Sáng kiến công lý thay thế trong cuộc chiến chống khủng bố ở Tây Phi

Nếu được thực thi và được bổ sung bởi các biện pháp bảo vệ nhân quyền, các sáng kiến công lý thay thế có thể sẽ phát huy tác dụng lớn trong cuộc chiến chống khủng bố tại các nước Tây Phi.
Sáng kiến công lý thay thế trong cuộc chiến chống khủng bố ở Tây Phi ảnh 1Binh sỹ thuộc biệt đội G5 Sahel. (Nguồn: africatimes.com)

Trang mạng dailymaverick.co.za ngày 3/6 có bài phân tích về các sáng kiến công lý thay thế có thể được áp dụng để hỗ trợ các biện pháp truyền thống trong cuộc chiến chống khủng bố tại Tây Phi, nội dung như sau:

Mali, Niger và Nigeria đang đối mặt với sức ép lớn nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố diễn ra tại các nước này. Vấn đề mấu chốt là làm thế nào để thành công trong cuộc chiến này.

Theo các sáng kiến của Liên hợp quốc và nhiều tổ chức khác, các nước Tây Phi đã sử dụng hệ thống tư pháp hình sự để ngăn chặn khủng bố.

So với biện pháp truyền thống sử dụng quân đội để đối phó với khủng bố, các sáng kiến này là một sự tiến bộ nhưng đang đặt trách nhiệm nặng nề đối với lực lượng cảnh sát và hệ thống tòa án.

Liệu các sáng kiến công lý thay thế có thể được áp dụng trong một số trường hợp khủng bố hay không?

Cho đến nay, việc chống khủng bố ở các nước Tây Phi này vẫn tập trung vào cách tiếp cận quân sự. Ở một chừng mực nhất định, biện pháp quân sự đã góp phần kiềm chế khủng bố nhưng trong quá trình áp dụng lại nảy sinh vấn đề khác, trong đó vấn đề pháp quyền, bảo vệ nhân quyền cho dân thường và nghi phạm khủng bố đã bị xem nhẹ.

Bằng chứng cho thấy các chiến thuật đàn áp và bạo lực của các cơ quan an ninh có thể làm trầm trọng thêm mối đe dọa mà chính những cơ quan này đang cố gắng giảm thiểu, dẫn đến sự gia tăng cực đoan hóa và hoạt động tuyển dụng của các nhóm khủng bố.

Mali, Niger và Nigeria đang ngày càng tăng cường sử dụng lực lượng cảnh sát và hệ thống tòa án để đối phó với những kẻ nghi vấn khủng bố.

Các nước Tây Phi này đã thành lập các cơ quan tư pháp đặc biệt tập trung vào các tội ác liên quan đến khủng bố, đồng thời các thám tử và công tố viên được đào tạo chuyên biệt để xử lý các trường hợp liên quan khủng bố.

Đây là cách tiếp cận được thế giới công nhận nhằm đảm bảo nhân quyền và thượng tôn pháp luật.

Tuy nhiên, các nỗ lực điều tra, giam giữ, truy tố và xét xử các nghi phạm khủng bố đã gây áp lực lớn đối với các đơn vị đặc biệt và hệ thống tư pháp hình sự vốn bị hạn chế về nguồn lực tại các nước Tây Phi này.

Năm 2018, ước tính có khoảng 200 nghi phạm khủng bố chưa xét xử (bao gồm cả phụ nữ và trẻ em) bị giam giữ ở Mali, 1.100 người ở Niger và hơn 5.000 người ở Nigeria.

Một số dân thường bị bắt, giam giữ một cách tùy tiện do họ thuộc các cộng đồng nhất định và có quan hệ gần gũi với những kẻ khủng bố hoặc bị các thành viên cộng đồng tố cáo vì liên quan đến nhiều hành vi "phạm tội" không có tính chất bạo lực hoặc thực hiện hành vi đó một cách không chủ ý.

[Cảnh báo khủng bố đang lan rộng tại vùng Sahel của châu Phi]

Động cơ của những tố cáo đó có thể không liên quan gì đến khủng bố, thay vào đó có thể là trả thù cá nhân, hận thù do lịch sử để lại, xung đột cá nhân hoặc mâu thuẫn tôn giáo.

Mặc dù có rất ít hoặc không có bằng chứng chống lại "những nghi phạm" này nhưng hệ thống tư pháp vẫn cần vận hành theo trình tự, thủ tục tố tụng và đưa họ tái hòa nhập cộng đồng, đôi khi quá trình này mất nhiều năm.

Tại các quốc gia Tây Phi này, tính chất phức tạp và số lượng lớn các vụ án liên quan đến khủng bố sẽ vượt quá khả năng của cả hệ thống tư pháp hình sự tinh vi nhất.

Trong những trường hợp này, liệu có nên xem xét áp dụng các phương pháp tiếp cận công lý thay thế - như công lý phục hồi, công lý chuyển tiếp và công lý truyền thống - để bổ sung cho các biện pháp ứng phó chính thống với khủng bố hay không?

Tại các nước đang trong quá trình chuyển tiếp hậu xung đột, một loạt công cụ như ủy ban sự thật, trung gian hòa giải, trọng tài phân xử, hòa giải sau xung đột và bồi thường đã được đưa ra thử nghiệm.

Các biện pháp này có thể mang lại công lý, trách nhiệm và hàn gắn tổn thương trong một số trường hợp khủng bố ở các quốc gia như Mali, Niger và Nigeria.

Cả ba nước này đã và đang thử nghiệm nhiều sáng kiến công lý thay thế và nảy sinh những thách thức nghiêm trọng.

Ủy ban Sự thật, Công lý và Hòa giải Mali đang phải đảm nhận nhiệm vụ quá rộng cũng như phải đối mặt với tình trạng mất an ninh đang diễn ra.

Chính phủ Nigeria đang phải cân nhắc kỹ lưỡng để quyết định những thành viên đào ngũ nào của Boko Haram cần đưa ra tòa xét xử, nội dung nào cần tập trung để phi cực đoan hóa và tái hòa nhập tại trại cải huấn Goudoumaria.

Với mục tiêu tái định cư các tay súng của Boko Haram, Chiến dịch Hành lang an toàn của Nigeria hiện đang thiếu các hướng dẫn minh bạch để xác định những cá nhân có nguy cơ cao hoặc thấp cũng như thiếu một chiến lược tái hòa nhập rõ ràng.

Tuy nhiên, nếu được thực hiện tốt, các phương pháp tiếp cận thay thế cho công lý được đề cập ở trên có thể giảm bớt áp lực đối với các hệ thống tư pháp hình sự chính thống ở các nước Tây Phi này.

Những biện pháp này cũng có thể giúp giải quyết các xung đột cục bộ vốn thường làm nảy sinh sự bất bình liên quan đến chủ nghĩa cực đoan bạo lực.

Trong nhiều trường hợp, người dân địa phương có thể coi các phương pháp công lý thay thế phù hợp hơn so với hệ thống tư pháp chính thức.

Các phương pháp đó sẽ cần được áp dụng một cách có hệ thống để bổ sung cho quá trình tư pháp hình sự, sử dụng các thông số rõ ràng dựa trên kế hoạch tốt và tham vấn rộng rãi với các chủ thể địa phương.

Các biện pháp bảo vệ của hệ thống tư pháp chính thức cần được sử dụng để bảo vệ nhân quyền, tiếp cận với đại diện pháp lý, đảm bảo thời gian của quy trình cũng như các cơ chế giám sát.

Các sáng kiến công lý thay thế nên được đặt trong các chiến lược rộng hơn để phòng ngừa và ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan bạo lực.

Những sáng kiến này cần nhận được sự đồng thuận của các cộng đồng địa phương, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa.

Những người trợ giúp pháp lý hoặc người đứng đầu các cộng đồng có thể đóng vai trò hỗ trợ trong việc phổ biến các sáng kiến cũng như tư vấn đối với từng trường hợp cụ thể.

Không thể có chiến lược duy nhất nhằm đạt được thành công trong cuộc chiến chống khủng bố. Việc áp dụng các sáng kiến công lý thay thế nhằm bổ sung cho các biện pháp chống khủng bố hiện có có thể sẽ gặp những trở ngại nhất định nhưng đáng được cân nhắc cẩn trọng.

Các hệ thống tư pháp hình sự ở Mali, Niger và Nigeria đang trong tình trạng quá tải và đạt được rất ít tiến bộ trong cuộc chiến chống khủng bố.

Nếu được thực thi và được bổ sung bởi các biện pháp bảo vệ nhân quyền, các sáng kiến công lý thay thế có thể sẽ phát huy tác dụng lớn trong cuộc chiến chống khủng bố tại các nước Tây Phi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục