Sắp hoàn thành chương trình xuất khẩu thủy sản

Tổng cục Thủy sản đã tổ chức hội thảo lần cuối lấy ý kiến cho dự thảo Chương trình phát triển xuất khẩu thủy sản giai đoạn 2015.
Sáng 1/6, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản-Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội thảo Chương trình xuất khẩu thủy sản đến năm 2015 và định hướng năm 2020.

Đây là hội thảo lần cuối ở cấp Trung ương để lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan nhằm hoàn thiện dự thảo Chương trình phát triển xuất khẩu thủy sản giai đoạn 2015, định hướng năm 2020 trình Chính phủ phê duyệt vào tháng 6 năm nay.

Đánh giá về chương trình xuất khẩu thủy sản giai đoạn 2005-2010, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản nhận định giá trị xuất khẩu thủy sản đã vượt mức 4,5 tỷ USD đề ra, đạt 5,033 tỷ USD.

Chương trình cũng đã hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa-hiện đại hóa ngành thủy sản, nâng cao khả năng cạnh tranh, xuất khẩu thủy sản tăng trưởng hiệu quả, bền vững, có vị thế cao trên thị trường quốc tế. Điều đặc biệt, thủy sản tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn, ngành sản xuất chủ lực.

Tuy nhiên, bà Minh cho rằng hiện chính sách vẫn chưa phù hợp với thực tiễn nghề nuôi, đặc biệt là với sản xuất giống. Vùng nuôi và khai thác chưa có phương pháp quản lý hiệu quả dẫn đến sự mất cân đối giữa sản xuất nguyên liệu và chế biến.

Bà Minh đề nghị nếu mục tiêu xuất khẩu thủy sản đặt ra cho năm 2020 là 8 tỷ USD thì cần đa dạng thêm đối tượng nuôi chủ lực để sản xuất công nghiệp giống như tôm và cá tra.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám, chỉ tiêu xuất khẩu thủy sản đến năm 2015 là 6,5-6,7 tỷ USD và đến năm 2020 là 8 tỷ USD đã được Thủ tướng phê duyệt trong Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2020. Chương trình xuất khẩu thủy sản chỉ là một trong những giải pháp để thực hiện chiến lược này.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhận định những thách thức lớn nhất đối với Chương trình xuất khẩu thủy sản giai đoạn tới là sự gắn kết giữa chế biến xuất khẩu với sản xuất nguyên liệu còn lỏng lẻo; tuyên truyền và xúc tiến thương mại chưa đạt kết quả cao; quản lý chất lượng theo chuỗi sản phẩm với việc đưa ra các chứng chỉ về chất lượng ở mức cao nhất của thế giới chưa được tổ chức bài bản. Đây là những thách thức hàng đầu phải vượt qua để đạt được mục tiêu đề ra./.

Thúy Hiền (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục