Sáu tháng đầu năm đầy “sóng gió” cho các thị trường toàn cầu

Trong nửa đầu năm 2022, đã có 13.000 tỷ USD bị cuốn bay khỏi thị trường chứng khoán thế giới, đồng yen giảm 15,5% và giá hàng hóa đang tăng mạnh nhất kể từ Thế chiến thứ nhất.
Sáu tháng đầu năm đầy “sóng gió” cho các thị trường toàn cầu ảnh 1Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang bước vào chu kỳ tăng lãi suất nhanh nhất kể từ năm 1994. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Dù giới đầu tư biết rằng sau hai năm hỗn loạn do đại dịch COVID-19, 2022 sẽ là một năm không bằng phẳng, nhưng không ai dự đoán được rằng sáu tháng vừa qua là nửa đầu năm “sóng gió” nhất mà các thị trường toàn cầu từng trải qua từ trước đến nay.

Tình hình bất ổn của nửa đầu năm nay được thể hiện rõ nét qua hai điều. Chỉ số chứng khoán thế giới MSCI tổng hợp chứng khoán của 47 quốc gia đã ghi nhận mức giảm sâu nhất trong nửa đầu năm kể từ khi ra đời vào năm 1990. Cùng lúc đó, trái phiếu chính phủ của Mỹ kỳ hạn 10 năm vừa trải qua nửa đầu năm tồi tệ nhất kể từ năm 1788.

Vì sao lại như vậy? Xung đột Nga-Ukraine đã làm trầm trọng hơn tình hình lạm phát vốn đã tăng mạnh, buộc nhiều ngân hàng trung ương lớn phải nâng lãi suất và giới chính trị gia cảnh báo về trật tự thế giới mới.

Kết quả là 13.000 tỷ USD bị cuốn bay khỏi thị trường chứng khoán thế giới, đồng yen giảm 15,5% và giá hàng hóa đang tăng mạnh nhất kể từ Thế chiến thứ nhất. Bên cạnh đó, Nga còn bị loại khỏi hệ thống tài chính toàn cầu và bị hạ xếp hạng tín dụng, thị trường tiền số và cổ phiếu trong lĩnh vực công nghệ sụt giảm mạnh, cùng với đó là những lo ngại về khả năng suy thoái ngày càng gia tăng.

Lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ, vốn là yếu tố chi phối chi phí đi vay trên toàn thế giới, đã tăng từ mức chưa đến 1,5% lên 1,8%, khiến chỉ số chứng khoán thế giới MSCI giảm 5% chỉ riêng trong tháng Một.

[Nối gót Phố Wall, chứng khoán châu Á giảm điểm trong phiên 1/7]

Lợi suất này hiện đang ở mức 3,1% và chứng khoán thế giới đã giảm 20%. Lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất thế giới thì ở mức cao nhất trong 40 năm qua, và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang bước vào chu kỳ tăng lãi suất nhanh nhất kể từ năm 1994.

Theo ngân hàng Deutsche Bank (Đức), trái phiếu chính phủ của Mỹ đã giảm hơn 13%, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1788. Trong khi đó, trái phiếu của Italy đã để mất 25% trước khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiến hành đợt nâng lãi suất đầu tiên trong hơn 10 năm qua, còn trái phiếu của các thị trường mới nổi thì giảm gần 20%.

Trên thị trường tiền tệ, đồng USD đã tăng 9% so với rổ các đồng tiền chủ chốt trong nửa đầu năm nay, và tăng 15,5% so với đồng yen, vốn đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1998.

Lạm phát và các vấn đề về mặt chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến đồng lira giảm 20%. Ai Cập, một trong những nước nhập khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã buộc phải giảm giá đồng nội tệ của mình hơn 15%.

Trong khi đó, đồng ruble của Nga tăng đến 40%. Nhưng mức tăng nay không phản ánh đúng giá trị của đồng tiền này, vì các lệnh trừng phạt của phương Tây và các biện pháp kiểm soát vốn trong nước của Nga đã khiến đồng ruble không còn được giao dịch một cách tự do nữa.

Trên thực tế, chỉ có hai đồng tiền tăng giá so với đồng USD, đó là đồng real của Brazil và đồng peso của Mexico, với các mức tăng lần lượt là 6% và 2%.

Sáu tháng đầu năm đầy “sóng gió” cho các thị trường toàn cầu ảnh 2Thị trường tiền số gặp phải nhiều đợt sóng lớn, trong đó có sự sụt giảm đến 55% trong giá trị của đồng Bitcoin trong quý vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thị trường tiền số cũng gặp phải nhiều đợt sóng lớn đến từ sự sụp đổ gần đây của các đồng TerraUSD và Luna, cũng như sự sụt giảm đến 55% trong giá trị của đồng Bitcoin trong quý vừa rồi.

Trên thị trường hàng hóa, các mức tăng 50% của giá dầu và 60% của giá khí đốt đã thúc đẩy lạm phát trên toàn cầu. Sáu tháng vừa qua là nửa đầu năm tăng mạnh nhất của giá dầu thô kể từ năm 2009. Bên cạnh đó, giá lúa mỳ tăng 20% còn giá ngô tăng 30%. Vì thế, ngân hàng Bank of America (BofA) dự đoán năm nay sẽ là năm khởi sắc nhất của thị trường hàng hóa kể từ năm 1915.

Trong khi đó, giá kim loại lại giảm sâu. Giá đồng giảm gần 20% kể từ tháng Ba, mức giảm theo quý mạnh nhất kể từ đầu năm 2020. Giá nickel và kẽm cũng giảm lần lượt 20% và 25%.

Chuyên gia về hàng hóa của BofA Michael Widmer cho rằng thị trường hàng hóa có thể còn biến động hơn nữa, chủ yếu vì tình trạng nguồn cung hạn chế. Ông cảnh báo sáu tháng tiếp theo sẽ có rất nhiều bất ổn.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn đang cố tìm thấy những điểm sáng trong bối cảnh hiện nay. Chứng khoán Trung Quốc đang trên đỉnh của thời kỳ khởi sắc, với mức tăng gần 20% kể từ đáy. Trong khi đó, chuyên gia Jim Reid của Deutsche Bank cho biết chỉ số S&P 500 của Mỹ đều phục hồi mạnh mẽ sau năm đợt nửa đầu năm tồi tệ nhất trước đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục