Sâu bệnh đe dọa hàng trăm nghìn ha lúa ở miền Bắc

Các loại sâu bệnh đang tiếp tục gây hại trên các trà lúa ở các tỉnh miễn Bắc, với tổng  diện tích lúa nhiễm bệnh trên 168.000ha.
Hiện nay, các loại sâu bệnh hại lúa như lùn sọc đen, rầy và khô vằn tiếp tục gây hại hàng trăm nghìn ha lúa mùa các tỉnh phía Bắc.

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, đáng chú ý  nhất là bệnh khô vằn đang gây hại mạnh trên hầu hết các trà lúa, diện tích nhiễm cao hơn so với năm trước.

Đối với bệnh lùn sọc đen, tổng diện tích nhiễm bệnh hiện tại trên đồng ruộng hơn 15.300ha, trong đó diện tích nhiễm nhẹ trên 10.000ha, diện tích nhiễm nặng gần 2.000ha.

Bệnh khô vằn tiếp tục gây hại mạnh trên các trà lúa, với tỷ lệ bệnh phổ biến 5-10%, cá biệt là 70-80%. Bệnh khô vằn tập trung nhiều tại đồng ruộng các tỉnh như Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Hải Dương, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên...

Tại các tỉnh trên, tổng diện tích lúa nhiễm bệnh trên 168.000ha, trong đó nhiễm nặng gần 10.000ha. Hiện các tỉnh đã phun thuốc phòng trừ được khoảng 200.000ha.

Trên lúa chính vụ, hơn 110.000ha lúa nhiễm rầy các loại, trong đó nhiễm nặng khoảng 31.500 ha; mật độ nhiễm phổ biến 300-500 con/m2, cá biệt có nơi 10.000-20.000 con/m2, gây cháy nhiều ổ tại các tỉnh Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An…

Ngoài ra, trên đồng ruộng còn có các đối tượng gây hại khác đáng chú ý như chuột gây hại 15.000ha lúa trên các chân ruộng cạn nước, bọ xít dài hại cục bộ ở các tỉnh miền núi...

Cục Bảo vệ thực vật đang chỉ đạo các đơn vị trong ngành phối hợp cùng các địa phương tăng cường kiểm tra giám sát, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh lùn sọc đen và các bệnh virus khác trên đồng ruộng; đồng thời hướng dẫn nông dân tập trung phòng trừ bệnh lùn sọc đen trên lúa mùa trung và muộn, vùi gốc rạ ngay sau khi gặt và tiêu hủy nguồn bệnh để chuẩn bị tốt cho sản xuất ngô vụ Đông.

Đối với phòng trừ bệnh khô vằn, nông dân cần vệ sinh đồng ruộng, hủy bỏ tàn dư, cày sâu vùi lấp.

Theo hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật, khi mới nhiễm bệnh ngừng bón phân đạm, người dân cần tháo cạn nước phơi ruộng vài ngày xong mới tháo nước vào. Đặc biệt, phun thuốc kịp thời khi bệnh mới xuất hiện từ 1-2 lần (cách nhau 5-7 ngày) bằng các loại thuốc đặc hiệu.../.

Hoàng Tùng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục