Sập bẫy khi đi nhận giải

Đạo diễn Roman Polanski: Bi kịch tiếp nối bi kịch

Thay vì được tôn vinh khi đến Liên hoan phim Zurich nhận giải Thành tựu trọn đời, đạo diễn của The Pianist đã bị cảnh sát bắt.
Đạo diễn Pháp gốc Ba Lan lừng danh Roman Polanski tới Thụy Sĩ hôm 26/9 để nhận giải Thành tựu trọn đời tại Liên hoan phim Zurich, thế nhưng thay vì được tôn vinh về tài năng nghệ thuật, nhà làm phim này đã bị bắt ngay khi vừa xuống sân bay. Hiện ông đang chờ bị dẫn độ sang Mỹ để hầu tòa về vụ cưỡng dâm một bé gái 13 tuổi cách đây 32 năm.

Sập bẫy

Người phát ngôn Bộ Tư pháp Thụy Sĩ cho biết Polanski, năm nay 76 tuổi, bị bắt theo lệnh truy nã quốc tế do các nhà chức trách Mỹ ban hành từ năm 2005.

Năm 1978, Polanski đã trốn khỏi Mỹ sang Pháp để né tránh sự trừng phạt của pháp luật và tiếp tục phát triển sự nghiệp điện ảnh. Trước đó, ông đã thừa nhận hành động cưỡng bức cô bé Samantha Geimer 13 tuổi - giờ là người mẹ 45 tuổi của ba đứa con.

Sự việc xảy ra tại nhà riêng của tài tử Jack Nicholson ở Hollywood Hills tháng 3/1977. Tại đây, trong lúc chụp ảnh Geimer cho một tạp chí thời trang, Polanski đã chuốc rượu người mẫu vị thành niên này và cưỡng bức cô bé. Sau khi dàn xếp ổn thỏa với đạo diễn Polanski về việc bồi thường, gia đình Geimer đã rút đơn kiện và đề nghị Tòa án Los Angeles xóa tội cho ông. Nhưng tòa án không chấp nhận đề nghị này.

Polanski thường chỉ loanh quanh ở Pháp, rất ít khi ra nước ngoài và đặc biệt không dám sang Anh vì sợ bị dẫn độ về Mỹ. Nhưng cách đây mấy ngày, ông đã không cẩn trọng khi nhận lời mời của Ban tổ chức Liên hoan phim Zurich và sập chiếc bẫy giăng sẵn của cảnh sát Thụy Sĩ.

Việc người làm ra những tác phẩm điện ảnh kinh điển như "Rosemary’s Baby" (1968), "Chinatown" (1974) bị bắt giữ đã gây nên một làn sóng chỉ trích đối với chính quyền Thụy Sĩ. Chính quyền Ba Lan và Pháp tuyên bố sẽ yêu cầu Thụy Sĩ và Mỹ tha bổng cho đạo diễn nổi tiếng này.

Nhà văn Anh Robert Harris, người đã làm việc với Polanski trong ba năm qua, thổ lộ: “Tôi thấy sốc khi một người đã 76 tuổi, cho dù có nổi tiếng hay không, lại bị đối xử theo kiểu như vậy”.

“Tôi không hiểu tại sao Thụy Sĩ mời Polanski tới Liên hoan phim Zurich để trao giải Thành tựu trọn đời rồi lại bắt ông ấy” - Jacek Bromski, Chủ tịch Hiệp hội các nhà làm phim Ba Lan, nói.

Cuộc đời sóng gió

Roman Polanski đã trải qua nhiều bi kịch trong cuộc đời. Ông sinh ra ở Paris (Pháp) ngày 18/8/1933 trong một gia đình người Ba Lan gốc Do Thái. Bố mẹ đưa gia đình về quê hương lúc cậu bé Roman Polanski mới 3 tuổi. Khi phát xít Đức xâm lược Ba Lan, Roman Polanski may mắn trốn khỏi khu Do Thái ở Krakow. Những nông dân nhân hậu đã che chở cho cậu bé gốc Do Thái lạc mất gia đình trong suốt Thế chiến II. Người mẹ của ông đã thiệt mạng tại trại tập trung Auschwitz.

Năm 1964, Polanski gây tiếng vang với "Knife In The Water" được đề cử Oscar Phim tiếng nước ngoài xuất sắc nhất. Sau đó, ông rời Ba Lan sang định cư tại Mỹ và sớm có thành công với "Rosemary’s Baby". Phim này đã đem về cho Ruth Gordon giải Oscar Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất và Polanski được đề cử Oscar Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất. Một năm sau đó, vị đạo diễn tài năng phải hứng chịu bi kịch thảm khốc khi nữ diễn viên Sharon Tate - người vợ đang mang thai ở tháng thứ tám của ông - bị một băng đảng xã hội đen sát hại.

Năm 1977, Polanski lại gây chấn động dư luận nhưng là ở khía cạnh tiêu cực, khi ông bị tố cáo hãm hiếp bé gái 13 tuổi. Ban đầu, Polanski bị cáo buộc sáu tội danh và có thể phải lãnh án chung thân. Nhưng đạo diễn này chỉ nhận tội quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên và thanh minh rằng ông không biết tuổi thật của cô bé.

Các công tố viên cho biết Polanski chỉ bị phạt tù từ 16 tháng đến ba năm trong khi mức án cao nhất là 50 năm. Năm 1978, Polanski xin được giảm án nhưng lại đối mặt với nguy cơ phải ngồi tù lâu hơn. Do đó, ông trốn sang Pháp vì nước này không ký hiệp ước dẫn độ tội phạm với Mỹ.

Sau hai thập niên sống khá lặng lẽ, Polanski gây tiếng vang trở lại với bộ phim "The Pianist" (2002). Tác phẩm này đã đoạt 3 Oscar, trong đó có giải Đạo diễn xuất sắc nhất. Tuy nhiên, do lệnh bắt giam của các nhà chức trách Mỹ vẫn còn hiệu lực nên Polanski không dám đến tham dự lễ trao giải điện ảnh danh giá nhất thế giới. Ông từng bị cảnh sát một số nước châu Âu bắt hụt nhiều lần. Nhưng lần này, cảnh sát Thụy Sĩ đã giăng sẵn bẫy sau khi thông tin đạo diễn Polanski sẽ tới dự Liên hoan phim Zurich được đăng tải trên mạng./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục