Sản xuất nông nghiệp Cuba tiếp tục gặp khó khăn

Hạn hán, sản xuất thiếu kế hoạch, thiếu nguyên liệu là một trong những nguyên nhân khiến sản xuất nông nghiệp tại Cuba kém hiệu quả.
Cơ quan thống kê quốc gia Cuba cho biết sản lượng lương thực của nước này trong quý 1 giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp những nỗ lực khuyến nông của Chính phủ.

Theo các số liệu chính thức trong vụ thu hoạch vừa qua, sản lượng khoai tây của Cuba giảm 34,3%, đậu các loại giảm 30,5%, khoai sọ giảm 28% và rau giảm 25%.

Theo các chuyên gia, những tháng đầu năm lẽ ra phải là thời điểm sản lượng nông nghiệp đạt kết quả cao nhất tại quốc đảo Caribe bởi vào thời điểm đó thời tiết mát mẻ khiến cho các hoạt động canh tác gặp nhiều thuận lợi hơn so với những tháng khác trong năm.

Phát biểu trên truyền hình quốc gia ngày 13/5, chuyên gia kinh tế Cuba Ariel Terrero nhấn mạnh tình trạng hạn hán kéo dài, sản xuất thiếu kế hoạch và tổ chức, thiếu nguyên liệu phục vụ gieo trồng là một trong những nguyên nhân khiến các hoạt động sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả tại nước này.

Ông Terrero cho rằng do tác động của khủng hoảng kinh tế và bao vây cấm vận của Mỹ, Cuba không thể nhập khẩu phân bón và các loại giống cây trồng phục vụ canh tác, và nhiều nguồn nguyên liệu tới tay nông dân quá chậm trễ do tổ chức yếu kếm.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà nông nhỏ (ANAP, Cuba) Orlando Lugo Fonte cho biết tại Đại hội ANAP tiến hành trong hai ngày 15 và 16/5, lãnh đạo ngành nông nghiệp và hơn 800 đại biểu sẽ thảo luận và đưa ra những giải pháp chiến lược để giải quyết những khó khăn và yếu kém hiện nay trong sản xuất lương thực, thực phẩm của đất nước, cũng như vấn đề phân phối và lưu thông các mặt hàng này.

Cuba phải chi mỗi năm từ 1,5 tỷ USD tới 2,5 tỷ USD để nhập khẩu 80% lương thực, thực phẩm phục vụ 11,2 triệu dân. Chỉ có 20% người dân Cuba sinh sống tại các khu vực nông thôn. Giới trẻ nước này hoàn toàn không muốn tham gia vào công việc đồng áng.

Kể từ khi lên nắm quyền điều hành đất nước vào tháng 2/2008, Chủ tịch Cuba Raul Castro đã nhiều lần tuyên bố sản xuất lương thực là vấn đề “an ninh quốc gia” và là một trong những ưu tiên chiến lược.

Nhiều biện pháp khuyến nông đã được áp dụng như giao đất hoang cho nông dân, tăng giá thu mua nông phẩm và phi tập trung các hoạt động nông nghiệp nhằm khuyến khích sản xuất, tuy nhiên cho tới nay những nỗ lực này của Chính phủ chưa đem lại hiệu quả như mong đợi.

Sản lượng lương thực, thực phẩm của nước này liên tục giảm kể từ khi xảy ra các cơn bão lớn vào cuối năm 2008, khiến nền kinh tế nước này thiệt hại 10 tỷ USD./.

Diệu Hương (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục