Khơi tình yêu đất mẹ

“Sân khấu học đường” khơi tình yêu văn hóa đất mẹ

“Sân khấu học đường” giúp giới trẻ tiếp cận và hiểu nét đẹp nghệ thuật truyền thống mà ông cha đã sản sinh và dày công vun đắp.
Hiện nay, xu thế hội nhập toàn cầu đã khiến cho nhiều giá trị cuộc sống và thẩm mỹ, thị hiếu của con người dần bị thay đổi. Giới trẻ tỏ ra nhạt phai, thờ ơ với nghệ thuật truyền thống. Trong bối cảnh đó, dự án “Sân khấu học đường” xuất hiện đã mở ra cách tiếp cận mới với nghệ thuật truyền thống cho các bạn trẻ. “Tưng bừng và ấn tượng” Khẳng định thành công bước đầu của dự án “Sân khấu học đường,” ông Đỗ Văn Cương, Phó Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Lương Thế Vinh, Nam Định nhấn mạnh: Có những học sinh lớp 9 dù bận rộn với việc học hành chuẩn bị cho thi chuyển cấp nhưng các em vẫn nhiệt tình tham gia và thể hiện thành công các vai diễn. Trong đêm biểu diễn báo cáo xếp hạng nhà trường còn có 100% các bậc phụ huynh và người thân của các em đã đến xem khiến cho khán phòng của trường không còn chỗ trống. Hơn thế, chỉ có 40 buổi luyện tập nhưng những màn biểu diễn của các em đã nhận được những tràng vỗ tay khen ngợi của đông đảo người xem. Còn nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Đăng Toàn, Trưởng đoàn Cải lương Hải Phòng cho biết, trên địa bàn Hải Phòng, dự án “Sân khấu học đường” cũng đã có tác động tích cực đối với học sinh và người dân. Khi dự án triển khai xuống dạy ở các trường đã được học sinh, giáo viên và phụ huynh tích cực hưởng ứng. Có giáo viên và phụ huynh đã từng ngồi tập hát cùng các em. Vì vậy, theo ông Toàn, dự án cần được nhân rộng để giới trẻ có điều kiện tiếp cận và hiểu những cái hay, cái đẹp của nghệ thuật truyền thống mà ông cha ta đã sản sinh và dày công vun đắp. Không chỉ thành công ở các tỉnh miền Bắc, dự án còn được triển khai rộng khắp tại các tỉnh thành phố thuộc miền Trung và miền Nam. Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An, cho biết riêng ở Nghệ An, dự án “Sân khấu học đường” trở thành một phong trào phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Rất nhiều hoạt động trong các trường học được sân khấu hóa. Bên cạnh đó, dự án còn giúp các em thực hành một số kiến thức cơ bản trong học tập như khả năng sử dụng ngôn ngữ mới, khả năng thể hiện cảm xúc, tự tin… Còn nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Ngọc Bình, Thừa Thiên Huế cho rằng, dự án triển khai ở Huế đã tạo ra được không khí văn hóa nghệ thuật trong các trường học, mang lại những thành quả đáng ghi nhận về phần khởi động ban đầu của dự án. Các buổi biểu diễn báo cáo của các trường đã thành công, tưng bừng và ấn tượng. Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam cũng cho biết, 80 em học sinh có năng khiếu được lựa chọn từ 4 trường trung học cơ sở ở Quảng Nam đã được hướng dẫn, luyện tập nghệ thuật bài chòi Khu 5. Bên cạnh đó, các em còn được học một số động tác cơ bản cũng như hướng dẫn cách xử lý tình huống trong nghệ thuật tuồng. Ông nhận xét, các em đã chủ động và hào hứng thể hiện tài năng với lòng nhiệt tình và tâm hồn trong sáng, thu hút được sự quan tâm của khán giả... Theo Giáo sư Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, đồng Trưởng ban chỉ đạo dự án “Sân khấu học đường,” việc đào tạo học sinh cấp hai học và diễn tuồng, chèo, cải lương, hát dân ca, bài chòi… là một chủ trương đúng đắn. "Các em học và diễn được nghệ thuật truyền thống sẽ là một lực lượng diễn viên nghiệp dư hùng hậu và là lực lượng khán giả nòng cốt đông đảo biết xem nghệ thuật trong bối cảnh văn hóa nước ngoài đang xâm nhập vào cuộc sống…," Giáo sư Chương nhấn mạnh. Bên cạnh đó, dự án cũng giúp cho việc phát hiện và tìm ra được những hạt nhân để bổ sung vào các trường nghệ thuật hay các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp hiện đang "già" đi và thiếu hụt. Cần đưa vào như môn học chính thức Mặc dù thành công ban đầu của dự án là vậy nhưng ông Phạm Tiến Dũng cũng chỉ ra những hạn chế là các chương trình cho học sinh luyện tập đều là những kịch bản của người lớn, từ ngôn ngữ kịch, hành động, cách biểu hiện cảm xúc vẫn là của người lớn. Điều đó chưa thật phù hợp với lứa tuổi học đường. Từ đó, ông Dũng kiến nghị, nên chăng dự án cần có những cuộc thi hoặc chính sách khuyến khích các tác giả viết kịch truyền thống cho thiếu niên. Ở một phương diện khác, ông Đinh Hài lại e ngại những kết quả đã đạt được từ dự án đã triển khai có nguy cơ chững lại hoặc hạn chế sức lan tỏa nếu không được tiếp tục quan tâm. Vì vậy, ông đã đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục hỗ trợ kinh phí để đưa loại hình dân ca bài chòi vào giảng dạy, tập luyện trong nhà trường. Cùng tâm tư với ông Đinh Hài, ông Nguyễn Ngọc Bình cũng lo rằng, sau khi hoàn thành đề án thì mọi việc dần đi vào quên lãng và không phát huy được nữa. "Một trong những nguyên nhân là các em chỉ được học lời ca và diễn xuất của nhân vật mà không được học nhạc đệm nên khi kết thúc đề án, các nhạc công trở về đoàn thì các em muốn diễn cũng khó," ông Bình trăn trở. Do đó, ông Bình cho rằng, công việc tìm khán giả, đào tạo khán giả thế hệ trẻ ở các trường học phải có kế hoạch lâu dài và liên tục như đưa các bộ môn kịch hát dân tộc vào dạy trong các trường học cũng như có giáo án giảng dạy cụ thể để trở thành nnhững môn học chính thức như các môn thể chất, nhạc họa… Có như vậy, các em mới được học một cách hệ thống, liên tục đồng thời có động lực và trách nhiệm học tập./.
Dự án “Sân khấu học đường” do Chính phủ giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam thực hiện.

Đến nay, dự án đã hoàn thành giai đoạn 10 năm đầu và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Dự án được triển khai cụ thể và bài bản trên khắp ba miền đất nước. Dưới sự chỉ đạo của Cục nghệ thuật biểu diễn thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các đơn vị nghệ thuật đã cử các nghệ sĩ, nhạc công triển khai kế hoạch huấn luyện và dàn dựng. Qua đó, nhiều trường học trên cả nước được tiếp cận, làm quen và học các môn nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, dân ca kịch, bài chòi...
Thiên Linh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục