"Sáp nhập mới là bước đi đầu tiên để tái cơ cấu"

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, sáp nhập chỉ là bước đi đầu tiên trong chuỗi các hành động cơ cấu lại tổ chức tín dụng cụ thể.
Theo Đề án tái cơ cấu, đến năm 2015 hệ thống các tổ chức tín dụng được lành mạnh hóa một bước quan trọng về tài chính và hoạt động, giảm bớt số lượng tổ chức tín dụng nhỏ, yếu kém và hình thành một số ngân hàng thương mại có quy mô lớn hơn, có khả năng cạnh tranh mạnh hơn.

Hiện đã có một số ngân hàng tự nguyện sáp nhập như Ngân hàng Tín Nghĩa, Sài Gòn, Đệ Nhất hợp nhất thành Ngân hàng Sài Gòn và mới đây Ngân hàng SHB sáp nhập với Habubank thành Ngân hàng SHB. Nhân dịp này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề trên.

- Xin Thống đốc đánh giá những thành công bước đầu của quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và sự kỳ vọng trong thời gian tới.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình
: Cơ cấu lại các định chế tài chính – ngân hàng, nhất là đối với các định chế yếu kém, có nguy cơ đổ vỡ luôn đòi hỏi phải xử lý nhanh để giảm thiểu chi phí tái cơ cấu và hạn chế rủi ro hệ thống gia tăng. Vì vậy, từ trước khi Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015” được Thủ tướng Chính phủ ban hành, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động đánh giá, phân tích và phân loại các tổ chức tín dụng theo mức độ lành mạnh.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã xác định được một số ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém cần phải cơ cấu lại. Ngay từ cuối tháng 10/2011, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị và triển khai ngay các giải pháp cần thiết để cơ cấu lại một số ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Đến nay, việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng đã đạt được một số kết quả quan trọng bước đầu như sau:

Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các ngân hàng thương mại lành mạnh tích cực hỗ trợ thanh khoản bảo đảm khả năng chi trả của ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém và hệ thống các tổ chức tín dụng. Đến nay, chi trả tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng yếu kém diễn ra bình thường, không để xảy ra hiện tượng rút tiền hàng loạt với quy mô lớn. Thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng đã được cải thiện rõ rệt, nhờ đó góp phần quan trọng cho việc thực hiện chủ trương giảm mặt bằng lãi suất. Điều quan trọng là huy động vốn ở nhiều ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém đang triển khai cơ cấu lại không bị giảm và các khoản tiền gửi mới tại các ngân hàng thương mại cổ phần đó đã trở lại cho thấy lòng tin của công chúng được duy trì ổn định ngay từ đầu quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.

Đến nay, Ngân hàng Nhà nước về cơ bản đã kiểm soát được tình hình của các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém thông qua các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật. Vì vậy, nguy cơ, rủi ro gây mất an toàn hệ thống đã được giảm thiểu. An ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động thị trường tiền tệ, tín dụng diễn ra bình thường và theo chiều hướng tích cực hơn kể từ khi triển khai các biện pháp cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Kỷ cương, kỷ luật thị trường tiền tệ được nâng cao.

Một số ngân hàng thương mại cổ phần đã và đang tiến hành sáp nhập, hợp nhất theo nguyên tắc tự nguyện đồng thời các ngân hàng thương mại cổ phần này tích cực triển khai các giải pháp cơ cấu lại tài chính, hoạt động và quản trị sau sáp nhập, hợp nhất. Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém đã và đang tích cực kêu gọi các nhà đầu tư trong nước, ngoài nước đầu tư, tăng vốn và tham gia xử lý những khó khăn tài chính, đổi mới hệ thống quản trị. Trong tương lai gần, thị trường sẽ tiếp tục chứng kiến các giao dịch sáp nhập, hợp nhất, mua lại các tổ chức tín dụng trên cơ sở tự nguyện với sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước thực hiện điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ theo hướng bảo đảm thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng, ổn định tỷ giá, giảm dần lãi suất phù hợp điều kiện kinh tế vĩ mô, giảm bớt rủi ro thị trường cho tổ chức tín dụng và nền kinh tế; kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng, nhất là các tổ chức tín dụng yếu kém để bảo đảm tổ chức tín dụng tăng trưởng phù hợp với khả năng thực tế, tập trung củng cố khả năng chi trả.

- Một số ý kiến còn nghi ngờ về hiệu quả của việc hợp nhất, sáp nhập các ngân hàng, là phép cộng các ngân hàng yếu kém? Quan điểm này có gì chưa đúng, thưa Thống đốc?

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Tôi xin khẳng định chủ trương của Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước không coi sáp nhập, hợp nhất là điểm kết thúc hay mục tiêu của cơ cấu lại tổ chức tín dụng. Việc sáp nhập, hợp nhất giữa các tổ chức tín dụng lành mạnh với nhau, tổ chức tín dụng lành mạnh với tổ chức tín dụng yếu kém, giữa các tổ chức tín dụng yếu kém với nhau không phải là phép cộng số học. Sáp nhập, hợp nhất chỉ biện pháp cơ cấu lại pháp nhân, vì vậy nó cũng chỉ là một trong nhiều biện pháp cơ cấu lại và trong nhiều trường hợp chỉ là bước đi đầu tiên trong chuỗi các hành động cơ cấu lại tổ chức tín dụng cụ thể.

Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng được tiến hành toàn diện trên các mặt về tài chính, hoạt động và quản trị đối với kể cả tổ chức tín dụng lành mạnh và tổ chức tín dụng yếu kém với biện pháp, lộ trình phù hợp với đặc điểm cụ thể của tổ chức tín dụng và nội dung của Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng đã được phê duyệt tại Quyết định số 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 01/3/2012. Mọi tổ chức tín dụng đều phải xây dựng phương án cơ cấu lại để báo cáo Ngân hàng Nhà nước và chịu sự giám sát thực hiện của Ngân hàng Nhà nước.

Do đó, sau khi sáp nhập, hợp nhất, tổ chức tín dụng phải thực hiện các biện pháp cụ thể cơ cấu lại tài chính, hoạt động và quản trị theo phương án đã đề ra để bảo đảm đáp ứng đầy đủ các chuẩn mực an toàn hoạt động theo quy định của pháp luật. Nguyên tắc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém về cơ bản theo trình tự trước hết bảo đảm khả năng chi trả của tổ chức tín dụng, áp dụng các biện pháp kiểm soát, giám sát thích hợp, thực hiện sáp nhập, hợp nhất tự nguyện hoặc bắt buộc (khi cần thiết) và cơ cấu lại tài chính, quản trị, hoạt động.

- Để đảm bảo một hệ thống ngân hàng vững mạnh trong tương lai, Ngân hàng Nhà nước có những khuyến cáo gì đối với hoạt động của các ngân hàng thương mại?

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Các tổ chức tín dụng cần nhận thức sâu sắc rằng việc bảo đảm an toàn, hiệu quả hoạt động của tổ chức tín dụng là trách nhiệm của chủ sở hữu, hội đồng quản trị tổ chức tín dụng vì lợi ích của chính mình, lợi ích của người gửi tiền và nhà đầu tư, lợi ích của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.

Hiện nay, các tổ chức tín dụng và ngành ngân hàng đang đứng trước những vận hội to lớn cho sự phát triển nhưng cũng phải đối mặt với không ít những yếu kém bên trong và thách thức bên ngoài. Cơ cấu lại cần được xem như là cơ hội giúp các tổ chức tín dụng khắc phục những khó khăn, yếu kém và củng cố, phát triển các yếu tố nền tảng bảo đảm cho tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, hiệu quả, bền vững và có khả năng cạnh tranh tốt hơn.

Vì vậy, đẩy mạnh cơ cấu lại là nhiệm vụ chiến lược và yêu cầu cấp bách đối với từng tổ chức tín dụng từ nay đến năm 2015. tổ chức tín dụng nào không thực hiện cơ cấu lại một cách nghiêm túc và triệt để có thể được xem như bỏ qua cơ hội lớn cho sự nâng cao năng lực cạnh tranh và chuẩn bị “hành trang” cho “cuộc chơi” lớn trong thời gian tới mà đòi hỏi tính chuyên nghiệp, tính cạnh tranh, tính hiệu quả cao hơn trong hoạt động của mỗi tổ chức tín dụng.

Tôi đề nghị các tổ chức tín dụng quán triệt đầy đủ, sâu sắc, đồng thời tự xây dựng và triển khai quyết liệt, triệt để phương án cơ cấu lại với các nội dung, giải pháp cơ cấu lại phù hợp với điều kiện cụ thể của tổ chức tín dụng và nội dung của Đề án ban hành theo Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Các tổ chức tín dụng phải chủ động tự cơ cấu lại chính mình. Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng áp dụng biện pháp can thiệp, kể cả các biện pháp cứng rắn mang tính bắt buộc để bảo vệ tài sản, quyền lợi của Nhà nước và nhân dân, bảo đảm an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng. Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước kiên quyết xử lý những tổ chức tín dụng yếu kém, đe doạ sự an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng.

- Xin trân trọng cảm ơn Thống đốc!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục