Sản xuất công nghiệp ở TP.HCM phục hồi

Tính chung 7 tháng đầu năm nay, tổng giá trị sản xuất công nghiệp tại TP.HCM đạt 237.500 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 7 tháng đầu năm nay, tổng giá trị sản xuất công nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh đạt 237.500 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, đáng chú ý khu vực ngoài nhà nước tăng 7,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 7% và khu vực nhà nước giảm 3,2%.

Có 20 trong tổng số 27 ngành sản xuất công nghiệp giữ được mức tăng so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó có một số ngành tăng hơn 10% như thực phẩm đồ uống tăng 10,9%, chế biến gỗ tăng 16,2%, hóa chất tăng 23,3%, sản xuất vật liệu xây dựng tăng 15,5%, thiết bị văn phòng tăng 29,7% và dụng cụ y tế tăng 12,1%.

Bà Quách Tố Dung, Phó Giám đốc Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết sản xuất công nghiệp của thành phố có dấu hiệu hồi phục là nhờ thực hiện có hiệu quả các chương trình kích cầu đầu tư và tiêu dùng của Chính phủ cũng như của thành phố. Các gói kích cầu của Chính phủ đã được triển khai tốt.

Tính đến ngày 15/7, thành phố đã giải ngân hơn 76.110 tỷ đồng trong gói cho vay kích cầu của Chính phủ. Riêng gói cho vay kích cầu 5.000 tỷ đồng từ ngân sách địa phương của Ủy ban Nhân dân thành phố đối với các dự án đầu tư trên địa bàn, đặc biệt ưu tiên là các dự án đầu tư xây dựng mới, đầu tư mở rộng quy mô hoạt động, đổi mới kỹ thuật, công nghệ, thiết bị.

Theo bà Dung, từ nay đến cuối năm, thành phố tiếp tục tập trung hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về vốn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa. Sở Công thương thành phố thường xuyên phối hợp với các đơn vị ngân hàng, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, Hiệp hội doanh nghiệp, các hội ngành nghề và các doanh nghiệp trong từng lãnh vực để phối hợp tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Đồng thời, thành phố cũng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn kích cầu của Chính phủ và của thành phố để đầu tư trang bị máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh; nâng cao chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh của sản phẩm; đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các giải pháp chủ động, đột phá trong các hoạt động xúc tiến thương mại.

Thành phố cũng hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, giúp doanh nghiệp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại ở nước ngoài, cố gắng giữ vững ổn định các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên bang Nga, và tìm kiếm, khai thác các thị trường mới ở châu Âu, Trung Đông, châu Phi./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục