Hà Nội không thành sông

Sẵn sàng “kịch bản” để Hà Nội không thành sông

Hà Nội mỗi lần mưa bão, ngoài nỗi lo cả thành phố sẽ biến thành "Hà Lội," người dân còn bị ám ảnh bởi hiểm họa "cửa tử"  đổ, gãy cây xanh.
Dự báo áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão có tên quốc tế là Haima, với sức gió mạnh nhất giật cấp 9, cấp 10 có thể từ đổ bộ vào nước ta từ chiều tối hôm nay (23/6) khiến nhiều người dân e ngại.

Liệu sẽ lại thêm lần nữa Hà Nội bị “nhấn chìm” như trận lũ lịch sử 2008, khi thực tế hệ thống thoát nước vẫn còn 25 “điểm đen” thường xuyên ngập úng cục bộ sau những trận mưa lớn, kéo dài. Và người dân ngoài nỗi lo cả thành phố sẽ biến thành "Hà Lội," sẽ bớt đi chút nào nỗi ám ảnh hiểm họa "cửa tử" bởi sự đổ, gãy cây xanh.

Hiên ngang gác “điểm đen”

Cứ sau mỗi trận mưa lớn, kéo dài, nhiều tuyến phố Hà Nội lại biến thành sông. Trong nội thành hiện vẫn còn 25 điểm “đen” ngập úng như Thái Hà, Thái Thịnh, Láng Hạ, Huỳnh Thúc Kháng... cứ mưa lớn, kéo dài thì xe và người bì bõm như bơi trên dòng nước.

Bác Xuân Đài, phố Thái Hà than thở: “Hễ mưa là khu này bị ngập, gia đình tôi đã chuẩn bị các loại vật dụng để chắn chặn nước tràn vào nhà, phòng cơn bão số 2 đổ bộ về Hà Nội từ tối nay”.

Khi được hỏi về “kịch bản” chống úng ngập khi cơn bão số 2 mạnh tới cấp 10 đang đổ bộ vào Việt Nam, đại diện công ty Nhà nước một thành viên thoát nước Hà Nội cho biết hiện đã huy động 50 xe hút nước di động và gần 2.000 công nhân túc trực, ứng phó với bão số 2. Công ty đã đầu tư chế tạo xe bơm di động 1.000 m3/h để cơ động giải quyết các khu vực trũng cục bộ.

Để đảm bảo chủ động ứng trực tại các “điểm đen” ngập úng cục bộ, gây ách tắc giao thông trong nội thành khi cơn mưa có thể đến bất thường, tổ xe bơm di động 1000m3, 8 tổ máy 200-300m3 và hơn 100 ô tô chuyên dùng, xe tải cẩu, 46 xe hút tec, phản lực, 8 máy bơm chìm 100-150m3/giờ, 5 máy phát điện đã sẵn sàng ứng trực từ hôm nay.

Trong tình huống những cơn mưa lớn, kéo dài, 100% lực lượng nhân viên xí nghiệp thoát nước và lực lượng xung kích sẽ được huy động từ 5 giờ sáng ngày mai (24/6) đảm bảo vệ sinh các họng nước mặt như ghi thu, hàm ếch không để ảnh hưởng thu hẹp dòng chảy.

Ông Lê Vũ Quảng Sương, Trưởng phòng kế hoạch của công ty cho biết các phương án chống ngập của Hà Nội nếu có bão Haima: “Từ ngày hôm nay, tại các điểm úng ngập cục bộ trông nội thành đã được bố trí máy bơm chủ động ứng trực nếu có cơn mưa bất thường. Rút kinh nghiệm của trận mưa lịch sử năm 2008, tại một số ổ gà, hố ga trên đường đã được chăng dây và biển để người dân có thể tránh khỏi những tai nạn đáng tiếc".

Những điểm ngập úng nặng với lượng mưa từ 120mm đến 150mm, 200mm, chúng tôi buộc phải chấp nhận những hiện tượng ngập úng và chỉ có cách là phối hợp với các cơ quan khác để phân luồng giao thông cho người đi đường đồng thời có những biển báo để các phương tiện có thể hiểu rõ nên đi vào hay không, từ đó sẽ tránh bị sa lầy.

Các xí nghiệp thoát nước của công ty đã bắt tay nạo vét tại các điểm hay úng ngập, các tuyến kênh dẫn vào trạm bơm Yên Sở, Bắc Thăng Long- Vân Trì, các tuyến sông chính đảm bảo khả năng đưa nước nhanh nhất về trạm bơm như Tô Lịch, Kim Ngưu và trục mương chính Ngọc Hà- Liễu Giai- Công Vị, Thụy Khuê, Mai Hương- Tân Lập- Thanh Nhàn, Tây Sơn- Hào Nam, và các cửa xả ra mương đảm bảo vận hành tối đa công suất thoát nước.

“Chúng tôi đã đưa mực nước các hồ điều hòa xuống mức thấp nhất để tăng khả năng chứa nước. Kênh thông thường đã xuống mức 2,4m và kênh khẩn cấp nối với các hồ điều hòa là 1,55m. Song song với đó là nâng cấp hệ thống điện, nâng cao mặt sàn bơm để trạm bơm không bị ngập nước trong trường hợp nước dồn dập đổ về,” ông Sương cho biết.

Cùng với Yên Sở, nơi tiêu úng 2/3 lượng nước của Thủ đô, chín tổ máy với công suất 160.000m3 nước/giờ và trạm bơm Đông Mỹ với công suất 24.000m3 nước/giờ cũng đã chuẩn bị các phương án tiêu thoát nước nếu úng ngập xảy ra.

Công ty cũng hoành triệt cửa cống ra sống Nhuệ đảm bảo không làm tràn nước vào nội thành, trong tình huống mực nước trên 4.50m sẽ tiến hành mở đập Thanh Liệt đưa nước về trạm bơm Yên Sở. Theo đó, vận hành hết công suất trạm bơm chống ngập cho quận Hà Đông.

Ngăn “cửa tử” từ cây xanh

Mùa mưa bão, ngoài nỗi lo ngập lụt, người dân còn luôn bị “ám ảnh” bởi hiểm họa tai nạn đổ, gãy cây xanh bất thình lình trên đường phố.

Theo Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Nhà nước một thành viên Công viên cây xanh, tính từ ngày 15/3 đến đêm 6/6/2011, nội thành Hà Nội đã có 47 cây đổ và 26 điểm cành gẫy.

Lãnh đạo công ty cho biết, từ ngày 31/5, công ty  đã tiến hành chặt hạ, cắt sửa, tỉa cành, tỉa tán, giải tỏa 1.286  những cây xanh sâu mục, nghiêng, có nguy cơ đổ gãy đe dọa sự an toàn của người dân.

Theo đó, công ty đề ra phương án tổ chức giải tỏa 300 cây đổ do mưa, bão gây ra, đảm bảo thông đường chậm nhất sau 8 tiếng. Thời gian hoàn thành sau 5 ngày, từ khi phát hiện cây gãy, đổ, công ty đảm bảo toàn bộ các khâu cắt cành, dọn lá, cắt thân cây, vệ sinh san lấp hố, trồng cây thay thế.

Trong tình huống đổ cây ở khu vực công cộng như vườn hoa, công viên, các xí nghiệp quản lý cây xanh sẽ xử lý các cây đổ, nhanh chóng thu dọn cành gãy. Tiếp đó, lực lượng chủ lực sẽ được huy động đến chặt hạ, gỡ cành gẫy treo, các xí nghiệp duy trì sẽ có nhiệm vụ thu dọn đảm bảo an toàn, vệ sinh đồng bộ.

Theo kế hoạch phòng chống lụt bão năm 2011, tất cả lực lượng sẽ được huy động tham gia giải tỏa, chia làm 4 mũi nhọn ở các quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân- Cầu Giấy, Ba Đình- Tây Hồ- Long Biên túc trực 24/24 thường xuyên giữ liên lạc với Sở Xây dựng và chính quyền địa phương chủ động khi có sự cố.

Ngoài ra, công ty cũng bố trí lực lượng dự phòng ở 17 Thụy Khuê để bố trí xử lý những tình huống giải tỏa hiện trường đột xuất.

Công ty bố trí tất cả 18 xe các loại, máy phát điện, phương tiện và phối hợp với công ty chiếu sáng, công ty môi trường đô thị, hỗ trợ trong những tình huống phức tạp và nguy hiểm.

Lãnh đạo công ty cho biết, những cây đổ, gãy sẽ được gấp rút vận chuyển về bãi Cầu Diễn, Từ Liêm rộng 3.000m2, trong những tình huống khẩn cấp sẽ tạm thời đưa về vườn hoa Bách Thảo để giải tỏa nhanh chóng.

Để phát hiện kịp thời, công ty luôn giữ thông tin phản hồi từ hệ thống các đội quản lý duy trì công viên, vườn hoa, nắm chính xác thông tin về thực trạng cây đổ, đường kính, chủng loại, địa bàn để kịp thời vận chuyển, tránh ách tắc, ô nhiễm và nguy hiểm cho người vận hành giao thông./.

Số điện thoại nóng thông báo khi phát hiện có cây đổ: 9.764.540 - 8.237114.

Số điện thoại nóng thông báo khi có hiện tượng ngập úng cục bộ:


Công ty Thoát nước: 043.976.2245

Khu vực Quận Ba Đình, Tây Hồ: 043. 847.0180
Khu vực quận Cầu Giấy: 043.563.1156
Khu vực Quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai: 043.661.6290
Khu vực Quận Đống Đa: 043.577.1036
Khu vực Quận Thanh Xuân: 043.259.5003
Khu vực Quận Long Biên, Hoàn Kiếm: 043.872.6328

               Xem chùm ảnh Hà Nội trong cơn mưa lớn đầu mùa tại đây
Đặng Thị (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục