Sắp xếp hợp lý số cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập huyện, xã

Về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021, nhiều đại biểu quan tâm đến việc sắp xếp cán bộ, công chức và thực hiện chế độ chính sách dôi dư.
Sắp xếp hợp lý số cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập huyện, xã ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 24/1, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021.

Đại diện lãnh đạo 32 tỉnh, thành phố phía Bắc tham dự hội thảo.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII một số vấn đề về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, Ban cán sự Đảng Chính phủ đã trình Bộ Chính trị Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã từ nay đến năm 2021.

Bộ Chính trị đã xem xét và ban hành Nghị quyết 37-NQ/TW, đề ra nhiều vấn đề quan trọng. Việc ban hành Nghị quyết 37-NQ/TW nhằm kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho các địa phương.

Theo Nghị quyết 37-NQ/TW, trong năm 2019 phải cơ bản hoàn thành việc sắp xếp hợp lý các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% cả hai tiêu chí về diện tích và quy mô dân số, dự kiến, cả nước có 16 đơn vị hành chính cấp huyện và 631 đơn vị hành chính cấp xã.

"Sở dĩ ngay trong năm 2019 phải sắp xếp xong số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt tiêu chuẩn là để sớm ổn định đơn vị hành chính nhằm có thời gian chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng," Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.

Theo người đứng đầu Bộ Nội vụ, để kịp thời thể chế hóa Nghị quyết 37-NQ/TW, Bộ đã khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ ban hành Kế hoạch để hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc sắp xếp, thu gọn các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt tiêu chuẩn là chủ trương lớn của Đảng. Đây là vấn đề khó, được dư luận xã hội quan tâm, có tác động lớn đến hoạt động quản lý nhà nước, cuộc sống của nhân dân, tâm tư của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các đơn vị hành chính tiến hành sắp xếp.

Gợi mở một số nội dung trọng tâm thảo luận, Bộ trưởng cho biết một trong những mục tiêu cơ bản để sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã là nhằm giảm số lượng đơn vị hành chính so với hiện nay. Do đó, chủ trương chung là khuyến khích sáp nhập các đơn vị hành chính cùng cấp với nhau và hạn chế việc điều chỉnh từ đơn vị hành chính có diện tích tự nhiên lớn, quy dân số đông sang các đơn vị hành chính chưa đạt tiêu chuẩn để đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định, không làm giảm số lượng đơn vị hành chính. Vì vậy, dự thảo nghị quyết quy định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã không đạt tiêu chuẩn bao gồm hai trường hợp. Một là nhập nguyên trạng hoặc nhập một số đơn vị hành chính chưa đạt tiêu chuẩn vào đơn vị hành chính cùng cấp liền kề; hai là điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện, xã nhập vào đơn vị hành chính cùng cấp liền kề chưa đạt tiêu chuẩn.

[Nhiều sai phạm trong bổ nhiệm cán bộ, công chức tại tỉnh Khánh Hòa]

Tuy nhiên, việc điều chỉnh địa giới hành chính là rất hạn chế, chỉ thực hiện ở một số đơn vị hành chính còn bất hợp lý. Cần phải đảm bảo yêu cầu đơn vị hành chính ở cấp huyện, cấp xã sau khi điều chỉnh địa giới vẫn đạt được tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số.

Đối với những trường hợp như thành lập mới, chia tách địa giới hành chính ở đơn vị không liên quan đến chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã thì điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII.

Dự thảo nghị quyết quy định 6 nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính chưa đạt tiêu chuẩn, 3 trường hợp không bắt buộc phải thực hiện việc sắp xếp. Theo đó, phải đảm bảo lộ trình tổng thể chung trong từng giai đoạn; thực hiện đúng quy trình, thủ tục, bảo đảm công khai, dân chủ. Ưu tiên sáp nhập, hợp nhất nguyên trạng một hoặc một số huyện, xã chưa đạt tiêu chuẩn vào đơn vị hành chính cùng cấp liền kề đã từng chia tách trước đây hoặc những nơi tương đồng về điều kiện địa lý tự nhiên, phong tục tập quán.

Khi sắp xếp, những nơi chưa đạt 50% cả 2 tiêu chí thì không nhất thiết đơn vị hành chính mới phải đủ cả 2 tiêu chí về diện tích và dân số nhưng ít nhất phải đạt 1 trong 4 điều kiện. Cụ thể là có 1 tiêu chuẩn đạt từ 100% trở lên, tiêu chuẩn còn lại đạt trên 50%; có 1 tiêu chuẩn đạt từ 200% trở lên, tiêu chuẩn còn lại đạt trên 25%; có 1 tiêu chuẩn đạt từ 300% trở lên; có cùng 3 đơn vị hành chính cùng cấp trở lên sáp nhập, hợp nhất thành 1.

Những huyện, xã không bắt buộc phải sáp nhập là những nơi có yếu tố đặc thù về điều kiện vị trí địa lý tự nhiên biệt lập như khu vực hải đảo, cù lao; có truyền thống, lịch sử hình thành và giữ ổn định từ trước năm 1945 đến nay; có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh, khu vực biên giới mà nếu sáp nhập sẽ gâp xáo trộn, tạo bất ổn. Những trường hợp này, tùy tình hình thực tế, Ủy ban Nhân dân tỉnh trình Chính phủ xem xét thực hiện sắp xếp.

Về trình tự thủ tục thông qua đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã, Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 đã quy định khá chi tiết. Vì vậy, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ cần đảm bảo phù hợp với quy định trên, vừa đơn giản hồ sơ thủ tục để tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay dự thảo nghị quyết đã quy định hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính có giảm bớt nhiều so với việc thành lập, giải thể, chia, sáp nhập, điều chỉnh đơn vị hành chính như hiện nay.

Các tỉnh, thành phố sau khi hoàn thiện hồ sơ thủ tục ở địa phương, lập một đề án chung về sáp nhập, trình cơ quan Trung ương xem xét 1 lần. Bộ, ngành sẽ không bắt buộc khảo sát thực tiễn.

Dự thảo nghị quyết đã thể chế hóa nội dung Nghị quyết 37 quy định việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động để giải quyết chế độ, chính sách dôi dư và nguồn kinh phí triển khai thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã chưa đạt tiêu chuẩn. Đây là những nội dung rất được các địa phương quan tâm, đảm bảo cho việc sắp xếp được thuận lợi, thành công.

Tại hội thảo, các ý kiến cho rằng cần thiết ban hành hai nghị quyết, một số ý kiến đề nghị làm rõ thêm đối tượng sắp xếp, ngoài số 16 huyện và 631 xã không đủ hai tiêu chuẩn về diện tích và dân số thực hiện sáp nhập, những nơi tự nguyện sáp nhập vẫn có thể thực hiện nhưng cần bám sát Nghị quyết 37-NQ/TW. Một số ý kiến cho rằng thời gian xây dựng đề án quá gấp gáp, quy trình thủ tục cần gọn, đơn giản. Vấn đề nhiều đại biểu quan tâm nhất là thực hiện sắp xếp cán bộ, công chức và thực hiện chế độ chính sách dôi dư.

Về số lượng lãnh đạo bao gồm cấp trưởng, cấp phó của đơn vị mới không vượt quá tổng số lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị tiến hành sắp xếp, sáp nhập, đại diện Sở Nội vụ Thanh Hóa cho rằng cần nghiên cứu, đề ra giải pháp cụ thể cho phù hợp với luật thì mới khả thi khi thực hiện.

Theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, thường trực Hội đồng Nhân dân cấp xã có Chủ tịch và một phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân có không quá 5 thành viên, vì vậy việc sắp xếp số lượng lãnh đạo của Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân cấp xã của đơn vị hành chính mới, nhất là cấp phó, nếu bố trí tăng thì trái luật, nếu không bố trí tăng thì rất khó giải quyết những trường hợp sau khi sáp nhập, ngoài việc số lượng cán bộ công chức tăng lên còn xem xét bố trí cho trưởng các đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nêu quan điểm, khi sắp xếp các đơn vị hành chính, số lượng cấp trưởng, cấp phó nên đảm bảo đúng quy định. Tổng số cán bộ, công chức của đơn vị mới không vượt quá tổng số cán bộ, công chức của các cơ quan, đơn vị tiến hành sắp xếp, sáp nhập và trong thời hạn 5 năm phải đảm bảo sắp xếp lại. Cũng có thể liên thông theo hướng dành tỷ lệ thích hợp để xét tuyển số cán bộ, công chức dôi dư có đủ năng lực vào các cơ quan cấp huyện, cấp tỉnh. Số không đủ điều kiện tiêu chuẩn thì giải quyết chế độ chính sách, tinh giản biên chế.

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Giang Nguyễn Trọng Nam, tạm thời nên giữ ổn định biên chế của những xã được sáp nhập. Tuy nhiên, cần có hướng chuyển số cán bộ chuyên trách dôi dư của các đoàn thể thành công chức. Với công chức và cán bộ khác, những đối tượng nào gần đủ điều kiện, thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định 108/NĐ-CP và Nghị định 113/2018/NĐ-CP.

"Công chức cấp xã lựa chọn đều qua thi tuyển, có trình độ đại học trở lên, vì vậy việc chuyển lên làm công chức cấp huyện là bình thường, không nên để khoảng cách ở đây. Tuy nhiên, có vấn đề cấp huyện cũng đang thực hiện tinh giản biên chế nên cũng không còn mấy biên chế, đây là vấn đề khó. Người có năng lực hơn thì sắp xếp, người có năng lực, trình độ thấp hơn thì vận động nghỉ và có chế độ chính sách để động viên họ,” ông Nguyễn Trọng Nam đề xuất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục