Sản xuất ôtô và dược phẩm Iran hưởng lợi sau thỏa thuận hạt nhân

Các ngành công nghiệp ôtô và dược phẩm của Iran dự kiến sẽ có mức tăng trưởng đáng kể nhờ được hưởng lợi từ việc mở cửa thị trường sau khi Iran đạt được thỏa thuận hạt nhân toàn diện với Nhóm P5+1.
Sản xuất ôtô và dược phẩm Iran hưởng lợi sau thỏa thuận hạt nhân ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: CHRISTINE&PETE)

Các ngành công nghiệp ôtô và dược phẩm của Iran dự kiến sẽ có mức tăng trưởng đáng kể nhờ được hưởng lợi từ việc mở cửa thị trường sau khi Iran đạt được thỏa thuận hạt nhân toàn diện với Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) hồi giữa tháng Bảy.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), ngành công nghiệp ôtô của Iran là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất, chiếm hơn 10% GDP nước này.

Sau khi lệnh trừng phạt được siết chặt vào năm 2012, sản lượng ôtô của Iran đã giảm mạnh và chỉ còn 700.000 xe/năm so với 1,6 triệu xe trước kia. Nguyên nhân chính gây nên tình trạng sa sút của ngành công nghiệp ôtô là việc đồng nội tệ mất giá, làm tăng chi phí nhập khẩu linh kiện, trong khi việc nhập khẩu vật tư thiết bị bị cấm.

Trong khi đó, doanh số bán cũng đã giảm một nửa, gây thiệt hại cho ngành công nghiệp này hàng tỷ USD mỗi năm. Sự suy giảm này dẫn đến tình trạng sa thải nhân công trong ngành được xem là một trong những lĩnh vực tạo việc làm chính ở Iran, sử dụng 4% lực lượng lao động.

WB cho rằng nếu lệnh trừng phạt được dỡ bỏ và các công ty quốc tế tiếp tục hợp tác với Iran, ngành sản xuất ôtô có triển vọng phát triển trở lại trong vòng hai năm tới và đạt mức tăng trưởng ngang với thời điểm trước khi bị trừng phạt. Ngành sản xuất ôtô Iran hiện bao gồm các công ty lớn của Bahman Group, Iran Khodro và Saipa.

Trong khi đó, sản xuất trong ngành dược phẩm cũng sẽ được đẩy mạnh, khi các công ty trong lĩnh vực này được nhập khẩu các thiết bị và máy móc vốn đã bị hạn chế do các biện pháp trừng phạt trong hai năm qua. Dự kiến, xuất khẩu dược phẩm sang châu Âu, ước tính giá trị 2,5 tỷ USD ở thời điểm trước năm 2012, sẽ gia tăng sau khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. Xuất khẩu sang châu Á và châu Phi đã không bị suy giảm đáng kể do lệnh trừng phạt, nhưng dự kiến cũng sẽ tăng lên nhờ việc giảm các hạn chế về vận tải biển và bảo hiểm hàng hóa.

Nền kinh tế Iran đã rơi vào tình trạng suy thoái trong hơn hai năm, khi tăng trưởng lần lượt giảm xuống âm 6,8% và âm 1,9% trong năm 2012 và 2013./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục