Sau 5 năm, người dân châu Âu đã dần quên đi "cơn sốt" Brexit

Mặc dù nhiều người nuối tiếc về sự ra đi của Anh, nhưng Brexit đã giúp EU dễ dàng đạt được tiến bộ hơn đối với các chính sách bị đình trệ từ lâu.
Sau 5 năm, người dân châu Âu đã dần quên đi "cơn sốt" Brexit ảnh 1(Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo tờ The Guardian (Anh), đêm 23/6/2016, một cơn bão đã tràn vào Brussels (Bỉ). Mưa như trút nước, sấm chớp bao trùm trụ sở của Liên minh châu Âu.

Sau đó, trong vài giờ ngắn ngủi đã xảy ra một "tiếng sét" chính trị mà hầu như không ai có thể đoán trước được: Vương quốc Anh đã bỏ phiếu rời khỏi liên minh. 5 năm trôi qua, "cơn sốt" Brexit đã "hạ nhiệt" tại Brussels, nhưng vẫn còn dai dẳng ở London.

Chuyên gia Georg Riekeles - làm việc tại Trung tâm Chính sách châu Âu, trước đây từng là cố vấn của nhà đàm phán Brexit Michel Barnier của EU - nói: “EU không chỉ sống sót qua 'cơn sốt' mà còn tiếp tục phát triển.”

Ông cho biết trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu Brexit, “rõ ràng đã có một xu hướng theo chủ nghĩa dân túy, muốn làm tan rã liên minh," ám chỉ đến chương trình nghị sự của chính trị gia người Pháp Marine Le Pen, của Geert Wilders - chính trị gia người Hà Lan - và các nhà lãnh đạo khác của các đảng cựu hữu chống EU.

Thế nhưng, theo nghị sỹ Quốc hội Đức Bernd Lange - một nhà dân chủ xã hội - “hiện giờ, ngay cả những người theo chủ nghĩa dân túy cực hữu cũng không còn thảo luận về việc rời EU, và Frexit (việc Pháp rút khỏi EU) cũng đã biến mất. Họ chỉ đang nói rằng chúng ta cần thay đổi EU.”

EU vẫn đang gặp khó khăn bởi sự chia rẽ sâu sắc trong nhiều vấn đề, từ việc giúp đỡ người tị nạn đến khắc phục những sai sót trong liên minh tiền tệ.

[Anh hy vọng sẽ sớm đạt thỏa thuận với Liên minh châu Âu]

Nhiều quan chức nhận thấy mối đe dọa sâu sắc nhất đến từ Hungary và Ba Lan, nơi các đảng cầm quyền đang làm suy yếu các tòa án và phương tiện truyền thông độc lập, vốn được nhiều người coi là “lối thoát” nội bộ khỏi chế độ pháp quyền ở trung tâm châu Âu.

Thủ tướng Hungary Viktor Orbán đã gây ra sự phẫn nộ mới trong tuần này khi ông đề xuất cho phép quốc hội của các nước thành viên EU đình chỉ quy trình lập pháp của EU và kêu gọi xóa cụm từ “liên minh chặt chẽ hơn bao giờ hết” khỏi hiệp ước liên minh.

Ông Riekeles cho rằng trong bối cảnh đó, Brexit đã giúp EU tái khám phá sự phát triển của mình. Các nước thành viên EU nhỏ hơn đã rất ấn tượng với cách EU đứng sau Ireland trong các tranh chấp với Anh về biên giới với Bắc Ireland.

“Các quốc gia thành viên nhỏ đã nói với chúng tôi những gì đang xảy ra ở Ireland, cho chúng tôi thấy rằng khi một quốc gia có vấn đề tồn tại thì đó là vấn đề tồn tại của tất cả mọi người,” ông nói.

Cựu Bộ trưởng Pháp phụ trách vấn đề châu Âu Nathalie Loiseau nhận định rằng chính quá trình Brexit đã làm cho 27 quốc gia thành viên quan tâm đến nhau nhiều hơn.

Ông nói: “Nó khiến mọi người nhận thức rõ hơn về ý nghĩa của việc có một thị trường duy nhất, có một sân chơi bình đẳng và điều này sẽ đóng một vai trò trong tương lai của mối quan hệ giữa EU với phần còn lại của thế giới.”

Trong các cuộc đàm phán, ngay cả các nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm cũng thừa nhận rằng tiến trình Brexit đã dạy họ những điều mới mẻ về thị trường chung và liên minh thuế quan của EU.

Sự đánh giá sâu sắc về các trụ cột của EU không chỉ được củng cố bởi Brexit, mà còn cả việc doanh nhân Donald Trump đã trúng cử tổng thống Mỹ trong cùng năm đó. Trump là người muốn phá bỏ hệ thống đa phương và là người đã tuyên bố EU là kẻ thù.

Rem Korteweg, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Clingendael (Hà Lan), nói: “Để bảo vệ thị trường nội bộ, EU đã chủ động hơn và quyết đoán hơn trong các lĩnh vực kinh tế khác.”

Điều đó đã được duy trì ngay cả sau khi ông Joe Biden trở thành tổng thống Mỹ. Các nhà lãnh đạo EU đã phớt lờ những quan ngại của chính quyền Biden khi đồng ý thỏa thuận thương mại với Trung Quốc vào tháng 12/2020, mặc dù thỏa thuận này hiện giờ đã bị "đóng băng."

Trái với Mỹ, EU tìm cách tiếp cận ít đối đầu hơn với Bắc Kinh. Ông Korteweg nói: “EU rất quyết đoán và thậm chí tự tin khi nói rằng EU có câu chuyện của riêng mình để nói rằng thương mại toàn cầu sẽ phát triển như thế nào.”

Mặc dù nhiều người nuối tiếc về sự ra đi của Anh, nhưng Brexit đã giúp EU dễ dàng đạt được tiến bộ hơn đối với các chính sách bị đình trệ từ lâu. Ngay sau cuộc bỏ phiếu Brexit, EU đã kích hoạt các kế hoạch phòng thủ chung vốn vẫn "nằm trên giấy" trong nhiều năm.

Đại dịch COVID-19 cũng dẫn đến một bước đi kinh tế từng được cho là bất khả thi về mặt chính trị: vay vốn chung từ các thị trường tài chính để tài trợ cho quỹ phục hồi trị giá 800 tỷ euro.

Đối với một số người, quỹ phục hồi của EU nhấn mạnh sức mạnh của Pháp và Đức, hai chính phủ đã thúc đẩy đề xuất kế hoạch. Có lẽ, nếu phe ủng hộ nước Anh ở lại EU giành chiến thắng vào năm 2016, khó có thể tưởng tượng quỹ này sẽ hiện hữu.

Ông Koretweg nói: "Liệu quỹ phục hồi của EU có tồn tại như hiện nay? Có lẽ là không. Tôi nghĩ rằng sẽ có một sự phản kháng lớn tại London và có thể mạnh đến mức quỹ phục hồi đó sẽ bị giảm quy mô hoặc hoàn toàn không hiện hữu.”

Dường như hiện giờ, khi không còn Anh trong EU, một số việc đã được thúc đẩy dễ dàng hơn. Ông Riekeles nói: “Chúng tôi vẫn nhớ người Anh, nhưng có lẽ không nhớ quá nhiều như chúng tôi từng nghĩ”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục