Sân khấu đất Cảng trước nguy cơ "lão hóa"

Các đoàn nghệ thuật ở Hải Phòng đang đối mặt với thực trạng thiếu và "lão hóa" đội ngũ diễn viên, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng vở.
Các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp ở thành phố Hải Phòng đang đối mặt với thực trạng thiếu và "lão hóa" đội ngũ diễn viên, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng hoạt động biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhân dân.

Để bảo đảm các chương trình biểu diễn cần có đông người tham gia, việc "vay mượn" diễn viên đang diễn ra khá phổ biến và thường nhật tại các đoàn nghệ thuật này.

Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Hải Phòng Lưu Văn Hải cho biết tường là địa chỉ "cung ứng" học viên phục vụ nhu cầu đột xuất của các đoàn nghệ thuật thành phố, coi đó là cơ hội rèn luyện, gắn lý thuyết với thực hành.

Đội ngũ diễn viên quá mỏng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng các vở diễn. Vì thế, mỗi đoàn thường tự cân đối kinh phí để ký hợp đồng thời vụ từ 5 đến 7 diễn viên trẻ nhằm tăng tính hấp dẫn của sân khấu truyền thống. Tuy nhiên, sự nỗ lực bù đắp ấy vẫn không làm giảm bớt nỗi lo về nguồn nhân lực kế cận và sự "lão hóa" của các gương mặt trên sàn diễn, ông Hải nói.

Đoàn Kịch nói Hải Phòng hiện có 20 diễn viên trong số 30 cán bộ thuộc biên chế nhà nước với độ tuổi 30 - 35 vẫn được coi là trẻ nhất so với các đoàn nghệ thuật khác trên địa bàn thành phố.

Điều đáng nói là cái nôi đào tạo, nguồn cung cấp chủ yếu diễn viên trẻ cho các đoàn là Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Hải Phòng lại đang... thiếu học viên. Lớp sân khấu kịch và chèo của trường hiện chỉ có 23 diễn viên.

Hơn thế, trong vài năm gần đây, trường không mở lớp đào tạo diễn viên múa rối và cải lương. Công tác tuyển sinh của trường gặp nhiều khó khăn khiến việc lựa chọn chất lượng "đầu vào" hạn chế. Vì thế, lực lượng diễn viên trẻ bổ sung cho các đoàn nghệ thuật trên địa bàn thành phố ngày càng giảm.

Trưởng Đoàn kịch nói Hải Phòng Phạm Xuân Thấm trăn trở "diễn viên trẻ, đẹp, chuyên môn vững thường chọn các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của Trung ương hoặc doanh nghiệp có chế độ đãi ngộ tốt. Cơ chế và thu nhập của các đoàn nghệ thuật hiện không đủ điều kiện "giữ chân" các diễn viên trẻ, chưa nói đến việc thu hút các diễn viên tài năng. Thiếu sự lựa chọn chất lượng "đầu vào" khiến việc tìm kiếm lực lượng kế cận và "trẻ hóa" đội ngũ diễn viên của các đoàn trên thực tế đang bị bế tắc!".

Thực trạng trên đang đòi hỏi các trường và đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp thành phố tăng cường đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo và sử dụng diễn viên với cơ chế đãi ngộ hợp lý, khuyến khích tài năng nhằm "trẻ hóa", bổ sung nhanh đội ngũ diễn viên kế cận, nâng cao chất lượng biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhân dân

Mặt khác, các đoàn nghệ thuật cũng cần chủ động trong việc phát hiện và bồi dưỡng nguồn nhân lực thông qua các chương trình biểu diễn nghệ thuật quần chúng, không chuyên; dự án sân khấu học đường, góp phần tạo thêm nguồn bổ sung cho mục tiêu "trẻ hóa" đội ngũ diễn viên./.
(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục