Sản lượng dầu và khí ngưng tụ của Nga đạt mức kỷ lục trong năm 2019

Nga tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sản xuất dầu và khí ngưng tụ, bất chấp ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng dầu nhiễm bẩn hồi đầu năm ngoái cũng như việc tuân thủ kế hoạch cắt giảm sản lượng với OPEC.
Một cơ sở khai thác dầu của Nga trên biển Caspian. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một cơ sở khai thác dầu của Nga trên biển Caspian. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ Năng lượng Nga ngày 2/1 công bố số liệu thông kê cho biết, sản lượng dầu và khí ngưng tụ của nước này đã đạt mức cao kỷ lục 11,25 triệu thùng/ngày trong năm 2019, vượt qua kỷ lục 11,16 triệu thùng/ngày được thiết lập một năm trước đó.

Các số liệu cho thấy, Nga tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sản xuất dầu và khí ngưng tụ, bất chấp ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng dầu nhiễm bẩn hồi đầu năm ngoái cũng như việc nước này tuân thủ kế hoạch cắt giảm sản lượng với Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

Bộ Năng lượng Nga không phân tách riêng sản lượng dầu thô và khí ngưng tụ vốn được loại trừ khỏi hạn ngạch cắt giảm sản lượng theo thỏa thuận với OPEC.

Tính theo tấn (7,33 thùng tương đương 1 tấn), sản lượng dầu và khí ngưng tụ của Nga đã tăng từ mức 555,84 triệu tấn năm 2018 lên tới 560,2 triệu tấn trong năm 2019, giữa lúc các nhà sản xuất dầu quy mô nhỏ gia tăng sản lượng thêm 3% lên 83,612 triệu tấn.

[Thị trường dầu thế giới trải qua năm tăng giá mạnh nhất kể từ năm 2016]

Trong tháng 12/2019, tổng sản lượng dầu và khí ngưng tụ của Nga đạt 11,262 triệu thùng/ngày, tăng từ 11,244 triệu thùng/ngày trong tháng trước đó.

Tính theo tấn, sản lượng dầu và khí ngưng tụ đạt 47,629 triệu tấn trong tháng 12/2019, so với mức 46,019 triệu tấn của tháng 11/2019.

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak dự kiến sản lượng dầu và khí ngưng tụ của Nga sẽ đạt từ 555-565 triệu tấn vào năm 2020, tương đương 11,12-11,32 triệu thùng/ngày.

Ông Novak cũng nói rằng Nga đã giảm sản lượng dầu (không bao gồm khí ngưng tụ) khoảng 240.000 thùng/ngày vào cuối tháng 12 năm ngoái, so với mức ghi nhận hồi tháng 10/2018, vốn là mức cơ sở cho thỏa thuận cắt giảm sản lượng.

OPEC và các nhà sản xuất dầu chủ chốt khác đã hạn chế sản lượng kể từ năm 2017 để hỗ trợ cho giá dầu.

Kế hoạch này, cùng với sự “tan băng” trong cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc, đã giúp giá dầu trong năm 2019 ghi nhận mức tăng lớn nhất trong ba năm qua.

Tính chung cả năm 2019, giá dầu Brent tăng khoảng 23%, còn giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ tăng 34%. Giới chuyên gia dự đoán giá dầu sẽ không tăng hay giảm quá mạnh trong năm 2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục