Sẵn sàng lai dắt đốt hầm Thủ Thiêm số 2 sáng 5/4

Công tác chuẩn bị việc lai dắt, dìm đốt hầm số 2 của hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn, sáng 5/4 tới, đang trong những bước cuối cùng.
Đốt hầm số 2 của công trình hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn sẽ được lai dắt từ bể đúc tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai về vị trí lắp đặt tại Thủ Thiêm, quận 2 vào sáng 5/4 tới đây.

Công tác chuẩn bị cho việc lai dắt và dìm đốt hầm số 2 hiện đang trong những bước cuối cùng như đốt hầm đã được kéo ra khỏi bể đúc và neo tại cửa đê bao vào chiều 29/3, đang được lắp đặt hai tháp định vị và phao nổi.

Còn tại khu vực Thủ Thiêm, công tác nạo vét đáy sông, bơm hút bùn đất, nạo vét đến độ sâu cuối cùng đang được hoàn tất. Chiều 30/3, ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban quản lý Dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các đơn vị đã sẵn sàng cho công tác lai dắt và dìm đốt hầm số 2.

Việc lai dắt đốt hầm số 2 sẽ được bắt đầu trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 8 giờ sáng 5/4, giờ xuất phát chính thức sẽ được quyết định tùy theo điều kiện thủy văn.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu, khảo sát của các đơn vị khí tượng thủy văn, công ty hoa tiêu, thời điểm thích hợp nhất để bắt đầu lai dắt là vào lúc 8 giờ, do tốc độ dòng chảy sông Sài Gòn lúc này sẽ đạt mức lý tưởng, từ 0,3 - 0,4m/giây.

Đốt hầm số 2 sẽ về đến vị trí lắp đặt trong thời gian từ 13 giờ - 15 giờ cùng ngày và ngay sau đó, từ 15 giờ - 18 giờ, đốt hầm sẽ được xoay, neo để chuẩn bị cho công tác dìm hầm vào sáng hôm sau.

Dự kiến 9 giờ sáng 6/4, đốt hầm số 2 sẽ được dìm xuống đáy sông và đến 23 giờ cùng ngày sẽ kết nối với đốt hầm số 1. Trước đó, chiều 4/4 sẽ tổng kiểm tra lần cuối ở tất cả các khâu, các bộ phận, kiểm tra tổng thế toàn bộ tuyến luồng, công tác cảnh giới trước khi tiến hành lai dắt đốt hầm số 2.

Rút kinh nghiệm từ việc lai dắt và dìm đốt hầm số 1, lần này số đơn vị phối hợp công tác lai dắt và dìm hầm được tăng cường từ 20 lên 25 đơn vị. Trong đó có sự tham gia của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Nam Bộ để đảm bảo thông tin kịp thời về thời tiết, khí tượng và điều kiện thủy văn cho công tác lai dắt và dìm hầm. Đồng thời còn có sự tham gia của Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật và một số trường đại học của thành phố tham gia nghiên cứu, học tập kinh nghiệm.

Ngoài ra, tổ công tác còn được bổ sung thêm phương tiện và nhân lực để đề phòng những tình huống có thể xảy ra trong quá trình lai dắt và dìm hầm. Trong đó đoàn tàu lai dắt sẽ gồm 5 chiếc (đốt hầm số 1 được lai dắt bởi 4 chiếc), áp dụng phương pháp cột dây neo cải tiến và có một tàu cột dây neo đi cùng. Các chốt chặn của lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy, cảng vụ hàng hải cũng được tăng cường để làm tốt công tác cảnh giới trong quá trình lai dắt và điều tiết lưu thông khi kết thúc lai dắt.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân yêu cầu các đơn vị không được chủ quan, lơ là trong việc lai dắt và dìm đốt hầm số 2 sau khi đã thực hiện thành công lai dắt và kết nối đốt hầm số 1; tăng cường đảm bảo an toàn tuyệt đối luồng lạch và các công tác khác trong suốt quá trình lai dắt và dìm hầm.

Hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn có tổng chiều dài 1.490m, gồm 3 đoạn chính: Đoạn hẫm dẫn phía quận 1 dài 585m, đoạn hầm dẫn phía Thủ Thiêm dài 535m và đoạn hầm dìm gồm bốn đốt hầm có tổng chiều dài 370m. Đốt hầm số 2 cũng tương tự như đốt số 1, có chiều dài 92m, rộng 33m, cao 9m và nặng hơn 27.000 tấn. Ngày 7/3 vừa qua, đốt hầm số 1 đã được lai dắt từ bế đúc về dìm tại vị trí lắp đặt và kết nối với đường dẫn phía Thủ Thiêm./.

Hoàng Liên Sơn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục