Sau Vietin Bank, BIDV tiếp tục đề nghị được giữ cổ tức để tăng vốn

Việc cho phép BIDV và VietinBank được giữ lại phần lợi nhuận này để tăng vốn sẽ đem lại những lợi ích dài hạn như đáp ứng nhu cầu tín dụng lớn của các ngành kinh tế, hạ tầng kỹ thuật, giao thông.
Sau Vietin Bank, BIDV tiếp tục đề nghị được giữ cổ tức để tăng vốn ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Mới đây, Bộ Tài chính tiếp tục lên tiếng khẳng định việc đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước tại BIDV và VietinBank biểu quyết chia cổ tức năm tài chính 2015 bằng tiền mặt và nộp về ngân sách là đúng luật.

Ngay sau đó, Trung tâm nghiên cứu của BIDV đã đưa ra một bản báo cáo đề xuất một loạt giải pháp cần thực hiện ngay để tăng vốn cho khối ngân hàng thương mại nhà nước; trong đó nổi bật là đề xuất cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước được sử dụng nguồn cổ tức để tăng vốn thay vì nộp về ngân sách nhà nước.

[Bộ Tài chính lên tiếng vụ yêu cầu BIDV, Vietinbank chia cổ tức]

Hệ số an toàn vốn đang suy giảm nghiêm trọng

Theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu BIDV, đến hết năm 2015, khu vực ngân hàng đang chiếm 75% tổng tài sản hệ thống tài chính, trong đó tổng dư nợ tín dụng hệ thống cung cấp cho nền kinh tế lên tới 4.656 nghìn tỷ đồng, bằng 111% GDP.

Các ngân hàng thương mại Nhà nước đã tích cực tham gia vào tái cơ cấu ngành ngân hàng, tiên phong trong thực hiện các chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước như giảm lãi suất và đóng vai trò chính trong phát triển các dự án, chương trình kinh tế lớn.

Tuy nhiên, năng lực tài chính của khối ngân hàng thương mại nhà nước thể hiện qua hệ số an toàn vốn (CAR) bị suy giảm nghiêm trọng. Cụ thể giai đoạn 2011 - 2015, tài sản có rủi ro của khối tăng trưởng trung bình ở mức 19,4%/năm, cao hơn mức tăng 15,43%/năm của vốn tự có, dẫn đến CAR của khối giảm từ mức 10,8% năm 2011 xuống mức 9,4% hiện nay - gần chạm ngưỡng tối thiểu 9% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Mức này đã thấp hơn bình quân của ASEAN là 10,3%, đồng thời tiêu chuẩn tính của Việt Nam thấp hơn. Nguyên nhân do khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại nhà nước bị co hẹp. Tỷ lệ lãi cận biên - NIM (đã trừ dự phòng rủi ro) từ mức 2,5% năm 2011 giảm còn 2,2% năm 2012 và tiếp tục giảm xuống mức 1,7-1,8% giai đoạn 2013-2015.

Báo cáo chỉ ra rằng các ngân hàng thương mại nhà nước đang gặp nhiều trở ngại khi thực hiện các giải pháp tăng vốn để đảm bảo năng lực tài chính.

Đơn cử như trong giai đoạn 2013-2014, theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước, toàn bộ cổ tức của ngân hàng thương mại nhà nước không được sử dụng để gia tăng năng lực tài chính của ngân hàng phải chuyển nộp về ngân sách nhà nước.

Trong điều kiện các giải pháp tăng vốn khác chưa thực hiện được ngay thì việc tăng vốn từ nguồn lợi nhuận tạo ra của năm 2015 và 2016 là giải pháp thuận lợi nhất cho các ngân hàng. Tuy vậy, giải pháp này đang gặp vướng mắc khi Bộ Tài chính, qua Thông tư 61/2016/TT-BTC, yêu cầu phải chuyển toàn bộ cổ tức của cổ đông nhà nước về ngân sách Nhà nước.

“Nếu xảy ra, có vẻ như vai trò cổ đông của nhà nước tại các ngân hàng thương mại nhà nước đang chưa thực sự chuyên nghiệp và điều này có thể ảnh hưởng đến cổ đông hiện hữu khác cũng như việc thu hút cổ đông mới trong tương lai. Ở khía cạnh khác, dường như các ngân hàng thương mại nhà nước ngoài chức năng thực hiện chính sách tiền tệ vốn đã rất nặng nề đang phải gánh thêm áp lực từ chính sách tài khóa," báo cáo viết.

Từ những phân tích trên, BIDV đưa ra 2 trường hợp có thể xảy ra. Thứ nhất, nếu vốn tự có của khối ngân hàng thương mại nhà nước không được tăng trong năm 2016 (tương ứng với việc nhà nước thu về toàn bộ cổ tức năm 2015), vốn tự có của khối sẽ ở mức bằng năm 2015 là 203.000 tỷ đồng. Theo đó, khả năng tăng trưởng tài sản có rủi ro còn lại chỉ là 101.000 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng trưởng 4,67% so với năm 2015 và tăng trưởng tín dụng ở mức 7 - 8% năm 2016. Khi đó, dư nợ tín dụng mỗi năm bị thiếu hụt mất 280.000 tỷ đồng, kéo theo tăng trưởng GDP giai đoạn 2016 - 2020 sẽ chỉ ở mức 6,05 - 6,4%/năm.

Thứ hai, vốn tự có của khối ngân hàng thương mại nhà nước tăng lên từ nguồn lợi nhuận giữ lại với ước tính ở mức 8,34%/năm (căn cứ theo mức tăng vốn tự có của khối ngân hàng thương mại cổ phần giai đoạn 2011 - 2015), không có nguồn tăng vốn bổ sung từ bên ngoài. Vốn tự có của khối năm 2016 hơn 220.000 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng tín dụng ở mức 15-16%, dự kiến tăng trưởng GDP giai đoạn 2016 - 2020 sẽ chỉ ở mức 6,3 - 6,7%/năm.

Bên cạnh đó, việc tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với yêu cầu còn có ảnh hưởng trực tiếp làm thu lãi tín dụng và lợi nhuận của khối ngân hàng thương mại nhà nước, từ đó làm giảm thuế nộp ngân sách, giảm thu nhập của người lao động. Theo tính toán, việc tăng trưởng tín dụng giảm so với yêu cầu ở mức 5 - 10% trong vòng 5 năm (2016 - 2020) sẽ làm giảm thu của ngân sách khoảng 1.800 - 5.000 tỷ đồng tiền thuế.

Sau Vietin Bank, BIDV tiếp tục đề nghị được giữ cổ tức để tăng vốn ảnh 2Giao dịch tại BIDV. (Nguồn: TTXVN)

Lợi ích của việc tăng vốn

Theo các chuyên gia của BIDV, việc tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước đem đến những lợi ích đối với các ngân hàng được tăng vốn nói riêng và đối với nền kinh tế nói chung. Năm 2015, BIDV và VietinBank không trả cổ tức bằng tiền mặt, tương đương với việc ngân sách Nhà nước giảm thu khoảng 4.700 tỷ đồng từ nguồn cổ tức trong năm 2016 - chiếm một phần nhỏ khoảng 0,45% tổng thu ngân sách Nhà nước, tuy nhiên việc cho phép BIDV và VietinBank được giữ lại phần lợi nhuận này để tăng vốn sẽ đem lại những lợi ích dài hạn hơn.

Cụ thể, việc tăng vốn sẽ giúp các ngân hàng thương mại nhà nước đáp ứng yêu cầu theo thông lệ quốc tế về quản trị ngân hàng, định hạng tín nhiệm, cũng như chấp hành quy định của pháp luật hiện hành về đảm bảo an toàn vốn; tạo điều kiện mở rộng tín dụng, phục vụ tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu tín dụng lớn của các ngành kinh tế, hạ tầng kỹ thuật, giao thông, viễn thông..., đầu tư vào các lĩnh vực, ngành nghề, vùng miền không có hoặc ít có lợi ích kinh tế trực tiếp.

Báo cáo cũng nhấn mạnh, chỉ tính riêng việc tăng thêm 4.700 tỷ đồng vốn tự có cho BIDV và VietinBank, khả năng sẽ mở rộng được thêm khoảng 50.000 nghìn tỷ đồng tín dụng cho nền kinh tế.

"Khi cổ đông Nhà nước cho phép giữ lại phần cổ tức đó để đầu tư cho tương lai, thể hiện tầm nhìn chiến lược dài hơi. Đây cũng là điểm tích cực đối với nhà đầu tư tài chính hoặc đầu tư chiến lược, khi cân nhắc đầu tư/mua cổ phần tại các ngân hàng thương mại nhà nước," báo cáo nhấn mạnh.

BIDV đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính chấp thuận cho các ngân hàng thương mại nhà nước được cân đối và quyết định việc sử dụng nguồn cổ tức các năm để tăng vốn cho năm sau qua hình thức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu tùy thuộc vào năng lực tài chính và điều kiện của ngân hàng.

Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại nhà nước phát hành trái phiếu tăng vốn (được tính vào vốn tự có phần giá trị trái phiếu tối đa bằng 50% vốn cấp 1), đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa hoặc thu hút nhà đầu tư tài chính, đầu tư chiến lược.

Ngoài ra, Chính phủ giảm sở hữu tại các ngân hàng thương mại nhà nước về ở mức tối đa 51% đến năm 2018 nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại nhà nước thu hút thêm vốn từ nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài, từ đó nâng cao năng lực tài chính và tranh thủ tiếp cận công nghệ hiện đại, trình độ quản trị tiên tiến của các nhà đầu tư nước ngoài./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục