Sân khấu cải lương đã mất đi “cây đại thụ”

Trong giới nghệ sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Phùng Há vẫn được xem là một vị “tổ sống”, là một điểm tựa tinh thần, là tấm gương về tài năng và đạo đức nghề nghiệp.
Nghệ sĩ Nhân dân Phùng Há, cây đại thụ còn sót lại của sân khấu cải lương, đã ra đi vào lúc 0 giờ 30 phút ngày 5/7 trên đường di chuyển từ bệnh viện Nguyễn Trãi về chùa Nghệ sĩ.

Mặc dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng cái tin bà ra đi vẫn làm mọi người bàng hoàng. Hôm 30/4/2009, sinh nhật lần thứ 99 của Nghệ sĩ Nhân dân Phùng Há được tổ chức long trọng tại chùa Nghệ sĩ, Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh, rất đông văn nghệ sĩ và khán giả ái mộ đã có mặt để chúc mừng bà. Trông bà vẫn khỏe, nhiều người còn trù tính cả lễ mừng sinh nhật năm sau, ngày bà tròn 100 tuổi, phải tổ chức thật lớn, thật xôm tụ. Dường như không ai có ý nghĩ bà sẽ ra đi sớm hơn…

Trong buổi tiếp vài nhà báo và văn nghệ sĩ trước đó một ngày bà rất vui, bà cười và nói rất nhiều về những ngày còn “tung hoành” trên sân khấu với những Lữ Bố, An Lộc Sơn… và về cái tâm của người nghệ sĩ. Bà còn múa bộ Lữ Bố và Điêu Thuyền cho mọi người xem.
 
Chẳng ai ngờ được một bà cụ đã sống gần trọn một thế kỷ vẫn có thể múa bộ “chuẩn” đến thế. Ai cũng khấp khởi mừng vì xem ra bà vẫn còn “ở lại dài dài”. Thế nhưng cuối cùng, con người vẫn phải khuất phục trước thời gian, bà đã thực sự ra đi: nhẹ nhàng, thanh thản…
 
Nói đến Nghệ sĩ Nhân dân Phùng Há, ngoài tài năng thiên bẩm mà có người đã cho rằng “trời sinh ra Phùng Há để hát cải lương” cùng những đóng góp to lớn cho sự phát triển của sân khấu cải lương thì phải nói đến lòng yêu nghề. Nói như Nghệ sĩ Nhân dân Huỳnh Nga, người vẫn được bà gọi là con, thì ở bà có một sự yêu nghề, say nghề, tha thiết với nghề khó nghệ sĩ nào có được; “dòng máu nghệ thuật” trong bà chảy đến tận những giây phút sau cùng.
 
Thật vậy, dù tuổi cao sức yếu không theo sát được sân khấu sàn diễn hay đang phải nằm bệnh viện mà có nghệ sĩ đàn em, đàn cháu đến “thỉnh giáo”, nhờ “cô Bảy” góp ý cho vai diễn thì bà quên hẳn mệt nhọc sẵn sàng đứng lên, chỉ dẫn từ cái liếc mắt đến cái khoát tay. Trong giới nghệ sĩ, bà vẫn được xem là một vị “tổ sống”, là một điểm tựa tinh thần, là tấm gương về tài năng và đạo đức nghề nghiệp.
 
Một tấm lòng cao cả
 
Cởi bỏ xiêm áo lộng lẫy, trở về cuộc sống đời thường, bà lại là một con người bình dị với tấm lòng nhân hậu luôn muốn san sẻ yêu thương cùng mọi người. Thấu hiểu cuộc sống của người nghệ sĩ khi về chiều, bà đã vận động thành lập Viện dưỡng lão nghệ sĩ để chăm lo, nuôi dưỡng các nghệ sĩ già yếu, neo đơn, gặp hoàn cảnh khốn khó. Đến hôm nay, đây là mái ấm của hơn 20 nghệ sĩ già không nơi nương tựa.
 
Cũng chính bà là người đóng góp sáng lập nên chùa Nghệ sĩ và Nghĩa trang Nghệ sĩ ở Gò Vấp. Đây là nơi an nghỉ ấm cúng của giới nghệ sĩ cũng là nơi tiếp nhận đóng góp của những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
 
Bà luôn xông xáo trong các chuyến đi cứu trợ, làm từ thiện dù lúc còn khỏe hay đang đau yếu. Chuyến đi từ thiện cuối cùng của bà cũng mới đây thôi, ngày 12/4 tại xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Chị Thủy, cháu ngoại bà cho biết: “Bà thích đi lắm, không cho đi là bà giận”. Những lần tổ chức mừng thọ cho mình, bà đã thẳng thắn yêu cầu các vị khách đừng tặng quà mà hãy góp tiền vào quỹ từ thiện của chùa.

Nghệ sĩ Nhân dân Phùng Há tên thật là Trương Phụng Hảo, sinh năm 1911 tại làng Điều Hòa, huyện Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang). Bà có tuổi thơ cơ cực khi phải làm thuê trong lò gạch. Nhờ giọng hát hay bà được nhiều bầu gánh hát để ý và năm 13 tuổi thì chính thức theo nghề hát ở gánh Tái Đồng Ban. Vai diễn đầu tiên của bà là vai Giả Thị trong vở Hoàng Phi Hổ quy Châu của soạn giả Nguyễn Công Mạnh.
 
Vai chính đầu tiên của bà là vai Thúy Kiều trong vở Kim Vân Kiều của soạn giả Trương Duy Toản năm bà 14 tuổi.
 
Từ đó về sau bà toàn đóng vai chính với nhiều dạng bi, hài, và cả kép võ. Bà được xem là nữ nghệ sĩ thành công với vai kép võ nhất từ trước tới nay, đặc biệt vai Lữ Bố (Phụng Nghi Đình) có ảnh hưởng nhiều đến các nghệ sĩ sau này. Bà cũng từng đứng ra thành lập nhiều gánh hát lưu diễn khắp cả nước như Phụng Hảo, Việt kịch - Năm Châu, Tam Phụng Hảo… Bà còn tham gia giảng dạy tại khoa cải lương trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn.
 
Sau năm 1975, bà làm cố vấn cho Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, giảng dạy cho các khóa đào tạo diễn viên cải lương của nhà hát mà đến nay nhiều nghệ sĩ đã thành danh như Nghệ sĩ ưu tú Thanh Thanh Tâm, Vũ Linh, Kim Tử Long, Thoại Mỹ, Tấn Giao, nghệ sĩ Chí Linh, Vân Hà…

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục