Sàn giao dịch tiền kỹ thuật số Bittrex nộp đơn xin phá sản

Theo đơn đệ trình xin phá sản gửi lên tòa án thành phố Wilmington thuộc bang Delaware, Bittrex thông báo tài sản và nợ phải trả của công ty đều nằm trong khoảng từ 500 triệu đến 1 tỷ USD.
Sàn giao dịch tiền kỹ thuật số Bittrex nộp đơn xin phá sản ảnh 1Sàn giao dịch Bittrex đã nộp đơn xin phá sản. (Nguồn: Blockworks)

Sau khi bị Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) cáo buộc điều hành một sàn giao dịch chứng khoán chưa đăng ký vào ba tuần trước, ngày 8/5, sàn giao dịch tiền kỹ thuật số Bittrex Inc đã chính thức nộp đơn xin phá sản.

Thông báo từ công ty Bittrex có trụ sở tại bang Seattle (Mỹ), vốn đã ngừng hoạt động sàn giao dịch từ ngày 30/4, cho biết việc công ty nộp đơn xin phá sản sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của Bittrex Global, có trụ sở tại Liechtenstein, nơi chỉ phục vụ khách hàng quốc tế với phạm vi hoạt động ngoài Mỹ.

Theo đơn đệ trình xin phá sản gửi lên tòa án thành phố Wilmington thuộc bang Delaware, Bittrex thông báo tài sản và nợ phải trả của công ty đều nằm trong khoảng từ 500 triệu đến 1 tỷ USD.

Công ty hiện vẫn đang nắm giữ các tài sản điện tử của một số khách hàng Mỹ, những người chưa rút tiền trước ngày 30/4. Số tài sản này “an toàn và được bảo mật.”

Đại diện của Bittrex cho biết công ty dự kiến sẽ yêu cầu tòa án cho phép mở lại một một lượng hạn chế các tài khoản, để có thể thuận tiện thực hiện hoàn tiền cho khách hàng.

Ngày 17/4, SEC đã khởi kiện Bittrex tại Mỹ điều hành một sàn giao dịch chứng khoán, nhà môi giới và cơ quan thanh toán bù trừ quốc gia chưa đăng ký.

Cựu Giám đốc điều hành của công ty, ông William Shihara, bị cáo buộc đã phối hợp với các tổ chức phát hành thực hiện hành vi gian dối, để tránh sự giám sát của cơ quan quản lý, trước khi bất kỳ tài sản nào được cung cấp trên nền tảng của họ.

Bittrex Inc đã bác bỏ cáo buộc của SEC, khẳng định rằng tài sản tiền kỹ thuật số trên nền tảng của công ty không phải là chứng khoán hoặc hợp đồng đầu tư.

Trước khi vướng vào vụ kiện của SEC, Bittrex bị Bộ Tài chính Mỹ “tuýt còi” vì "vi phạm rõ ràng" lệnh trừng phạt đối với một số quốc gia và luật chống rửa tiền và đã đồng ý sẽ trả 29 triệu USD tiền phạt mà Bộ Tài chính Mỹ yêu cầu.

Sàn giao dịch tiền kỹ thuật số Bittrex nộp đơn xin phá sản ảnh 2Thị trường tiền kỹ thuật số chứng khiến nhiều vụ phá sản thời gian qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong năm vừa qua, do vấp phải sự thay đổi trong quy định và giám sát chặt chẽ của cơ quan lập pháp, một số công ty trong ngành công nghiệp tiền kỹ thuật số tại Mỹ cũng đã rơi vào tình trạng bị cáo buộc vi phạm và phải nộp phạt, dẫn đến việc phá sản hoặc bị giảm giá tài sản.

Đơn vị cho vay của công ty tiền điện tử Genesis (Mỹ) là Genesis Global Capital hôm 19/1/2023 đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản, trở thành “nạn nhân” mới nhất của cuộc khủng hoảng tiền điện tử đang diễn ra.

Trong hồ sơ xin phá sản gửi lên Tòa án Phá sản quận phía Nam của New York hôm 19/1, Genesis Global Capital cho biết tổng giá trị tài sản và nợ phải trả của công ty này dao động trong khoảng từ 1-10 tỷ USD và ước tính có hơn 100.000 chủ nợ.

[Cựu CEO của sàn giao dịch FTX bị cáo buộc thêm tội danh hối lộ]

Trước đó, sàn giao dịch FTX đã gây sốc cho thế giới tiền điện tử khi nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào tháng 11/2022, sau khi chứng kiến làn sóng rút vốn ồ ạt lên đến 6 tỷ USD chỉ trong 72 giờ, và bị sàn giao dịch tiền điện tử đối thủ Binance bất ngờ từ chối “giải cứu."

Quỹ phòng hộ liên kết của FTX là Alameda Research cũng đã nộp đơn xin phá sản. Sự sụp đổ của các công ty do cựu tỷ phú Sam Bankman-Fried thành lập đã trở thành một trong những thất bại nghiêm trọng nhất trong lĩnh vực tiền điện tử thời gian qua.

Sàn giao dịch tiền kỹ thuật số Bittrex nộp đơn xin phá sản ảnh 3Ông trùm tiền điện tử Sam Bankman-Fried bị bắt và tạm giam ở Bahamas, chờ bị dẫn độ về Mỹ để xét xử. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong quá trình điều tra sau đó, các công tố viên phát hiện nhiều chi tiết đáng ngờ về dòng tiền giữa FTX với quỹ đầu tư tiền điện tử Alameda Research. Đồng thời, sàn này cũng vướng nghi án chiếm dụng tiền gửi của khách hàng.

Ông Bankman-Fried đã phủ nhận 8 trong số 13 tội danh bị cáo buộc. Mặc dù thừa nhận quản lý rủi ro không hợp lý tại FTX, song nhà sáng lập sàn giao dịch này phủ nhận chiếm dụng tiền.

Trong khi đó, 3 người thân cận với ông Bankman-Fried là CEO Alameda Caroline Ellison, cựu Giám đốc công nghệ FTX Zixiao "Gary" Wang và cựu giám đốc kỹ thuật FTX Nishad Singh đã nhận tội và đồng ý hợp tác với các công tố viên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục