Sẵn sàng phương án đối phó diễn biến của bão, lũ

Trước diễn biến phức tạp của bão, lũ, Ban chỉ đạo PCLBTW đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục phòng, chống lũ, bão theo phương châm “4 tại chỗ".
Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cho biết, đến thời điểm này, cơn bão số 4 đã làm 1 người chết là anh Nguyễn Vũ Viên, sinh năm 1980, thuyền viên tàu PY6678 của tỉnh Phú Yên do bị rơi xuống biển lúc 10 giờ ngày 26/9.

Bão cũng làm chìm tàu ĐNa 0234 của Đà Nẵng; 2 tàu của tỉnh Quảng Ngãi và Thừa Thiên-Huế bị hư hỏng đã được lai dắt vào bờ an toàn.

Để đối phó với cơn bão số 4, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Nghệ An đến Quảng Ngãi đã chỉ đạo các địa phương, các ngành chức năng thực hiện nghiêm túc Công điện số 31/CĐ-PCLBTW của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn; tổ chức các đoàn kiểm tra xuống các địa phương chỉ đạo công tác đối phó với bão số 4. Tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo thu hoạch được 36.000 ha/96.000 ha lúa.

Tỉnh Hà Tĩnh đã huy động 1.646 cán bộ chiến sĩ, công an, quân sự, biên phòng, đoàn thanh niên và cho học sinh các trường phổ thông trung học, dạy nghề nghỉ học 2 ngày để giúp dân thu hoạch lúa hè thu, đến nay đã thu hoạch được 16.700 ha/41.190 ha.

Tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các huyện Thăng Bình, Điện Bàn, Phú Ninh huy động mọi nguồn lực để khẩn trương thu hoạch lúa hè thu chín muộn, cơ bản đã thu hoạch xong 700 ha/700 ha diện tích lúa thuộc các huyện trên. Tỉnh Quảng Ngãi đã sơ tán 26 hộ/125 khẩu ở vùng trũng thấp tại thôn Diêm Điền, xã Tịnh Hòa và xã Trường Thọ Đông, thị trấn Sơn Tịnh, huyện Tịnh Sơn đến nơi an toàn.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang đã có Quyết định số 1681/QĐ-UBND ngày 26/9/2011 công bố tình trạng lũ khẩn cấp trên địa bàn tỉnh và chỉ đạo các biện pháp đối phó. Tỉnh Đồng Tháp và An Giang đã huy động 1.509 lượt bộ đội, dân quân và lực lượng tại chỗ gia cố bờ bao tại các trọng điểm xung yếu để bảo vệ diện tích vụ 3 và vườn cây ăn trái.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, về cơn bão Nesat, hồi 1 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 122,9 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông (Philippines). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần bão mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15.

Trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km. Chiều tối 27/9 bão Nesat sẽ đi vào khu vực phía Đông biển Đông; đến 1 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc; 118,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 660 km về phía Đông.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km. Đến 01 giờ ngày 29/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,9 độ Vĩ Bắc; 115,7 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 280km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp14, cấp 15.

Do ảnh hưởng của bão, từ chiều 27/9 vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội.

Trước diễn biến phức tạp của bão, lũ, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục kiểm tra, đánh giá tình hình thiệt hại, triển khai công tác phòng, chống lũ, bão theo phương châm “4 tại chỗ” tại các địa phương, nhất là các khu vực thường xuyên bị ngập lũ và bị lũ chia cắt để chủ động. Các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị sẵn sàng các phương án đối phó với bão Nesat.

Các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục huy động vật tư, phương tiện, nhân lực để gia cố bờ bao, đê bao, phòng chống sạt lở bờ sông bảo vệ dân cư và diện tích lúa vụ 3; di dời dân cư ở các khu vực sạt lở, ngập sâu để đảm bảo an toàn; khẩn trương thu hoạch các trà lúa đã chín./.

Lưu Thanh Tuấn (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục