Sản lượng dầu của OPEC giảm xuống sát hạn ngạch

Nguồn cung dầu từ OPEC tháng 7 đạt trung bình 30,25 triệu thùng/ngày, chỉ trên mức hạn ngạch mục tiêu (30 triệu thùng/ngày) 250.000 thùng.
Theo khảo sát về số liệu vận chuyển và các nguồn tư liệu từ các công ty dầu mỏ và tư vấn, sản lượng dầu thô tháng Bảy của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) giảm xuống mức thấp nhất trong bốn tháng, tiến gần đến hạn ngạch sản lượng của tổ chức này, do bất ổn chính trị tại Libya và Iraq làm gián đoạn nguồn cung.

Nguồn cung dầu từ OPEC trong tháng Bảy đạt trung bình 30,25 triệu thùng/ngày, giảm so với mức 30,38 triệu thùng/ngày trong tháng Sáu, và là thấp nhất kể từ tháng 3/2013, chỉ trên mức hạn ngạch mục tiêu (30 triệu thùng/ngày) 250.000 thùng.

Bất ổn chính trị đã làm giảm nguồn cung từ các nước thành viên OPEC ở châu Phi và làm trì hoãn các kế hoạch của Iraq, nước sản xuất nhiều thứ hai trong tổ chức này, trong việc tăng cường xuất khẩu.

Mức sụt giảm sản lượng là đáng kể nhất ở Libya, nơi các cuộc biểu tình ở các mỏ dầu và các nhà ga đã khiến sản lượng giảm xuống 1,15 triệu thùng/ngày.

Tại Iraq, xuất khẩu của nước này giảm xuống 2,25 triệu thùng/ngày, do những người nổi dậy nhắm vào đường ống dẫn ở phía Bắc, trong khi các vấn đề kỹ thuật ở phía Nam cũng đã ảnh hưởng đến nguồn cung.

Là nước có tăng trưởng xuất khẩu dầu mỏ nhanh nhất trong năm 2012, Iraq có thể chứng kiến sản lượng sụt giảm trong năm nay. Lượng dầu sản xuất tăng thêm của Arập Xêút, nước xuất khẩu hàng đầu trong OPEC, không bù đắp được sự sụt giảm sản lượng không mong muốn tại Libya và Iraq.

Trong khi đó, nguồn cung từ Nigeria đang giảm sút vì tràn dầu và dầu bị ăn cắp từ các đường ống dẫn, và vẫn có thể giảm hơn nữa.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Angola, do trục trặc trong kế hoạch xuất khẩu.

Xuất khẩu dầu thô của Iran dự kiến sẽ vào khoảng 1 triệu thùng trong tháng Bảy và lượng dầu đưa ra thị trường ổn định ở mức 2,65 triệu thùng/ngày. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu đối với Iran đã làm giảm hơn một nửa lượng dầu xuất khẩu của Iran kể từ đầu năm 2012.

Nguồn cung bị thắt chặt hơn đúng vào lúc nhu cầu dầu thô toàn cầu đang tiến đến các mức đỉnh điểm theo mùa, sẽ đặt ra mức giá sàn đối với dầu Brent vào khoảng 100/thùng.

Mức giá dầu Brent trên mức 100 USD/thùng là mong muốn của Arập Xêút và hầu hết các nước thành viên khác mong muốn nên tại cuộc họp gần đây nhất vào tháng Năm, OPEC đã nhất trí duy trì hạn ngạch sản lượng ở mức 30 triệu thùng/ngày.

Theo số liệu chính thức từ thị trường giao dịch London công bố ngày 31/7, các nước OPEC năm ngoái đã lập kỷ về xuất khẩu dầu với doanh thu 1.260 tỷ USD, tăng 10% so với năm trước đó.

Năm 2011, doanh thu xuất khẩu của các nước OPEC đạt 1,15 nghìn tỷ USD. Doanh thu tăng là nhờ giá trung bình một thùng dầu thô Brent, vốn được lấy làm cơ sở để tính giá dầu do OPEC khai thác, đã tăng cao kỷ lục, đạt 111,70 USD.

Tăng doanh thu xuất khẩu "vàng đen" mạnh nhất là Libya, từ 18,6 tỷ USD năm 2011 lên 60,2 tỷ USD năm ngoái.

Ngược lại, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đối với ngành khai thác dầu của Iran đã khiến nước này bị giảm xuất khẩu, từ 115 tỷ năm 2011 xuống còn 101 tỷ USD trong năm 2012.

Năm nay, giới chuyên gia phương Tây dự báo giá trung bình một thùng dầu thô Brent sẽ ở mức 106 USD.

OPEC hiện gồm 12 nước là Algeria, Angola, Venezuela, Iraq, Iran, Qatar, Kuwait, Libya, Nigeria, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất, Arập Xêút và Ecuador, chiếm tới 35% sản lượng dầu mỏ trên thế giới.

Tổng GDP các nước thành viên OPEC đạt 3.350 tỷ USD năm ngoái, so với 3.000 tỷ USD năm 2011./.

Lê Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục