Sản xuất công nghiệp trông chờ các “ông lớn”

Theo kế hoạch, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2009 tăng 10% nhưng 6 tháng đầu năm mới đạt mức tăng 4,8%, nên việc hoàn thành kế hoạch trong năm nay đang gặp thách thức.

Giải pháp trọng tâm được Bộ Công Thương đưa ra là dồn sức cho các tập đoàn, tổng công ty đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu các mặt hàng có kim ngạch lớn, lợi thế cạnh tranh cao để góp phần chủ lực vào hoàn thành mục tiêu tăng trưởng công nghiệp.
Theo kế hoạch, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2009 tăng 10% nhưng 6 tháng đầu năm mới đạt mức tăng 4,8%, nên việc hoàn thành kế hoạch trong năm nay đang gặp thách thức.

Để tháo gỡ, một giải pháp trọng tâm được Bộ Công Thương đưa ra là dồn sức cho sự tăng tốc của các “ông lớn” - các tập đoàn, tổng công ty - để đẩy tốc độ tăng trưởng công nghiệp lên.

Lấy ngành có kim ngạch lớn làm động lực

Nhiều giải pháp để thúc đẩy giá trị sản xuất công nghiệp tăng nhanh hơn trong 6 tháng còn lại của năm  đãđược các đại biểu nêu ra tại hội nghị giao ban trực tuyến sơ kết công tác ngành công thương 6 tháng đầu năm 2009, ngày 8/7.

Theo Bộ Công Thương, trong định hướng điều hành sản xuất từ nay đến cuối năm, Bộ sẽ tập trung chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu các mặt hàng có kim ngạch lớn, lợi thế cạnh tranh cao để góp phần chủ lực vào hoàn thành mục tiêu sản xuất công nghiệp trong năm nay.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu cho biết Bộ sẽ chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất, kinh doanh, kiểm soát chặt hoạt động giao dịch, đấu thầu để đảm bảo xuất khẩu dầu thô, than đá và các khoáng sản khác có giá trị xuất khẩu mang lại hiệu quả cao...

Bộ Công Thương cũng đốc thúc TKV tăng cường quản lý tiêu thụ than, nhất là triển khai việc khai thác thử nghiệm than vùng đồng bằng sông Hồng. Qua đó vừa đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của tiêu thụ nội địa, vừa tăng khối lượng xuất khẩu.

Nỗ lực tăng tốc sản xuất của các doanh nghiệp sẽ gặp trở ngại nếu vấp phải tình trạng thiếu điện. Bởi vậy, Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng cường quản lý, vận hành hiệu quả các nguồn điện đi liền với nhanh chóng giảm tổn thất điện năng, chủ động kiểm soát nhu cầu tiêu dùng điện, cũng như điều độ hệ thống điện quốc gia nhằm đảm bảo không để xảy ra thiếu điện cho sản xuất, sinh hoạt.

Tổng Giám đốc EVN Phạm Lê Thanh cam kết: "EVN đang khẩn trương tìm kiếm các nguồn điện bổ sung cho hệ thống điện quốc gia, để không xảy ra thiếu điện, nhất là phục vụ cho sản xuất".

Tuy nhiên, ông Thanh cũng thừa nhận nếu không được các địa phương, nhất là Hà Nội tạo điều kiện giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh thi công hệ thống lưới truyền tải, thì dù nguồn điện có thừa vẫn khó truyền tải đến một số khu vực do hệ thống truyền tải đã xuống cấp nghiêm trọng.

Để gỡ "nút thắt" về đàm phán giá điện đang bế tắc, Thứ trưởng Bùi Xuân Khu yêu cầu PVN, EVN và TKV sớm tìm ra phương án mua bán điện, để đảm bảo nguồn điện phục vụ cho các mục tiêu phát triển của nền kinh tế. Tránh tình trạng không hài hòa được lợi ích của các bên mà ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia.

Dồn sức hoàn thành các dự án

Các tập đoàn, tổng công ty đang dồn sức triển khai, hoàn thành sớm nhiều dự án lớn, để đóng góp cho sự tăng trưởng của sản xuất công nghiệp.

Ông Hoàng Xuân Hùng, Ủy viên Hội đồng quản trị PVN cho biết, tập đoàn đang khẩn trương thi công để từ nay đến cuối năm khánh thành một loạt dự án: Nhà máy lọc dầu Bình Sơn, Trung tâm Tài chính dầu khí, khách sạn Dầu khí Vũng Tàu... Nhiều dự án của ngành điện cũng đang được nhanh chóng đưa vào khai thác và đẩy mạnh thi công.

Theo ông Phạm Lê Thanh, EVN đang khẩn trương đưa Dự án nhiệt điện Hải Phòng I vào vận hành. Hiện tổ máy số I của nhà máy đã phát điện thử nghiệm. Tổng thầu EPC cam kết đốt than lần đầu tổ máy này trong tháng 7/2009 và tổ máy số 2 vào tháng 12/2009. Dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 2 dự kiến sẽ được khởi công vào cuối năm nay.

Theo các tập đoàn, tổng công ty, để giúp họ tận dụng hiệu quả các nguồn lực của gói kích cầu vào tăng tốc sản xuất, kinh doanh, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung tháo gỡ khó khăn trong quá trình tiếp cận với gói kích cầu.

Giải đáp kiến nghị này, Thứ trưởng Bùi Xuân Khu yêu cầu các đơn vị thuộc bộ tăng cường phối hợp với các địa phương, để tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là về các thủ tục liên quan đến tiếp cận với gói kích cầu.

Đây là việc cấp bách trong chỉ đạo phục vụ sản xuất hiện nay, để giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa các cơ hội của gói kích cầu, từ đó sớm lấy lại đà tăng trưởng cao, góp phần đẩy giá trị sản xuất công nghiệp tăng đạt chỉ tiêu trong năm 2009./.
(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục