Tha hương mưu sinh, mất nhà cửa ruộng vườn sau lũ dữ… chỉ là một phần câu chuyện mà chúng tôi đã được nghe, được thấy ở khúc ruột miền Trung lam lũ. Đằng sau đó, còn là những ám ảnh khôn nguôi và những nỗi đau chưa bao giờ dứt.
Mưa lây phây bất ngờ đổ xuống. Gió từ phía cánh đồng trước mặt thông thống thổi thẳng vào căn nhà xiêu vẹo, thôn Vinh Quang (Tùng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) mà mấy chục năm nay, 6 người phụ nữ vẫn cứ chở che nhau để sống. Bần thần nhìn ra khoảng sân giờ đã ướt rượt, chị Nguyễn Thị Phúc thở dài: “Cả nhà ni, ngoài mẹ già đã 81 tuổi, lúc nhớ lúc quên, ba em gái tôi, đều đã lớn mà vẫn cứ ngẩn ngơ, chẳng biết làm gì.”
Là người “tỉnh” nhất, trước ngày lũ đến, người đàn bà 60 tuổi ngồi trước mặt chúng tôi lúc này dù đã oằn mình làm lụng nhưng cái nghèo vẫn chẳng buông tha. Bản thân chị, trong những năm đi thanh niên xung phong, cũng mang theo một chiếc chân bị tật về nhà.
“Nói là làm rứa, nhưng cũng chỉ quẩn quanh đi giúp việc người ta để thêm đồng ra đồng vào thôi,” chị buồn rầu.
Ngó khắp, căn nhà chỉ độc có chiếc hòm xi măng được xây để đựng thóc là có giá. Người mẹ già và ba cô gái thì vẫn cứ ngẩn ngơ trên chiếc giường ọp ẹp duy nhất.
Ngày nước sông Nghèn nổi sóng, một mình chị phải cõng mẹ và các em lên tràn tránh lụt. Vừa cõng người, vừa đắng lòng nhìn bể thóc ngập dần, mất dấu dần trong nước. Đau đớn nhất, lũ thì cứ dâng, người mẹ già cứ nức nở khóc, còn bầy em đã lớn lại nhìn mưa mà hềnh hệch cười.
“Xót lắm chú ơi. Đứa bé nhất năm nay cũng gần 40 mà có biết cái chi. Chưa năm nào nước vô lớn thế, chúng thấy lạ nên thích chí thôi,” chị Phúc rân rấn khóc.
Ngày Vinh Quang ráo nước, 5 người đàn bà lầm lũi trèo từ trên tràn trở xuống thì căn nhà đã tan hoang. Thóc ướt, đồ đạc trôi, đến bộ chăn màn dành cho bà cụ cũng bị cuốn mất. Mặc dù gia đình đã nhận được sự hỗ trợ từ huyện Can Lộc, nhưng giờ ruộng vườn sạch trắng, số gạo cứu đói cũng chỉ đủ qua hơn mộttháng nữa là hết. “Lúc rứa, chúng tôi lại quay về ăn thóc đã lên mầm cứu được trong lũ hết.”
Nghẹn ngào, chị Phúc chia sẻ: “Gọi tôi là trụ cột trong nhà cũng được, mà bảo cả nhà ni không ai đủ sức làm gì cũng xong. Đêm nằm, chỉ cần nghĩ đến ngày mai là tôi lại khóc.”
Nói đoạn, chị bảo, thóc giống cho vụ mới đã mua rồi, nhưng không ai cấy cày được. Muốn làm, chị sẽ phải thuê người, ngặt nỗi tiền không có, tương lai vẫn cứ mịt mù với gia đình “ngẩn ngơ” đó.
Tiếp tục đi sâu hơn vào xã Thuần Thiện, Can Lộc, chúng tôi càng tái lòng trước hơn những gì được thấy. Ngày vào lại nhà anh Lê Văn Sự, người đã bị thiệt mạng trong đợt lũ thứ hai tại Hà Tĩnh cũng là ngày đứa con sinh trong ngày cha mất đầy một tháng tuổi. Cô chị lớn Lê Thị Nhật An tay bế em, nhưng mắt vẫn đỏ hoe vì nước mắt.
Ông Lê Văn Vịnh, anh trai anh Sự cũng là người đã cưu mang đùm bọc bầy cháu nhỏ tâm sự: “Giờ, nhà hắn chỉ còn 6 mẹ con, toàn là phụ nữ với trẻ nhỏ. Đứa lớn nhất cũng chỉ mới hơn 20, lại đi làm thuê tận Sài Gòn. Cơ cực lắm chú ạ.”
Căn nhà nhỏ sau ngày Sự ra đi được chia làm hai góc, bên ngoài, bàn thờ cha vẫn nghi ngút hương, bên trong đứa con út oe oe nằm khóc. Theo bà Võ Thị Tâm, bác gái của bầy nhỏ, nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng, giờ cả nhà không phải lo cái ăn, cái mặc. Nhưng, về lâu dài, mấy mẹ con sẽ phải oằn mình gánh gồng trả nợ thay cha. Tính cả tiền vay ngân hàng mua bò giống và tiền xây nhà, cả gia đình nhỏ ấy phải vác trê vai hơn 30 triệu.
“Chừ cũng chỉ biết ‘chống chèo’ qua ngày, chứ nỏ ai dám nghĩ dài hơn,” bà Tâm thở dài.
Đi sâu hơn 200km nữa vào miền cát trắng Quảng Bình, chúng tôi đến thôn 3, Kim Bảng, xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa. Đây là một trong những địa phương chìm sâu nhất trong đợt lũ tháng 10 vừa qua.
Nhìn căn nhà cũ giờ chỉ còn lại là một đống đổ nát, anh Cao Tiến Dũng không giấu nổi nỗi nước mắt. Anh kể, khi nước dâng lên, anh vẫn đang làm mướn trong Sài Gòn. Ở nhà chỉ có vợ là chị Cao Thị Thu Hoài và 2 đứa con nhỏ.
“Chạy người còn nỏ xong, có ai dám nghĩ gì đến nhà cửa đâu. Lúc quay lại thì chúng tôi đã nỏ mần chi để ở,” anh Dũng than thở.
Hơn một tháng sau lũ, gia đình 4 người ấy hết tá túc anh em họ hàng rồi lại chuyển đến ở trong nhà văn hóa chung của thôn. Dó quá khó khăn, nên người con trai lớn Cao Kim Chung đã phải bỏ học giữa chừng. Cả gia đình vẫn cứ phải trông vào từng chuyến hàng cứu trợ để sống.
Có hộ, sau khi nước rút tìm về nhà cũ thì chỉ thấy bốn cây cọc đứng chơ vơ, toàn bộ tường bị xô bay biến. Những hộ khác chỉ bị cuốn đồ đạc, giờ cũng phải cho bán những cánh rừng bạch đàn, nương sắn còn sót lại của mình để có tiền sắm sửa. Sau lũ, đến căn nhà họ cũng chưa dựng lại được, nên chẳng ai dám nghĩ đến tương lai xa hơn nữa.
Ông Cao Văn Lục, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình tâm sự: “Chừ, cả xã có 621 hộ thì có thể nói hộ nào cũng nghèo khó, vất vả như nhau. Nhưng, còn người là còn tất cả. Chúng tôi sẽ dựng lại cuộc sống trên chính quê hương mình"./.
Mưa lây phây bất ngờ đổ xuống. Gió từ phía cánh đồng trước mặt thông thống thổi thẳng vào căn nhà xiêu vẹo, thôn Vinh Quang (Tùng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) mà mấy chục năm nay, 6 người phụ nữ vẫn cứ chở che nhau để sống. Bần thần nhìn ra khoảng sân giờ đã ướt rượt, chị Nguyễn Thị Phúc thở dài: “Cả nhà ni, ngoài mẹ già đã 81 tuổi, lúc nhớ lúc quên, ba em gái tôi, đều đã lớn mà vẫn cứ ngẩn ngơ, chẳng biết làm gì.”
Là người “tỉnh” nhất, trước ngày lũ đến, người đàn bà 60 tuổi ngồi trước mặt chúng tôi lúc này dù đã oằn mình làm lụng nhưng cái nghèo vẫn chẳng buông tha. Bản thân chị, trong những năm đi thanh niên xung phong, cũng mang theo một chiếc chân bị tật về nhà.
“Nói là làm rứa, nhưng cũng chỉ quẩn quanh đi giúp việc người ta để thêm đồng ra đồng vào thôi,” chị buồn rầu.
Ngó khắp, căn nhà chỉ độc có chiếc hòm xi măng được xây để đựng thóc là có giá. Người mẹ già và ba cô gái thì vẫn cứ ngẩn ngơ trên chiếc giường ọp ẹp duy nhất.
Ngày nước sông Nghèn nổi sóng, một mình chị phải cõng mẹ và các em lên tràn tránh lụt. Vừa cõng người, vừa đắng lòng nhìn bể thóc ngập dần, mất dấu dần trong nước. Đau đớn nhất, lũ thì cứ dâng, người mẹ già cứ nức nở khóc, còn bầy em đã lớn lại nhìn mưa mà hềnh hệch cười.
“Xót lắm chú ơi. Đứa bé nhất năm nay cũng gần 40 mà có biết cái chi. Chưa năm nào nước vô lớn thế, chúng thấy lạ nên thích chí thôi,” chị Phúc rân rấn khóc.
Ngày Vinh Quang ráo nước, 5 người đàn bà lầm lũi trèo từ trên tràn trở xuống thì căn nhà đã tan hoang. Thóc ướt, đồ đạc trôi, đến bộ chăn màn dành cho bà cụ cũng bị cuốn mất. Mặc dù gia đình đã nhận được sự hỗ trợ từ huyện Can Lộc, nhưng giờ ruộng vườn sạch trắng, số gạo cứu đói cũng chỉ đủ qua hơn mộttháng nữa là hết. “Lúc rứa, chúng tôi lại quay về ăn thóc đã lên mầm cứu được trong lũ hết.”
Nghẹn ngào, chị Phúc chia sẻ: “Gọi tôi là trụ cột trong nhà cũng được, mà bảo cả nhà ni không ai đủ sức làm gì cũng xong. Đêm nằm, chỉ cần nghĩ đến ngày mai là tôi lại khóc.”
Nói đoạn, chị bảo, thóc giống cho vụ mới đã mua rồi, nhưng không ai cấy cày được. Muốn làm, chị sẽ phải thuê người, ngặt nỗi tiền không có, tương lai vẫn cứ mịt mù với gia đình “ngẩn ngơ” đó.
Tiếp tục đi sâu hơn vào xã Thuần Thiện, Can Lộc, chúng tôi càng tái lòng trước hơn những gì được thấy. Ngày vào lại nhà anh Lê Văn Sự, người đã bị thiệt mạng trong đợt lũ thứ hai tại Hà Tĩnh cũng là ngày đứa con sinh trong ngày cha mất đầy một tháng tuổi. Cô chị lớn Lê Thị Nhật An tay bế em, nhưng mắt vẫn đỏ hoe vì nước mắt.
Ông Lê Văn Vịnh, anh trai anh Sự cũng là người đã cưu mang đùm bọc bầy cháu nhỏ tâm sự: “Giờ, nhà hắn chỉ còn 6 mẹ con, toàn là phụ nữ với trẻ nhỏ. Đứa lớn nhất cũng chỉ mới hơn 20, lại đi làm thuê tận Sài Gòn. Cơ cực lắm chú ạ.”
Căn nhà nhỏ sau ngày Sự ra đi được chia làm hai góc, bên ngoài, bàn thờ cha vẫn nghi ngút hương, bên trong đứa con út oe oe nằm khóc. Theo bà Võ Thị Tâm, bác gái của bầy nhỏ, nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng, giờ cả nhà không phải lo cái ăn, cái mặc. Nhưng, về lâu dài, mấy mẹ con sẽ phải oằn mình gánh gồng trả nợ thay cha. Tính cả tiền vay ngân hàng mua bò giống và tiền xây nhà, cả gia đình nhỏ ấy phải vác trê vai hơn 30 triệu.
“Chừ cũng chỉ biết ‘chống chèo’ qua ngày, chứ nỏ ai dám nghĩ dài hơn,” bà Tâm thở dài.
Đi sâu hơn 200km nữa vào miền cát trắng Quảng Bình, chúng tôi đến thôn 3, Kim Bảng, xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa. Đây là một trong những địa phương chìm sâu nhất trong đợt lũ tháng 10 vừa qua.
Nhìn căn nhà cũ giờ chỉ còn lại là một đống đổ nát, anh Cao Tiến Dũng không giấu nổi nỗi nước mắt. Anh kể, khi nước dâng lên, anh vẫn đang làm mướn trong Sài Gòn. Ở nhà chỉ có vợ là chị Cao Thị Thu Hoài và 2 đứa con nhỏ.
“Chạy người còn nỏ xong, có ai dám nghĩ gì đến nhà cửa đâu. Lúc quay lại thì chúng tôi đã nỏ mần chi để ở,” anh Dũng than thở.
Hơn một tháng sau lũ, gia đình 4 người ấy hết tá túc anh em họ hàng rồi lại chuyển đến ở trong nhà văn hóa chung của thôn. Dó quá khó khăn, nên người con trai lớn Cao Kim Chung đã phải bỏ học giữa chừng. Cả gia đình vẫn cứ phải trông vào từng chuyến hàng cứu trợ để sống.
Có hộ, sau khi nước rút tìm về nhà cũ thì chỉ thấy bốn cây cọc đứng chơ vơ, toàn bộ tường bị xô bay biến. Những hộ khác chỉ bị cuốn đồ đạc, giờ cũng phải cho bán những cánh rừng bạch đàn, nương sắn còn sót lại của mình để có tiền sắm sửa. Sau lũ, đến căn nhà họ cũng chưa dựng lại được, nên chẳng ai dám nghĩ đến tương lai xa hơn nữa.
Ông Cao Văn Lục, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình tâm sự: “Chừ, cả xã có 621 hộ thì có thể nói hộ nào cũng nghèo khó, vất vả như nhau. Nhưng, còn người là còn tất cả. Chúng tôi sẽ dựng lại cuộc sống trên chính quê hương mình"./.
Dũng Hùng Bách (Vietnam+)