Sập cầu Ghềnh: Phó Thủ tướng tặng bằng khen 4 người cứu tàu

Sập cầu Ghềnh: Phó Thủ tướng tặng bằng khen 4 người cứu đoàn tàu

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định tặng Bằng khen cho 4 cá nhân kịp thời cảnh báo, giúp dừng đoàn tàu hàng an toàn ở vụ sập cầu Ghềnh (Đồng Nai).
Sập cầu Ghềnh: Phó Thủ tướng tặng bằng khen 4 người cứu đoàn tàu ảnh 1Hiện trường vụ sập cầu Ghềnh nhìn từ trên cao. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc-Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia đã ký quyết định tặng Bằng khen cho 4 cá nhân đã có thành tích xuất sắc, kịp thời cảnh báo, giúp dừng đoàn tàu hàng an toàn, tránh không để xảy vụ tai nạn thảm khốc sau khi cầu Ghềnh (Đồng Nai) bị sà lan tông sập.

Theo đó, 3 nhân viên gác chắn là các ông Phạm Tiến Dũng, Ngô Việt Phái, Phan Tiến Dũng đều là nhân viên trạm gác chắn Bửu Hòa, Công ty cổ phần Đường sắt Sài Gòn và ông Huỳnh Ngọc Hoàng, trú tại ấp Tâm Mỹ, phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Sau thời điểm xảy ra vụ tai nạn sập cầu Ghềnh ngày 20/3/2016 tại Đồng​ Nai, tàu hàng mang số hiệu 2542 đang chạy trong khu gian Biên Hòa-Dĩ An đã được các nhân viên gác chắn đường ngang Km1700+174 dừng tàu kịp thời, đảm bảo an toàn.

Trước đó, chiều 21/3 vừa qua, tại Đồng Nai, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam đã thực hiện "thưởng nóng" 3 nhân viên Trạm gác chắn tàu Bửu Hòa.

Trước khi xảy ra vụ sập cầu, lúc 10 giờ 59 phút, tàu H5 từ hướng Bắc vào Nam vẫn di chuyển bình thường qua cầu Ghềnh. Tiếp đến, theo lịch trình, tàu mang số hiệu 2542 chạy từ Nam ra Bắc sẽ xuất phát tại ga Dĩ An lúc 11 giờ 37 phút, dự kiến khoảng 11 giờ 45 phút tàu đến cầu Ghềnh.

Anh Phan Tiến Dũng nhớ lại: "Khoảng 11 giờ 38 phút ngày 20/3, chúng tôi nhận lệnh đóng chắn để cho tàu số hiệu 2542 đi qua cầu Ghềnh. Ngay lập tức cả 3 người ra đường ngang để kiểm tra, đảm bảo cho đường thông thoáng. Chúng tôi vừa hạ chắn thì nhìn thấy một người đàn ông chạy từ hướng cầu Ghềnh lại đồng thời dùng tay thực hiện nhiều ký hiệu cảnh báo."

"Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề và bằng linh tính, chúng tôi nhận thấy có điều bất thường. Thời khắc đó, 3 người khẩn trương thảo luận, phân công anh Ngô Việt Hải cầm cờ đỏ chạy về hướng người đàn ông, anh Phạm Tiến Dũng cầm cờ chạy nhanh về hướng tàu đang lao tới còn bản thân tôi thì đứng tại gác chắn để nhận tín hiệu từ hai người."

Khi đến gần người đàn ông, anh Hải nghe người này tri hô là cầu Ghềnh đã bị sập; trong tích tắc, anh Hải chạy về hướng anh Phan Tiến Dũng ra hiệu và hét to “dừng tàu khẩn cấp.”

Nhận tín hiệu có sự cố, anh Phan Tiến Dũng dùng cờ hiệu báo cho anh Phạm Tiến Dũng chạy cấp tốc hơn để kịp thời báo cho lái tàu 2542. Khi lái tàu thấy anh Phạm Tiến Dũng phất cờ ra hiệu dừng, lái tàu lập tức hãm phanh. Lúc này, đoàn tàu chỉ cách cầu Ghềnh khoảng 200m.

Sau khi tàu dừng, anh Phan Tiến Dũng đã cấp báo cho các ban ngành, đơn vị liên quan theo đúng quy trình và có phương án xử lý khẩn cấp đối với các đoàn tàu khác có lịch trình sắp qua khu vực này./.

Vào lúc 11 giờ 35 phút trưa ngày 20/3, tàu kéo sà lan (chưa biết số hiệu) từ hạ nguồn lên thượng nguồn sông Đồng Nai đã đâm vào trụ cầu Ghềnh (tại km1699+860 thuộc khu gian Biên Hòa-Dĩ An) làm gãy trụ cầu và làm sập hai nhịp 2 và 3 của cầu.

Cầu Ghềnh được xây dựng hơn 100 năm trước; dành đi chung cho cả đường bộ và đường sắt với 2 phần bên hông dành cho xe 2 bánh, ở giữa dành cho xe lửa và xe ôtô. Đây là cây cầu huyết mạch của tuyến đường sắt Bắc-Nam.

Cách đây hơn 5 năm, vào ngày 6/2/2011 (mùng 4 Tết âm lịch) tại gác chắn xe lửa cầu Ghềnh đã xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông đường sắt đặc biệt nghiêm trọng làm nhiều người chết và bị thương.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục