'Sáng kiến Oslo' về hòa bình trên bán đảo Triều Tiên

Trong bài diễn thuyết tại “Diễn đàn Oslo” ở Na Uy, Tổng thống Moon Jae-in trình bày sáng kiến “hòa bình vì người dân,” được cho là sẽ mở đường cho bán đảo Triều Tiên tiến đến phi hạt nhân hóa.
'Sáng kiến Oslo' về hòa bình trên bán đảo Triều Tiên ảnh 1Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. (Nguồn: Getty Images)

Theo truyền thông Hàn Quốc, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Na Uy, Tổng thống Moon Jae-in ngày 12/6 đã trình bày sáng kiến “hòa bình vì người dân” với nội dung chính là một “nền hòa bình tích cực.”

Sáng kiến Oslo

Trong bài diễn thuyết tại “Diễn đàn Oslo,” được tổ chức tại Đại học Oslo của Na Uy, Tổng thống Moon Jae-in nhắc lại định nghĩa về “hòa bình tích cực,” tức không chỉ dừng lại ở một nền “hòa bình thụ động” không chiến tranh hay xung đột vũ trang mà là nền hòa bình mang lại lợi ích cho cuộc sống của người dân thông qua giao lưu và hợp tác một cách tích cực.

Tổng thống Moon gọi đây là “nền hòa bình thay đổi đời sống người dân”. Tổng thống tin tưởng “hòa bình tích cực” sẽ mở đường cho bán đảo Triều Tiên tiến đến phi hạt nhân hóa, thiết lập cơ chế hòa bình.

Tổng thống Moon cho rằng nếu mọi người dân đều suy nghĩ tích cực là hòa bình sẽ đem lại một cuộc sống tốt đẹp hơn, thì sẽ vượt qua được sự chia cắt về tư tưởng, quan điểm.

Theo ông, tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên sẽ xóa bỏ hoàn toàn tàn dư cuối cùng của Chiến tranh Lạnh tại khu vực Đông Bắc Á.

Trong bài diễn thuyết kéo dài khoảng 20 phút, Tổng thống Moon đã nhắc đến từ “hòa bình” 53 lần, “người dân” 25 lần, “Bán đảo Triều Tiên” 15 lần, tập trung truyền tải thông điệp về hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

Đề xuất về “Ủy ban biên giới”

Một điểm đáng chú ý trong đó là Tổng thống Moon nêu ra đề xuất thành lập “Ủy ban biên giới” với Triều Tiên.

[Phi hạt nhân hóa Triều Tiên: Đám mây ở đường chân trời]

Tổng thống Moon nhấn mạnh để xây dựng một nền hòa bình thay đổi đời sống người dân, cần phải ưu tiên giải quyết vấn đề tại các khu vực biên giới.

Tổng thống minh chứng “Ủy ban biên giới” giữa Đông Đức và Tây Đức trong quá khứ, cho rằng đây là một ví dụ điển hình về sự hợp tác nhằm xóa bỏ sự chia cắt. Ủy ban biên giới này được thành lập dựa theo “Hiệp ước cơ bản Đông-Tây Đức” năm 1972, nhằm tạo ra một kênh thảo luận, tìm kiếm đối sách giải quyết chung những vấn đề nổi cộm như thiên tai, ô nhiễm môi trường.

Nhờ có ủy ban này mà giữa Đông và Tây Đức vẫn có sự trao đổi đều đặn bất chấp tình trạng chia cắt. Hoạt động của ủy ban được đánh giá là một yếu tố ảnh hưởng tích cực tới quá trình thống nhất nước Đức.

Tổng thống Moon Jae-in nhấn mạnh tại khu vực biên giới liên Triều vẫn đang xảy ra cháy rừng, sâu bệnh, bệnh truyền nhiễm ở gia súc. Ranh giới vô hình trên biển đang đe dọa quyền đánh bắt cá của người dân hai miền.

Nếu hai bên có một tổ chức tương tự như “Ủy ban biên giới” giữa Đông và Tây Đức thì sẽ giúp ích rất lớn cho quá trình thiết lập hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

Bối cảnh và ý nghĩa

“Sáng kiến Oslo” được đưa ra đúng vào ngày kỷ niệm tròn một năm Tuyên bố chung Mỹ-Triều 12/6 tại Singapore, giữa bối cảnh lãnh đạo Mỹ-Triều đang có một số động thái mới, như việc Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un gửi thư cho Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tổng thống Moon Jae-in nhấn mạnh điều cần thiết hiện nay không phải là một tầm nhìn hay một tuyên bố mới, mà là lãnh đạo Mỹ-Triều cần củng cố hơn sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau, cũng như quyết tâm đối thoại.

Ông Moon thừa nhận cục diện đối thoại Mỹ-Triều hiện nay vẫn đang trong tình trạng bế tắc, nhưng sự thù địch kéo dài suốt 70 năm qua đang “tan chảy” dần dần.

Hai nước cần thời gian để tích lũy sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau. Qua “Sáng kiến Oslo,” Tổng thống Moon một lần nữa thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc xây dựng “nền hòa bình tích cực,” hướng tới thiết lập một cơ chế hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Giờ đây, dư luận lại tiếp tục hướng sự quan tâm tới vai trò trung gian của Tổng thống Hàn Quốc trong việc tổ chức cuộc đối thoại thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ ba./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục