đăng tải.

Dong-a Ilbo nói rằng trong tuần qua, vị chủ tịch Samsung Lee Kun-hee đã có buổi gặp gỡ với các giám đốc hàng đầu của hãng này nhằm thảo luận về những ảnh hưởng của vụ thâu tóm Google-Motorola đối với Samsung.

Trước đó, ai cũng biết rằng hãng công nghệ Hàn Quốc có thể vươn lên trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới là nhờ vào dòng thiết bị ăn khách chạy hệ điều hành Android. Vậy nên, bất kể một thay đổi nào xuất hiện trong mối quan hệ giữa Google và Samsung đều có thể gây ra những đe dọa "chết người" đối với tập đoàn Hàn Quốc này.

Hiển nhiên vị chủ tịch Lee đã nhìn ra hoàn cảnh rủi ro đó, và đây chính là lý do để ông triệu tập các quan chức hàng đầu của Samsung nhằm lên kế hoạch sẵn sàng đối phó.

Theo Dong-a Ilbo, ông Lee muốn Samsung đa dạng hóa nền tảng của các thiết bị không dây, trong đó đẩy mạnh việc phát triển Bada, hệ điều hành của riêng họ. Thậm chí, không loại trừ khả năng Samsung có thể "bắt tay" với Microsoft để tận dụng thế mạnh của nền tảng Windows Phone, thay vì "phó thác" thành công vào nền tảng Android chủ lực hiện nay.

Từ đó, có thể thấy hãng công nghệ Hàn Quốc không hoàn toàn vui mừng với bước đi thâu tóm Motorola mà Google vừa tuyên bố.

Trước những toan tính đầy khôn ngoan đó của Samsung, một đối tác quan trọng sử dụng nền tảng Android của Google, giới phân tích càng có cơ sở để tự hỏi, liệu những đối tác khác như HTC hay LG có đang âm thầm lo liệu cho một "cuộc sống không Android" trong tương lai?

Có lẽ chưa ai quên lời "nhắn nhủ" mới đây của vị CEO Nokia, Stephen Elop, khi ông này nói rằng Samsung và HTC nên cảm thấy sốt ruột, bởi "mối lương duyên Google-Motorola" cũng chính là mối đe dọa đối với bất kể hãng sản xuất smartphone nào đang "kết" Android hiện nay./.

Văn Hưng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục