Phạm Thị Hằng và giấc mơ thành hiện thực khi tham dự lễ ra mắt bộ đôi siêu phẩm Galaxy S9 và S9+

Samsung Việt Nam: Nơi những ước mơ thanh xuân thành hiện thực

Những lớp học giữa lòng nhà máy

Năm 2008, thi đỗ đại học nhưng do quá khó khăn nên Nguyễn Thị Lan (Yên Phong, Bắc Ninh) quyết định xin vào Samsung làm công nhân rồi lấy chồng, sinh con. Những tưởng, cánh cửa giảng đường đã vĩnh viễn đóng lại với Lan thì gần 10 năm sau, cô lại được cầm trên tay tấm bằng cao đẳng, chuyên ngành tiếng Hàn.

Chị Lan chia sẻ

Lan chỉ là một trong số rất nhiều công nhân của Samsung Việt Nam được hưởng lợi nhờ chính sách phát triển và nâng cao nguồn nhân lực của tập đoàn đến từ Hàn Quốc.

Hơn 10 năm về trước, khi những công trình đầu tiên của Samsung Việt Nam được dựng lên cũng là lúc cô gái trẻ Nguyễn Thị Lan nhận được giấy báo trúng tuyển Đại học. Nhưng tâm trạng háo hức đã rất nhanh đi qua khi Lan nhìn lại ngôi nhà cũ kỹ và xiêu vẹo của mình. Người mẹ già vẫn lầm lũi còng lưng trên thửa ruộng nắng cháy đầu khiến lòng cô buồn rười rượi.

Điều kiện gia đình quá khó khăn, nên nếu lựa chọn đi học, Lan sẽ càng làm gánh nặng trên vai mẹ nặng trĩu hơn. Sau nhiều đêm trằn trọc, cô gái 18 tuổi quyết định giấu người thân để nộp hồ sơ xin làm công nhân tại Samsung.

Nhịp sống cứ thế cuốn cô đi. Buông giấy bút, Lan quen dần với những dây chuyền sản xuất không ngừng. Hai năm sau ngày vào công ty, Lan lấy chồng rồi sinh ra hai thiên thần bé nhỏ. Những tưởng cuộc sống sẽ cứ thế trôi qua thì tới năm 2016, Lan quyết định tham gia khóa học Cao đẳng nội bộ theo chuẩn của Bộ Giáo dục do Samsung hợp tác với trường Cao đẳng Công nghệ Bắc Hà mở ra ngay bên trong nhà máy. Lúc này, giấc mơ giảng đường 8 năm về trước như một đốm lửa tàn lại bắt đầu được thổi bùng lên.

Sắp xếp việc gia đình, gửi nhờ hai cậu con trai cho nhà nội, Lan quyết định ghi danh và thi tuyển cho kỳ thi chuyển cấp thứ hai trong đời. Trúng tuyển, cô được Samsung bố trí học tại Trung tâm Phát triển Nhân tài của nhà máy (giảng viên nhà trường cử tới) vào những khi tan giờ làm và được hưởng mức học phí ưu đãi so với quy định…

Cũng giống như Lan, cậu công nhân sinh năm 1995 - Đặng Văn Điệp (Mỹ Đức, Hà Nội), cũng lựa chọn nối lại việc học tại ngay chính nhà máy của Samsung sau nhiều năm bỏ dở. Điệp tâm sự: Khi ấy, nghe tới việc đi học lại, cậu cũng rất ngại vì đã quá lâu không động tới sách vở. Nhưng khi nhìn thấy bạn bè cùng trang lứa sau khi cầm tấm bằng Cao đẳng chính quy lại có cơ hội thi nâng bậc, nâng lương, Điệp lại thấy… ham. Vậy là, chàng trai 24 tuổi quyết tâm… đèn sách để đổi đời một lần nữa.

Anh Điệp chia sẻ

Ngày ngày, sau giờ tan ca, thay vì trở về phòng trọ, Điệp ôm sách vở lên lớp. Những căn phòng họp, phòng training… được chuyển đổi thành giảng đường ngay trong lòng nhà máy. Sinh viên của lớp học đặc biệt này là chính những người công nhân còn chưa kịp thay ra bộ đồng phục trong nhà máy.

“Nếu không có chương trình này, chắc cả đời em sẽ không mơ cầm được tấm bằng Cao đẳng,” Điệp hồ hởi.

Sau 3 năm vừa học, vừa làm, giữa năm 2018, Điệp cuối cùng cũng tốt nghiệp và quyết định thi kỹ thuật viên nội bộ của Samsung. Vượt qua kỳ thi, anh đã được lên bậc lương và chuyển lên Thái Nguyên làm việc.

“Nhân viên tham gia học tập được giảm 15-25% học phí tùy ngành học so với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Samsung cung cấp cơ sở vật chất miễn phí. Địa điểm học ngay trong công ty chính là điều kiện thuận lợi để nhân viên tham gia theo học. Công ty cũng cung cấp xe buýt nội bộ cho học viên di chuyển thuận tiện và kịp thời hơn…,” đại diện Samsung cho biết.

Theo đại diện của Samsung Việt Nam, Tại Bắc Ninh, công ty này đã phối hợp với Cao đẳng Công nghệ Bắc Hà tổ chức khóa đầu tiên vào năm 2013 và vào năm 2015 với đối tác là Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Thái Nguyên. Tính đến nay, đã có 11 khóa học được tổ chức với tổng số gần 1.200 nhân viên đang theo học chương trình này tại các chuyên ngành Điện, Điện tử, Kế toán, tiếng Hàn, Điều dưỡng và chăm sóc sắc đẹp.

Đặc biệt, phía Samsung không hề yêu cầu nhân viên cam kết gì khi tham gia chương trình đào tạo này. Thậm chí, sau khi tốt nghiệp, nhân viên Samsung có những cơ hội thay đổi lên vị trí công việc tốt hơn.

Những cuộc sống mới bắt đầu

Phạm Thị Hằng, quê Bắc Giang, là một trong những công nhân thuộc lứa đầu tiên của nhà máy Samsung tại Bắc Ninh. 10 năm trước đây, khi Samsung Electronics Việt Nam (SEV) đi vào hoạt động, Hằng quyết định rời bỏ vùng quê nghèo khó của mình để xin vào làm việc.

Bước ra từ ruộng đồng, mọi kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng để làm việc của Hằng trong nhà máy, công xưởng, nhất là một nhà máy công nghệ cao như SEV…chỉ là con số “0” tròn trĩnh.

“Phải mất một thời gian em mới quen với việc tập trung cao độ khi làm việc trên dây chuyền điện thoại với các linh kiện nhỏ”, Hằng nhớ lại.

Để có thể bước vào dây chuyền sản xuất, như mọi công nhân của Samsung, Hằng phải trải qua một khóa đào tạo nghiêm khắc giúp hiểu và tuân thủ nội quy công ty, an toàn lao động và đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản trong môi trường sản xuất công nghiệp. Rồi sau đó, mỗi người mới được phân công về các bộ phận của từng phân xưởng.

“Đi đâu cũng phải xếp hàng, không được chen lấn, ra đường phải đội mũ bảo hiểm, không được sử dụng điện thoại khi đi trên đường…Lúc đầu em cũng thấy khó chịu với những quy định này, nhưng về sau lại trở thành thói quen và thấy những điều đó thực sự tốt với em”, Hằng cho biết thêm.

Những ngày đầu khó khăn cũng dần qua nhanh, một cuộc sống mới mở ra với Hằng khi công việc ổn định, thu nhập cũng ngày càng cao, lại hưởng các chế độ phúc lợi mà ít nơi đâu có được và có cơ hội học nâng cao, Hằng quyết định gắn bó với SEV và đến nay đã là 10 năm.

Năm 2018, Hằng xuất hiện tại Barcelona (Tây Ban Nha) để tham dự lễ ra mắt siêu phẩm Galaxy S9/S9+ mà mình và các đồng nghiệp cùng góp tay sản xuất. Đây là phần thưởng dành cho một trong những nhân viên xuất sắc, chăm chỉ và gắn bó với Samsung từ những ngày đầu tiên

Không chỉ có Hằng, hơn một trăm nghìn công nhân tại Samsung đều có chung những suy nghĩ như vậy. Nhiều chàng trai, cô gái bước ra từ những làng quê nghèo khó đã có cơ hội bước vào nhà máy, công xưởng, để tạo lập tương lai tốt đẹp hơn, từ đại kế hoạch đầu tư lớn của Samsung tại Việt Nam.

Đồng hành cùng tài năng trẻ

Không chỉ chú trọng đến khâu nâng cao trình độ của lao động phổ thông, trong suốt 10 năm có mặt tại Việt Nam, Samsung cũng luôn đồng hành và phát triển nguồn nhân lực trẻ có trình độ cao bằng một loạt chính sách “mở.”

Từ hơn 2 năm trở lại đây, sinh viên trẻ Ngô Trọng Đức (Từ Sơn, Bắc Ninh) đã trở thành kỹ sư lập trình của trung tâm R&D Samsung Việt Nam thông qua chương trình học bổng tài năng Samsung. Đức chia sẻ: Năm 2018, khi đang là sinh viên năm cuối của Khoa Điện tử Y sinh (Đại học Bách Khoa Hà Nội), cậu khá mông lung về định hướng tương lai sau này.

Ngô Trọng Đức Điệp chia sẻ

“Vào thời điểm đó, hầu hết các bạn trong lớp em đều hướng tới lựa chọn ngành nghề thiên về thiết bị y tế sau khi tốt nghiệp. Bản thân em cũng đã thử nhưng không cảm thấy thực sự phù hợp,” Đức kể.

Đúng trong giai đoạn “mất định hướng” nhất thì Đức biết đến chương trình học bổng của Samsung. Tham khảo kinh nghiệm của những người đi trước, cậu sinh viên quê Bắc Ninh thực sự thích thú.

“Học bổng này dành cho những sinh viên có khả năng về lập trình. Đặc biệt sau khi trúng tuyển, ứng viên sẽ được thực tập tại Samsung, đồng thời được làm việc tại đây trong vòng 2 năm tiếp theo,” Đức cho hay.

Không mất quá nhiều thời gian suy nghĩ, Ngô Trọng Đức nhanh chóng làm hồ sơ, vượt qua 2 vòng tuyển chọn để trở thành 1 trong 50 thí sinh cuối cùng nhận được học bổng. Và cũng từ đây, giấc mơ trở thành một lập trình viên của cậu dần dần được hiện thực hóa. Cậu được những người đồng nghiệp lớn dạy những bài học thực tế về lập trình, được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp và trở nên tự tin hơn.

Chàng trai trẻ 24 tuổi cũng cho biết thêm: Mặc dù chương trình học bổng chỉ còn 1 năm, nhưng cậu vẫn muốn gắn bó lâu dài hơn với Samsung bởi “trước mắt vẫn còn nhiều điều để học hỏi.”

Khác với Đức, kỹ sư lập trình Nguyễn Duy Thanh đến với Samsung bằng một con đường… khúc khuỷu hơn. Sinh năm 1993 tại Bến Tre, Thanh vốn là sinh viên ngành Công nghệ Thông tin của Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh. Khi đang ở năm thứ 3, Thanh đăng ký tham gia cuộc thi tay nghề và được trường chọn làm đại diện tranh tài ở các cấp.

Sau khi giành giải nhất cấp quốc gia, Thanh được tuyển chọn sang Hàn Quốc tham gia khóa huấn luyện cho kỳ thi tay nghề thế giới năm 2015. Tại đây, nam sinh Việt Nam được Samsung hỗ trợ tối đa toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở… trong suốt thời gian Thanh học tập cũng như thi quốc tế sau này.

Mọi thứ lúc này giống như một giấc mơ với cậu sinh viên miền Tây. Đây cũng là lần đầu tiên, Thanh được xuất ngoại, được nhìn thấy những người bạn quốc tế hoạt động cùng lĩnh vực với mình.

“Khóa học diễn ra trong vòng 13 tháng với cường độ rất cao. Một ngày học bắt đầu từ hơn 7h sáng với các động tác khởi động, có 20 phút để họp và báo cáo kết quả làm việc ngày trước. Sau đó từ 7h20 trở đi, tất cả bắt tay vào học tập, đào tạo, làm các bài test thử nghiệm. Cứ như vậy, lịch trình kéo dài đến 17h,” Thanh nhớ lại.

Buổi trưa, học viên chỉ có 1 tiếng đồng hồ cả ăn trưa và nghỉ ngơi. Đến tối, chủ yếu là tập trung ôn luyện, nhiều đêm ôn luyện đến tận 23h là chuyện “như cơm bữa”.

Trong giai đoạn này, Thanh may mắn khi nhận được sự hỗ trợ tuyệt đối của Samsung, từ từng bữa ăn sao cho hợp khẩu vị đến việc mời các chuyên gia nước ngoài về giảng dạy, kèm cặp.

Càng tới gần ngày thi, áp lực càng trở nên lớn hơn. Thanh nhớ mãi 2 tuần trước khi bay sang Brazil, cậu đã buộc phải tự cách ly mình trong căn phòng kín với chiếc máy tính cá nhân. Thậm chí, Thanh còn thay đổi cả thói quen giấc sinh hoạt để phù hợp với múi giờ tại Brazil.

“Ngày ấy, em tập làm việc nguyên một tối đến hết đêm, sáng mới ngủ. Cứ thế ròng rã tới tận ngày bay sang Sao Paulo,” Thanh nhớ lại.

Tháng 8/2015, tại cuộc thi nghề quốc tế, trải qua 4 ngày tranh tài liên tục, Thanh giành được Huy chương đồng. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam giành được huy chương tại sân chơi này. Thanh cũng được ban tổ chức trao giải thành viên xuất sắc nhất của đoàn Việt Nam.

Thanh tự gọi cuộc thi năm ấy là một bước ngoặt đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời mình. Sau thành công đó, Thanh được ra Hà Nội và vào trung tâm R&D Samsung làm việc với vai trò một lập trình viên cho tới tận bây giờ.

Đến từ rất nhiều các địa phương khác nhau trên cả nước, nhưng những người như Lan, Điệp, Hằng, Thanh hay Đức đều có một điểm chung là gắn sự trưởng thành của bản thân với sự phát triển chung của Samsung Việt Nam. Họ chỉ là một trong số rất nhiều người đã được hưởng lợi từ chính sách đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao nguồn nhân lực bản địa của tập đoàn đến từ xứ Kim chi.

Sản phẩm của VietnamPlus
Những người thực hiện:
Phạm Trung Hiền, Trần Sơn Bách, Lê Minh Sơn, Nguyễn Thị Hạnh, Ngọ Xuân Quảng, Phạm Thanh Trà.

Xem thêm

  • Thu hút FDI Thu hút FDI
  • Bệ phóng Bệ phóng
  • Nữ kỷ sư Samsung Nữ kỷ sư Samsung
  • Người mở lối Người mở lối
  • Phúc lợi Phúc lợi
  • Trung tâm R&D Trung tâm R&D
  • Dự án tỷ USD Dự án tỷ USD
  • Thuyền trưởng Thuyền trưởng