Sau 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu đã vượt 3% so với cả năm 2017

Bộ Công Thương cho rằng, quy mô xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Tính đến hết tháng 11, đã có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD.
Sau 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu đã vượt 3% so với cả năm 2017 ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Còn gần một tháng nữa mới kết thúc năm 2018, song theo Bộ Công Thương, sau 11 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã vượt gần 3% so với cả năm 2017.

[Xuất khẩu lâm sản của cả năm 2018 ước đạt 9,3 tỷ USD]

Nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, sau 11 tháng, xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 223,63 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 63,24 tỷ USD, tăng 17,2% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 160,385 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ.

Điểm nổi bật là hầu hết các mặt hàng trong nhóm công nghiệp chế biến đều đạt mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ. Đơn cử, mặt hàng Clanhke và xi măng đạt 1,135 tỷ USD, tăng 86,4%; Điện thoại và linh kiện đạt 46,14 tỷ USD, tăng 11,5% và hàng dệt may đạt 27,77 tỷ USD, tăng 17,4%.

Trong 11 tháng đầu năm, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 43,74 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là EU đạt 38,28 tỷ USD, tăng 8,8% và Trung Quốc đạt 38,13 tỷ USD, tăng 23,2%.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam sau 11 tháng ước đạt 216,82 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 86,63 tỷ USD, tăng 12,6% còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 130,19 tỷ USD, tăng 12,3%.

“Tính đến thời điểm hiện tại kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đã hoàn thành 94,5% mục tiêu xuất khẩu của năm 2018,” đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Chia sẻ thêm, theo bà Nguyễn Thị Mai Linh, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản (Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương), trong 11 tháng qua, xuất khẩu đã đạt nhiều thành tích ấn tượng, quy mô xuất khẩu tăng cao so với năm 2017.

Đáng chú ý, tăng trưởng xuất khẩu không chỉ tập trung ở các mặt hàng điện tử, máy tính… mà còn ở các mặt hàng truyền thống, có thế mạnh của nước ta nhiều năm qua như đồ gỗ, dệt may, da giày… Đây cũng là các mặt hàng tập trung nhiều doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh đó, công tác phát triển thị trường đạt kết quả tốt, doanh nghiệp đã tận dụng tốt các cơ hội và ưu đãi từ hội nhập khi các thị trường có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Việt Nam đều có tăng trưởng xuất khẩu cao như Nhật Bản tăng 11,5%; Hàn Quốc tăng 24,7%.

- Xuất khẩu sang một số thị trường trong 10 tháng đầu năm 2018:

Cả năm xuất siêu khoảng 5,9 tỷ USD

Đánh giá 11 tháng qua, Bộ Công Thương cho rằng, quy mô xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Theo đó đã có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Đáng chú ý, nhiều mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam như: Dệt may, da giày, gạo… ngày càng khẳng định vị trí trên thị trường thế giới.

Theo ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), năm 2018 riêng Hàn Quốc có sự tăng trưởng ngoạn mục với ngành dệt may Việt Nam, trung bình 9 tháng đầu năm 2018, ngành đã có tăng trưởng trên 20% tại thị trường này. Nhiều khả năng trong năm nay, Việt Nam có thể vượt Trung Quốc ở thị trường Hàn Quốc.

“Lý do rất đơn giản là chúng ta đã tận dụng rất tốt các cơ hội của Hiệp định thương mại Việt Nam-Hàn Quốc và hàng dệt may của Việt Nam cạnh tranh được với hàng Trung Quốc tại thị trường này,” ông Cao Hữu Hiếu nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, năm 2018, mặc dù phải đối diện với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại nhưng do chủ động được một phần nguồn nguyên liệu và doanh nghiệp chủ động đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm nên cả khối lượng và kim ngạch xuất khẩu đều tăng trưởng ấn tượng, dự kiến cả năm nay có thể đạt 6 triệu tấn, tăng 30% so với năm trước.

Tại cuộc họp giao ban Bộ Công Thương mới đây, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cũng đưa ra dự báo hết sức khả quan về xuất khẩu.

Theo đó, trong năm 2018 khả năng xuất khẩu sẽ đạt con số 245 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ và xuất siêu ước đạt ở mức 5,9 tỷ USD, vượt khá xa chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành Công Thương trong năm 2018 (kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8% và nhập siêu dưới 3% kim ngạch xuất khẩu).

Để đạt được kết quả trên, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng sẽ chú trọng tạo nguồn hàng có chất lượng cho sản xuất, hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm và phù hợp với nhu cầu thị trường nhập khẩu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục