Sáp nhập ngân hàng sẽ "kịch tính" hơn trước kỳ đại hội cổ đông

Việc sáp nhập ngân hàng được cho là sẽ có nhiều kịch tính trong năm nay vì đây cũng là năm Ngân hàng Nhà nước bắt đầu siết mạnh hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Sáp nhập ngân hàng sẽ "kịch tính" hơn trước kỳ đại hội cổ đông ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Mùa đại hội cổ đông của các ngân hàng năm nay được dự báo là sẽ có nhiều  kịch tính vì đây cũng là năm Ngân hàng Nhà nước bắt đầu siết mạnh lại hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là những ngân hàng nào làm ăn không hiệu quả dẫn đến vốn điều lệ bị âm sẽ được Ngân hàng Nhà nước mua lại, còn những ngân hàng nào hoạt động kém sẽ được sáp nhập vào những ngân hàng mạnh hơn.

Đánh giá về xu hướng sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia dùng bốn từ “diễn ra mạnh mẽ” để diễn tả. Không đề cập đến tên các ngân hàng cụ thể, nhưng Ủy ban này cho hay: “Các thương vụ sáp nhập thời gian tới kỳ vọng sẽ nhiều điểm mới, kịch tính hơn, sẽ làm thay đổi thứ hạng và thị phần trên thị trường ngân hàng.”

Đánh giá trên được đưa ra trong bối cảnh đợt cao điểm của mùa đại hội cổ đông ngân hàng chuẩn bị diễn ra trong tháng Tư này. Tại đây, số phận nhiều ngân hàng sẽ được định đoạt rõ nét hơn. Ngoại trừ các trường hợp Maritime Bank-Mekong Bank, Sacombank-Southern Bank đã chốt phương án sáp nhập và được chấp thuận về nguyên tắc, cuộc hôn nhân của Nam Á Bank và Eximbank có thể cũng sẽ được đặt ra tại cuộc họp cổ đông sắp tới của hai bên.

Không còn úp mở như một số ngân hàng khác, Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng Sông Cửu Long (MHB) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông dự kiến tổ chức ngày 17/4 tới tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo dự kiến, tại đại hội lần này, Hội đồng quản trị MHB sẽ trình cổ đông về định hướng hoạt động năm 2015, trong đó sẽ phối hợp với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) hoàn tất đề án sáp nhập theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Còn theo dự thảo báo cáo của Ban Điều hành ngân hàng thì từ hồi đầu năm 2014, MHB đã hoàn tất việc xây dựng đề án tái cơ cấu MHB đến năm 2015 trình Ngân hàng Nhà nước. Và từ quý 4/2014, MHB đã phối hợp với BIDV triển khai việc xây dựng đề án sáp nhập MHB và BIDV theo chỉ đạo của Thống đốc.

Tại tờ trình này, Hội đồng MHB cho biết, “nhiều chuyên gia kinh tế đã nhận định MHB tuy quy mô nhỏ, nhưng phát triển bền vững, lành mạnh, không phải là ngân hàng yếu kém”.

Ngay từ đầu năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã cho biết, năm 2015 có thể xử lý 6-8 ngân hàng, còn một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng từng hé lộ danh tính 2 cặp có thể sáp nhập tự nguyện trong năm 2015 là VietinBank-PGBank; Vietcombank-SaiGon Bank. Tuy nhiên đến nay, hai ngân hàng này vẫn chưa lên tiếng và thị trường đang chờ đợi thông tin chính thức ở cuộc họp đại hội cổ đông sắp tới.

Một ngân hàng thương mại cổ phần khác là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank) cũng đang được nhà đầu tư và các cổ đông rất quan tâm là ngân hàng này sẽ "đi đâu, về đâu" trong năm nay khi mà chỉ trong vòng 5 tháng ngân hàng đã 3 lần thay Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Chủ tịch Hội đồng quản trị mới của OceanBank là ông Đỗ Thanh Sơn nguyên là Giám đốc chi nhánh 11 Thành phố Hồ Chí Minh của VietinBank, bà Đào Thị Thúy thôi đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị của Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương kể từ ngày 03/4. Cùng với đó là thông báo triệu tập họp đại hội cổ đông năm 2015 của Oceanbank, nhưng vẫn chưa chốt ngày họp.

Nhiều người đặt câu hỏi, liệu OceanBank có về làm "con" của Ngân hàng Nhà nước hay về "một nhà" với VietinBank. Tuy nhiên, cả hai phương án này đều đang “gặp khó”, câu hỏi này vẫn phải chờ đến khi cuộc họp đại hội cổ đông diễn ra.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, việc can thiệp bắt buộc của Ngân hàng Nhà nước chỉ được thực hiện khi ngân hàng yếu kém không có khả năng tự tái cơ cấu, không sáp nhập, hợp nhất tự nguyện được; hoặc trong trường hợp chỉ định ngân hàng thương mại nhà nước mua lại, nhận sáp nhập sẽ có tác động tiêu cực trực tiếp đến tình hình tài chính, hoạt động của ngân hàng thương mại nhà nước.

Sau khi mua lại ngân hàng yếu kém, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý những tồn tại, yếu kém và cơ cấu lại toàn diện, nhất là về quản trị, điều hành, chiến lược kinh doanh phù hợp.

Việc tăng cường sáp nhập, tích cực thu gọn hệ thống ngân hàng nằm trong chủ trương tái cơ cấu của Ngân hàng Nhà nước, xử lý ngân hàng yếu kém, thu gọn sở hữu chéo và hình thành một số ngân hàng mạnh, đủ sức cạnh tranh trong khu vực.

Ông Dominic Mellor, chuyên gia kinh tế quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, động thái mua bán, sáp nhập trên thị trường cho thấy, Việt Nam đã rút ra bài học “cần có ngân hàng mạnh, chứ không cần nhiều ngân hàng.”

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục