Saudi Arabia có khả năng nổi lên mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19

Dù 2020 sẽ được nhớ đến là một năm đổ vỡ đối với các quốc gia dầu mỏ, song về dài hạn ít nhất một quốc gia sẽ có khả năng nổi lên mạnh mẽ từ sau đại dịch. Đó chính Saudi Arabia.
Saudi Arabia có khả năng nổi lên mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19 ảnh 1Một cơ sở khai thác dầu tại Jubail, Saudi Arabia. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong bối cảnh có khoảng 4 tỷ người trên toàn thế giới thực hiện giãn cách xã hội khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan mạnh, nhu cầu tiêu thụ xăng, nhiên liệu máy bay và các sản phẩm dầu mỏ khác đang “rơi tự do” cùng với giá dầu.

Các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu “vàng đen” đang quay cuồng trong bài toán nguồn cung và nhu cầu.

Tại Mỹ, số lượng giàn khoan khai thác dầu mỏ đã giảm mạnh 50% trong vòng hai tháng qua, gần 40% nhà sản xuất dầu mỏ có thể mất khả năng thanh toán trong năm nay và 220.000 công nhân trong ngành dầu khí đối mặt với nguy cơ mất việc làm.

Trên khắp thế giới, các nhà sản xuất “vàng đen” từ Nigeria, Iraq cho đến Kazakhstan gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí Venezuela đang phải đối mặt với “vực thẳm” kinh tế và xã hội.

Tiềm lực tài chính mạnh mẽ

Theo bài phân tích trên tạp chí Foreign Policy, mặc dù năm 2020 sẽ được nhớ đến là một năm đổ vỡ đối với các quốc gia dầu mỏ, song về dài hạn ít nhất một quốc gia sẽ có khả năng nổi lên mạnh mẽ từ sau đại dịch, cả về kinh tế và địa-chính trị. Đó chính là Saudi Arabia.

Trước hết, Saudi Arabia đang chứng minh rằng tiềm lực tài chính của họ trong dài hạn có thể giúp đất nước vượt qua “cơn bão” khủng hoảng. Giá dầu thấp, tất nhiên sẽ gây tổn hại đối với một quốc gia vốn cần duy trì mức giá khoảng 80 USD/thùng để cân bằng ngân sách công.

[Saudi Arabia hối thúc OPEC+ cắt giảm thêm sản lượng khai thác]

Đây cũng là lý do vì sao hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s mới đây quyết định hạ triển vọng tài chính của Saudi Arabia. Quốc gia này đã thâm hụt ngân sách 9 tỷ USD trong quý 1/2020.

Giống như các nước khác, vương quốc dầu mỏ này cũng chứng kiến nguồn thu thuế giảm khi phải áp dụng các hạn chế kinh tế để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia Mohammed al-Jadaan nói rằng chi ngân sách quốc gia cần phải cắt giảm nhiều hơn và một phần trong kế hoạch đa dạng hóa nền kinh tế có tên gọi “Tầm nhìn 2030” sẽ bị trì hoãn.

Tuy nhiên, không giống như hầu hết các nhà sản xuất dầu mỏ khác, Saudi Arabia không chỉ có nguồn dự trữ ngoại hối đủ mạnh, mà còn chứng minh được khả năng vay vốn của mình.

Ngày 22/4 vừa qua, Bộ Tài chính Saudi Arabia tuyên bố vương quốc này có thể vay tới 58 tỷ USD trong năm 2020. So với hầu hết các nền kinh tế khác, Saudi Arabia có tỷ lệ nợ/GDP tương đối thấp. Con số này ở mức 24% vào cuối năm 2019, cho dù đã tăng lên thời gian gần đây.

Trong khi đó, với 474 tỷ USD dự trữ ngoại hối do ngân hàng trung ương nắm giữ, Saudi Arabia vẫn có tâm thế thoải mới khi vượt xa mức dự trữ ngoại hối 300 tỷ USD, con số mà các chuyên gia coi là tối thiểu để Saudi Arabia có thể bảo vệ đồng nội tệ riyal của mình.

Thứ hai, một khi thị trường “vàng đen” ổn định trở lại, Saudi Arabia sẽ chứng kiến doanh thu dầu mỏ cao hơn và thị phần lớn hơn.

Vụ hạ giá dầu mỏ trước đó vô tình tạo cơ sở cho sự bùng nổ về giá trong những năm tới, đem lại nguồn thu tốt hơn cho Saudi Arabia.

Mặc dù triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ trong tương lai là không chắc chắn, song nếu nhìn xa hơn cuộc khủng hoảng trước mắt, nhu cầu có thể sẽ tăng nhanh hơn nguồn cung.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ dự báo nhu cầu dầu thế giới sẽ trở lại mức trước đại dịch vào cuối năm 2020, nếu dịch bệnh được kiểm soát.

Đồng quan điểm, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng duy trì sự lạc quan nhất định, dự báo nhu cầu chỉ thấp hơn 2-3% vào cuối năm so với mức trung bình năm 2019 là 100 triệu thùng/thùng ngày.

Nếu các biện pháp kiểm soát để ngăn chặn mầm bệnh tồn tại lâu hơn dự kiến hoặc có một đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ hai, quá trình phục hồi sẽ mất nhiều thời gian hơn, song hầu hết các kịch bản lạc quan vẫn trông đợi nhu cầu cuối cùng sẽ phục hồi.

Một điểm đáng chú ý khác là lối sống thay đổi có thể làm giảm nhu cầu tiêu thụ “vàng đen” trong tương lai, song dữ liệu cho thấy thế giới nên thận trọng trước những dự đoán về sự thay đổi vĩnh viễn về nhu cầu.

Ví dụ, ở Trung Quốc, việc đi lại bằng ô tô và vận chuyển bằng xe tải đã gần quay trở lại mức năm ngoái, mặc dù du lịch và vận tải hàng không (vốn chiếm 8% nhu cầu dầu mỏ thế giới) hiện vẫn giảm mạnh.

Tuy nhiên, nhu cầu thực sự có thể tăng mạnh khi người tiêu dùng quyết định chuyển sang sử dụng xe hơi cá nhân nếu điều đó khiến họ cảm thấy an toàn hơn so với sử dụng giao thông công cộng.

Bên cạnh đó, những dự đoán rằng nhu cầu dầu mỏ sẽ được điều chỉnh cùng các chính sách chống biến đổi khí hậu có thể chưa xảy ra sớm.

Khủng hoảng kinh tế nảy sinh từ những rủi ro của đại dịch làm suy yếu tham vọng chính sách môi trường, cũng như sự chuyển dịch sang chủ nghĩa biệt lập và hoài nghi mô hình hợp tác toàn cầu có thể tạo ra những rào cản đối với các chính sách chống biến đổi khí hậu.

Saudi Arabia có khả năng nổi lên mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19 ảnh 2Người dân mua sắm tại khu chợ Tiba ở Riyadh, Saudi Arabia. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngược lại, nguồn cung dầu sẽ mất nhiều thời gian hơn để quay trở lại các mức trước đây do sản xuất đình trệ, đầu tư vào nguồn cung mới bị hủy bỏ và cuộc cách mạng dầu đá phiến của Mỹ phát triển chậm lại.

Tình trạng dư thừa dầu mỏ do dịch bệnh làm giảm nhu cầu tiêu thụ đã đẩy hoạt động lưu trữ dầu toàn cầu đến điểm giới hạn.

Các kho dự trữ chiến lược trên đất liền dự báo sẽ sớm lấp đầy trong tháng Năm này và một số lượng lớn các giếng dầu sẽ phải ngừng hoạt động.

Một phần nguồn cung này có thể sẽ không bao giờ phục hồi, trong khi một số khác sẽ cần nhiều thời gian và vốn đầu tư đáng kể để đưa sản lượng quay trở lại.

Các công ty dầu khí lớn như Chevron và Exxon Mobil cũng đã cắt giảm chi tiêu vốn để đối phó với sự sụp đổ giá dầu.

Bên cạnh đó, dầu mỏ thực tế đã không còn được ưa chuộng với các nhà đầu tư lo ngại ngành công nghiệp này mang lại nguồn lợi nhuận kém, trong khi phải chịu áp lực chính trị và xã hội gia tăng.

Đặc biệt, dầu đá phiến của Mỹ sẽ mất nhiều năm để trở về mức trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19.

Tùy thuộc vào thời gian nhu cầu tiêu thụ dầu suy giảm, sản lượng dầu mỏ của Mỹ dự kiến sẽ giảm 30% so với mức đỉnh khoảng 13 triệu thùng/ngày trước khi dịch COVID-19 xảy ra.

Trong kịch bản giá dầu phục hồi, sản lượng của Mỹ mới có cơ hội tăng trở lại.

Giới phân tích cho rằng các công ty có mức vốn hóa tốt hơn sẽ nổi lên sau khi thâu tóm tài sản của các công ty phải đóng cửa, tạo tiền đề cho một ngành công nghiệp dầu đá phiến hài hòa hơn.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng mạnh mẽ của dầu đá phiến trong những năm gần đây cũng phản ánh sự bất hợp lý trên thị trường tài chính.

Nhiều công ty của Mỹ vật lộn với tình trạng sản xuất không lợi nhuận đang phải tìm cách duy trì hoạt động bằng những khoản vay giá rẻ.

1/4 sản lượng dầu đá phiến của Mỹ có thể không mang lại lợi nhuận ngay cả trước khi giá dầu sụp đổ.

Cựu chuyên gia phân tích Arjun Murti tại Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs ước tính, ngay cả khi giá dầu Mỹ phục hồi khoảng 50 USD/thùng, tăng trưởng sản lượng hàng năm của Mỹ sẽ chỉ ở mức tối đa 500.000 thùng/ngày, thấp hơn rất nhiều so với trước đây.

Sự khác biệt của cuộc khủng hoảng dầu mỏ hiện nay và cơ hội của Saudi Arabia

Sự sụp đổ giá dầu đã tạo ra những “làn sóng” nhấn chìm các thị trường tài chính, song theo giới phân tích, “cơn địa chấn” địa-chính trị từ sự sụp đổ này có thể còn có những tác động lớn hơn.

Saudi Arabia cùng với một số quốc gia vùng Vịnh khác và Nga được hưởng lợi từ mức giá cao hơn, sẽ tìm thấy cơ hội để tăng thị phần và bán thêm dầu sau khi dịch bệnh kết thúc.

Thực tế, ngay cả khi giá dầu suy giảm nghiêm trọng hiện nay, Saudi Arabia và Kuwait vẫn đang thảo luận về khả năng bơm thêm dầu vào thị trường từ một số mỏ khai thác chung ở biên giới hai nước.

Trong khi đó, các thành viên dễ bị tổn thương hơn về kinh tế trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) có thể gặp khó khăn nhiều hơn khi đầu tư tái khởi động và duy trì nguồn cung, và do đó sản lượng của họ sẽ tăng trưởng chậm lại. Đây chính xác là những gì đã xảy ra đối với Iran, Iraq, Nigeria và Venezuela sau sự cố dầu mỏ năm 1998-1999.

Bằng cách thúc đẩy liên minh với Mỹ và tái lập hình ảnh là nhà sản xuất quyết định “cuộc chơi” trên thị trường dầu thô toàn cầu, Saudi Arabia đã củng cố vị thế địa-chính trị của mình.

Khi các nhà giao dịch tìm mọi cách để ngăn chặn tình trạng dư cung tràn ngập các cơ sở lưu trữ dầu thô thế giới, họ đã tìm tới Saudi Arabia và các nhà sản xuất chủ chốt khác trong OPEC nhằm tìm kiếm khả năng liên minh dầu mỏ này cắt giảm sản lượng lịch sử.

Đối với các cuộc thảo luận về hạn ngạch sản xuất khác hoặc thảo luận về một liên minh dầu khí toàn cầu mới, Saudi Arabia cũng là lựa chọn khả thi duy nhất của các nhà hoạch định chính sách, bởi lẽ quốc gia vùng Vịnh này từ lâu đã là thế lực sở hữu năng lực sản xuất dự phòng đáng kể, cho phép Riyadh bổ sung hoặc cắt giảm nguồn cung tới thị trường một cách nhanh chóng. Điều này mang lại cho vương quốc này không chỉ quyền lực trên thị trường dầu mỏ toàn cầu mà còn những ảnh hưởng địa chính trị quan trọng.

Bằng cách dẫn đầu nỗ lực xây dựng một thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC và các đối tác (nhóm OPEC+), Saudi Arabia cũng phát tín hiệu với Moskva rằng Nga không thể “đi một mình,” giống như những gì họ đã cố gắng thực hiện khi rời khỏi các cuộc đàm phán của OPEC+ hồi tháng Ba và bắt đầu cuộc chiến giá dầu mỏ.

Một số chuyên gia cho rằng, Moskva phụ thuộc vào Riyadh trong việc quản lý thị trường dầu mỏ nhiều hơn so với chiều ngược lại. Ngoài ra, Saudi Arabia đã cải thiện vị thế của mình với Washington thời gian gần đây.

Sau áp lực mạnh mẽ từ Nhà Trắng và các thượng nghị sỹ Mỹ, sự sẵn lòng tuân thủ cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia sẽ đảo ngược một số chỉ trích rằng Riyadh là nguyên nhân gây ra tình trạng đổ vỡ trên thị trường khi tìm cách tăng sản lượng trong tháng Ba vừa qua.

Điều giới quan sát quan tâm lúc này là liệu Mỹ sẽ một lần nữa yêu cầu Riyadh tìm cách gia hạn hoặc tăng cường cắt giảm sản lượng trong cuộc họp tiếp theo của OPEC+ vào tháng Sáu tới hay không.

Chỉ vài tuần trước, triển vọng đối với Saudi Arabia có vẻ khá ảm đạm. Tuy nhiên, nếu nhìn xa hơn một vài năm tới, người ta có thể thấy vị thế tiềm năng của quốc gia này.

Có quan điểm cho rằng dịch COVID-19 cuối cùng có thể đã khiến các nhà lãnh đạo Saudi Arabia phải thay đổi, khi họ từng để giá dầu sụp đổ vào cuối năm 2014 trong một nỗ lực sai lầm nhằm làm suy yếu dầu đá phiến của Mỹ.

Vượt ra khỏi cuộc khủng hoảng trước mắt, đại dịch sẽ làm tăng cường ảnh hưởng địa chính trị của Saudi Arabia, củng cố vai trò nòng cốt của Riyadh trên thị trường dầu mỏ, gieo “hạt mầm” cho thị phần và doanh thu dầu mỏ cao hơn trong những năm tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục