Sáng kiến B3W: Tăng trưởng xanh có phải câu trả lời cho sự phục hồi?

Phục hồi xanh là trung tâm tại G7 với việc công bố Sáng kiến B3W và bày tỏ sự ủng hộ đối với việc chuyển đổi sang quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên.
Sáng kiến B3W: Tăng trưởng xanh có phải câu trả lời cho sự phục hồi? ảnh 1Ảnh minh họa.

Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vừa diễn ra tại Cornwall (Anh) từ ngày 11-13/6 với chủ đề bao trùm “Xây dựng trở lại tốt hơn” đã đạt được nhiều kết quả tích cực về chống biến đổi khí hậu, trong đó nổi bật là Sáng kiến “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” (Sáng kiến B3W).

Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về các vấn đề quốc tế Chatham House đã có bài phân tích về Sáng kiến này của Nhóm G7. Nội dung bài viết như sau:

Năm nay được coi là một năm “đặc biệt quan trọng” đối với chủ đề bảo vệ môi trường, có nghĩa là chưa bao giờ có thời điểm tốt hơn để phục hồi xanh toàn cầu. Các nhà lãnh đạo G7 đã cam kết thực hiện một mối quan hệ đối tác mới thông qua Sáng kiến B3W.

Để mối quan hệ đối tác này trở thành một giải pháp thay thế tích cực cho sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc, Sáng kiến B3W sẽ cần phát triển các giải pháp để đối phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nền tảng hạ tầng bền vững và bao trùm ở các nước thu nhập thấp và trung bình, đồng thời giải quyết các thách thức xã hội ngày càng tăng.

Các nguyên tắc về tính hiệu quả, đầy đủ và công bằng là điều cần thiết để phục hồi xanh toàn cầu. Mặc dù có một số tiến bộ, G7 cho đến nay vẫn chưa cam kết đầy đủ về nhu cầu cấp thiết nhằm giải quyết việc tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên ngày càng tăng và phát sinh chất thải. Đây là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và những thách thức về môi trường và địa chính trị khác.

Nhìn rộng ra ngoài khuôn khổ của G7, hướng tới các Hội nghị thượng đỉnh sắp tới chẳng hạn như Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP26) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), bài viết của Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về các vấn đề quốc tế Chatham House trình bày ba nguyên tắc để phục hồi xanh toàn cầu thực sự, bao gồm hiệu quả, đầy đủ và công bằng.

Tăng trưởng xanh có phải là câu trả lời cho sự phục hồi xanh?

Tình trạng khẩn cấp về khí hậu và đại dịch COVID-19 đã phơi bày và làm trầm trọng thêm những vết nứt lớn trong nền tảng của mô hình kinh tế tân tự do, bao gồm sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bảo hộ, bất bình đẳng giàu nghèo ngày càng tăng, chuỗi cung ứng toàn cầu mỏng manh, khả năng tiếp cận không đồng đều với các nhu cầu cơ bản của con người và sự bóc lột người lao động.

Không phải ngẫu nhiên mà xã hội đang đồng thời trải qua những triệu chứng có cùng một nguyên nhân cơ bản đó là cuộc chạy đua toàn cầu nhằm tối đa hóa không ngừng và nắm bắt tăng trưởng kinh tế thông qua tiêu thụ tài nguyên.

Năm 2019, lần đầu tiên trong lịch sử, nhân loại đã tiêu thụ hơn 100 tỷ tấn tài nguyên của Trái Đất chỉ trong một năm. Khai thác và xử lý tài nguyên thiên nhiên là nguyên nhân gây ra khoảng một nửa lượng khí thải carbon của thế giới và 90% tổn thất đa dạng sinh học. Tỷ lệ tiêu thụ tài nguyên cao như vậy đang gây ra và sẽ tiếp tục gây ra những thiệt hại không thể khắc phục được cho các hệ sinh thái.

Trong bối cảnh đó, phục hồi xanh sau đại dịch được coi là cơ hội “chỉ đến một lần trong thế hệ”, nhằm giải quyết những vấn đề kể trên và làm cho hệ thống kinh tế xanh hơn, công bằng hơn, bền vững hơn.

[Indonesia phát triển khu công nghiệp xanh lớn nhất thế giới]

Phục hồi xanh là trung tâm tại G7 với việc công bố Sáng kiến B3W và bày tỏ sự ủng hộ đối với việc chuyển đổi sang quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên.

Tuy nhiên, mặc dù phục hồi xanh phụ thuộc vào tăng trưởng xanh có thể làm giảm lượng khí thải carbon, quá trình này sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên và từ đó phá hủy thế giới tự nhiên. Do đó, câu hỏi lúc này là việc quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên có ý nghĩa gì trong bối cảnh phục hồi xanh toàn cầu?

Nhiều người cho rằng phục hồi xanh cần được củng cố bằng cách theo đuổi tăng trưởng xanh - nói cách khác là tăng trưởng nền kinh tế đồng thời giảm tác động môi trường thông qua tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và vật liệu. Quỹ phục hồi sau COVID-19 trị giá 1.800 tỷ euro của Liên minh châu Âu (EU) và đề xuất gói kích thích trị giá 6.000 tỷ USD của Tổng thống Mỹ Joe Biden là những ví dụ điển hình của chương trình nghị sự về tăng trưởng xanh, cũng như Sáng kiến B3W với cam kết đẩy nhanh “tăng trưởng xanh và sạch.”

Giả sử rằng tất cả các gói kích thích tài chính phục hồi xanh đều tập trung hoàn toàn vào đầu tư xanh - bỏ qua một thực tế rằng cho đến nay, hầu hết trong số đó đã thất bại, hiện vẫn chưa có bằng chứng thực nghiệm nào cho thấy tăng trưởng xanh được thúc đẩy bởi tính hiệu quả.

Lý do là hiệu quả đạt được là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nền kinh tế càng trở nên hiệu quả sẽ càng phát triển nhanh và càng tiêu tốn nhiều tài nguyên, hay còn gọi là nghịch lý Jevons.

Để các nước G7 giữ lời hứa 30x30 “bảo vệ ít nhất 30% đất đai toàn cầu và ít nhất 30% đại dương toàn cầu vào năm 2030” và “hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên,” G7 phải nhìn xa hơn một cách đơn giản là giảm thiểu lãng phí và xem xét làm thế nào để giảm tuyệt đối tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên một cách công bằng.

Tổng kết của tất cả những điều này rất đơn giản nhưng rõ ràng. Phục hồi xanh phụ thuộc vào tăng trưởng xanh để làm giảm lượng khí thải carbon, nhưng phục hồi xanh sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên và do đó phá hủy thế giới tự nhiên.

Để cho phép các nước đang phát triển có không gian phát triển trong ranh giới hành tinh, các nước phát triển cũng cần cắt giảm đáng kể mức tiêu thụ của họ. Nhiều trung tâm nghiên cứu hàng đầu đã tìm cách trả lời câu hỏi này như Doughnut Economics, Wellbeing economics, Degrowth or the Safe Operating Space. Tuy nhiên, bất chấp sức hút chính trị ngày càng tăng, những ý tưởng này vẫn chưa được chuyển thành các thỏa thuận đa phương ràng buộc.

Điều này đặt ra một câu hỏi khó nhưng cần thiết cho các nhà lãnh đạo toàn cầu, đó là làm thế nào để Sáng kiến B3W có thể đảm bảo quản lý và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên theo một kịch bản dựa trên tăng trưởng?

Hiệu quả: Sử dụng vật liệu và năng lượng theo chu kỳ

Nhóm G7 tái khẳng định cam kết nhằm mục đích phối hợp và tiến hành các hành động tăng cường hiệu quả nguồn lực và chuyển đổi sang một nền kinh tế tuần hoàn hơn.

Mục tiêu của nền kinh tế tuần hoàn rất đơn giản: Loại bỏ chất thải và ô nhiễm bằng cách giữ cho các sản phẩm và vật liệu được sử dụng càng lâu càng tốt. Điều này cho thấy hiệu quả tài nguyên và nền kinh tế tuần hoàn cần được lồng ghép sâu sắc vào Sáng kiến B3W.

Tuy nhiên, chỉ hiệu quả đạt được là không đủ để khắc phục nhu cầu tiêu thụ tài nguyên đang tăng nhanh, được thúc đẩy bởi nhu cầu tăng trưởng kinh tế (xanh) liên tục. Do vậy, một mức đủ cần thiết có thể là câu trả lời bổ sung.

Mức đủ có nghĩa là tiêu thụ đúng số lượng của hàng hóa vật chất và dịch vụ cần thiết cho sức khỏe và phúc lợi tối ưu - tránh tiêu thụ dưới mức (nghèo đói) nhưng cũng dễ thấy là tiêu thụ quá mức (hủy hoại môi trường).

Mức đầy đủ là bất khả tri về tăng trưởng, ở chỗ khái niệm này thúc đẩy tăng trưởng ở những nơi cần thiết để xóa bỏ đói nghèo và trong các hoạt động kinh tế có lợi cho con người và hành tinh, chẳng hạn như năng lượng tái tạo hoặc nền kinh tế quan tâm.

Về mặt này, cam kết của Nhóm G7 trong việc hỗ trợ tăng trưởng xanh và sạch ở các nước thu nhập thấp là rất đáng khen ngợi và cần thiết. Tuy nhiên, để cho phép các nước đang phát triển không gian phát triển trong ranh giới hành tinh, các nước phát triển cũng phải cắt giảm đáng kể mức tiêu thụ của họ.

Quá trình đạt được mức đủ không nhất thiết phải đi ngược với những người ủng hộ tăng trưởng xanh. Nếu ủng hộ tăng trưởng xanh trên thực tế là đúng và việc tách tăng trưởng kinh tế khỏi tiêu thụ nguyên liệu và năng lượng là khả thi, thì việc tạm hoãn khai thác tài nguyên - như giới hạn về lượng khí thải carbon đã được thống nhất thông qua Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu - sẽ chỉ nhằm bổ sung cho mục tiêu này.

Để giải quyết bài toán đó, thế giới vẫn cần có một thỏa thuận đa phương về “Không gian hoạt động an toàn” để đảm bảo quản lý tài nguyên thiên nhiên một cách công bằng và bền vững.

Công bằng: Giảm bất bình đẳng thông qua phân phối lại

Điều quan trọng để đạt được sự đầy đủ là phân phối sự công bằng. Các nước cần tăng cường bình đẳng tài nguyên và phân phối lại nguồn lực cả trong và giữa các quốc gia để đảm bảo rằng tất cả các cộng đồng đều có các nguồn lực, năng lực và chia sẻ vật chất cần thiết để mang lại hạnh phúc.

Bên cạnh đó, quá trình tích lũy của cải cũng cần được phân phối một cách công bằng cho những người đã đóng góp, bao gồm cả khu vực công, nơi của cải có thể được tái đầu tư vào hàng hóa và dịch vụ công hiệu quả hơn về tài nguyên như giao thông công cộng, chăm sóc sức khỏe và giáo dục.

Cuối cùng, bất kỳ sự phục hồi toàn cầu nào cũng phải đặt một tiền đề và trung tâm chuyển tiếp. Việc làm và sinh kế của nhiều người - đặc biệt là những người nghèo nhất - đang và sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế sung túc, cũng như tác động của biến đổi khí hậu.

Quỹ tài trợ khí hậu trị giá 100 tỷ USD mỗi năm và tài trợ cho các Mục tiêu Phát triển Bền vững để đạt được các mục tiêu phát triển con người cho năm 2030 cần được tăng lên đáng kể để hỗ trợ quá trình chuyển đổi này.

Tóm lại, Nhóm G7 đã thể hiện vai trò lãnh đạo trong việc cam kết thực hiện quan hệ đối tác B3W và nhận thức được sự cần thiết của việc quản lý và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Dù vậy, câu hỏi vẫn là quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững có ý nghĩa gì trong bối cảnh xây dựng trở lại tốt hơn? Các nguyên tắc về hiệu quả, đầy đủ và công bằng có thể sẽ là khuôn khổ để các nhà lãnh đạo thế giới giải quyết câu hỏi này tại các Hội nghị thượng đỉnh G20 và COP26 sắp tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục