Sắp thu quỹ bảo trì đường: DN vận tải lại "than trời"

Ngày 22/3, Hiệp hội vận tải Hà Nội đã họp và kiến nghị nhiều giải pháp liên quan đến việc Nhà nước chuẩn bị thu Quỹ bảo trì đường bộ.
Liên quan đến việc thực hiện Nghị định thu phí bảo trì đường bộ và các đề án chống ùn tắc giao thông, theo đại diện các doanh nghiệp vận tải, vấn đề thu phí đường bộ muốn làm tốt cần phải có lộ trình, sử dụng đúng mục đích, tránh có sự đánh đồng như một, nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.

Ngoài ra, các hãng taxi cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải và Nhà nước cần xem xét đưa taxi vào diện phục vụ vận tải hành khách công cộng.

Thông tin trên được đưa ra trong cuộc họp Tổng kết công tác năm 2011 của Hiệp hội vận tải thành phố Hà Nội tổ chức vào sáng nay (22/3).

Kiến nghị lùi hạn thu và giảm mức phí


Về việc thu phí bảo trì đường bộ, đại diện hãng taxi Hùng Vương cho biết: “Hiện nay, tất cả các doanh nghiệp vận tải đã phải chịu quá nhiều mức phí bao gồm: phí xăng dầu, phí cầu đường đi tới đâu đã phải trả phí tới đấy. Việc thu thêm phí bảo trì đường bộ theo Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ở mức quá cao như như thế sẽ làm người dân và ngành vận tải không thể chịu đựng được, doanh nghiệp sẽ lụi bại nhanh chóng.”

Đồng  tình với việc thu phí bảo trì đường bộ, nhưng cũng từ những khó khăn hiện tại của doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Nhật, Giám đốc công ty vận tải vận tải hàng hóa container cho rằng, các doanh nghiệp phải chấp nhận đóng phí. Thực tế đầu năm, các đơn vị vận tải đều gặp khó về hàng hóa, phương tiện lại xuống cấp không còn nhiều tiền đầu tư mới. Giá xăng dầu tăng trong khi giá cước chưa thể tăng ngay được. Nếu áp mức phí bảo trì vào thực hiện luôn thì hầu hết doanh nghiệp rất khó trong việc đảm bảo hiệu quả và doanh thu.

Theo ông Hoàng Quang Ngọc, Công ty  vận tải Hoàng Hà chuyên vận chuyển hàng hóa container, rất nhiều chính sách trước đây của Bộ Giao thông Vận tải thực hiện quá gấp sẽ ảnh hưởng lập tức đến ngành vận tải như: Bằng FC, thiết bị giám sát hành trình (GPS).

Về quỹ bảo trì đường bộ, ông Ngọc nhận định, đơn vị vận tải không thể có đủ vốn để có thể nộp cùng một lúc mức phí bảo trì đường bộ.

“Mức phí bảo trì đường bộ phải đóng theo quy định với xe container là 1,4 triệu/tháng. Nhưng  không ai có thể đảm bảo xe ôtô có thể chạy 30/30 ngày được. Xe cũng như con người, có lúc ốm đau hỏng hóc và cần phải bảo dưỡng mà vẫn phải nộp phí. Nếu 50 đầu xe 6 tháng phải đi đăng kiểm sẽ phải nộp phí bảo trì số tiền là bao nhiêu?,” ông Ngọc đưa ra câu hỏi.

Theo ông Trịnh Xuân Đức, Giám đốc Công ty Anh Đức, quỹ bảo trì đường bộ cần phải có lộ trình về phương thức thu như thế nào, mức phí bao nhiêu bởi doanh nghiệp phải tự bỏ vốn kinh doanh, không được vay ưu đãi nên sẽ gặp khó khăn khi thực hiện.

“Mức phí nên thu dần dần và gộp vào giá xăng hoặc thuế. Nếu thu doanh nghiệp 20 triệu đồng/tháng thì doanh nghiệp không có tiền mà đóng,” ông Đức khẳng định.

Hầu hết các doanh nghiệp vận tải tham dự đều kiến nghị, Bộ Giao thông Vận tải nên lùi thời hạn việc thu phí bảo trì đồng thời giảm mức thu phí xuống 60% như Hiệp hội đề xuất.

Ngoài ra, các doanh nghiệp đề xuất, ngành vận tải đang phải gồng mình “gánh” quá nhiều chi phí nên cần phải xem xét tất cả cụ thể các loại phí bảo trì, phí phương tiện. Khi thực hiện, cơ quan chức năng cũng cần phải có lộ trình để doanh nghiệp và người dân làm quen.

Đại diện các doanh nghiệp đều cho rằng, nếu có thu thì phải áp dụng công nghệ hiện đại, như thu bằng chíp hoặc qua xăng dầu, để nếu có xe nào hỏng phải nằm xưởng cũng không bị thiệt, có thể thu 1 tháng một hoặc xe đi đến đâu thu đến đó… Số tiền thu được phải được sử dụng đúng mục đích, mang lại lợi ích thiết thực nhất cho người dân.

Không đánh đồng mức phí


Bên cạnh việc thu phí bảo trì đường bộ, các doanh nghiệp cũng có ý kiến về việc xem xét đưa taxi vào loại hình vận tải hành khách công cộng và làm rõ khái niệm tách biệt giữa xe cá nhân - xe kinh doanh để không cào bằng và đánh đồng chung mức phí.

Theo đại diện taxi Hùng Vương, Bộ Giao thông Vận tải đưa taxi vào diện hộ kinh doanh cá thể, nhỏ lẻ là không đúng bản chất và tạo áp lực cho doanh nghiệp.

“Một hãng taxi có tới 300 đầu xe và 600 lao động là một tập thể lớn. Khi kinh doanh sẽ phải tính tới tất cả các chi phí vào ăn chia với lái xe. Quy mức phí bảo trì vào taxi thì doanh nghiệp sẽ lụn bại,” đại diện taxi Hùng Vương cho hay.

Đại diện Hợp tác xã taxi Nội Bài  kiến nghị, Nhà nước cần xem xét lại và đưa taxi vào diện vận tải hành khách công cộng để có chế độ, ưu đãi bởi taxi không thua kém gì với xe buýt về vận tải khách.

Đưa ra dẫn chứng, tại một số nước Châu Âu đã đưa taxi vào vận tải công công nên giá cước taxi rẻ hơn nhiều bởi khi mua xe được Nhà nước bù giá tới 40% trong khi nước ta hiện phí lại cào bằng, đặc biệt là phí trước bạ cao.

Theo các hãng taxi, xe taxi không mong được ưu ái như xe buýt nhưng cũng mong sự công bằng bởi taxi phục vụ chở hàng vạn lượt khách công cộng. Còn ôtô vận tải phục vụ đời sống dân sinh nên cần phải làm tách bạch rõ ràng đâu là xe cá nhân-xe kinh doanh để không cào bằng và quy chụp cùng một mức phí.

Theo ông Nguyễn Hồng Quân, Chủ tịch Hội đồng quản trị taxi Thành Công, việc cấm taxi, xe du lịch đi lại trong một số tuyến phố là không thể chấp nhận được.

“Taxi là phương tiện phục vụ tận nhà người dân, phục vụ 24/24, bây giờ cấm đi vào tuyến phố thì phục vụ người dân thế nào? Có ai đi bộ ra đầu phố để đi xe taxi? Thêm nữa, taxi cấm vào các tuyến phố trong khi đó xe buýt cồng kềnh lại được ưu tiên như thế là bất hợp lý!”, ông Quân nói.

Hiện nay, các phương án thu quỹ này vẫn đang được các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu để đưa ra phương án hợp  lý nhất./.

Diệu Linh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục