Saudi Arabia đào kênh trên biển, biến Qatar thành quốc đảo

Chính phủ Saudi Arabia có kế hoạch chi 750 triệu USD để xây dựng một kênh dài 60km, rộng 200m, vắt qua biên giới giữa vương quốc này với Qatar, có thể biến nước láng giềng này thành một quốc đảo.
Saudi Arabia đào kênh trên biển, biến Qatar thành quốc đảo ảnh 1Biên giới Abu Samrah của Qatar với với Saudi Arabia. (Ảnh: AFP/Getty Images)

Cố vấn cấp cao của Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, ông Saud al-Qahtani ngày 31/8 cho biết vương quốc này đang thúc đẩy một kế hoạch đào một kênh trên biển, có thể biến bán đảo láng giềng Qatar thành một quốc đảo.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh tranh cãi ngoại giao từ tháng 6/2017 giữa các quốc gia vùng Vịnh vẫn chưa có lối thoát.

Trong một dòng trạng thái trên mạng xã hội Twitter, ông al-Qahtani cho biết đây là "một dự án lịch sử, vĩ đại, có thể thay đổi địa lý khu vực."

Thông tin đầu tiên về dự án này được đăng tải trên trang tin Sabq thân chính phủ hồi tháng Tư vừa qua, theo đó Chính phủ Saudi Arabia có kế hoạch xây dựng một kênh dài 60km, rộng 200m, vắt qua biên giới giữa vương quốc này với Qatar.

[Qatar chi 24 triệu USD để vận động các chính trị gia cỡ bự của Mỹ]

Chi phí sẽ có thể lên tới 2,8 tỷ riyal (tương đương 750 triệu USD). Một phần kênh này sẽ được dành riêng cho một cơ sở xử lý rác thải hạt nhân.

Theo nhật báo Makkah, 5 công ty (giấu tên) chuyên về kênh đào đã được mời tới đấu thầu dự án và tên công ty thắng thầu sẽ được thông báo trong tháng Chín.

Chính quyền Saudi Arabia hiện chưa bình luận gì về thông tin này và Qatar cũng chưa có phản ứng về kế hoạch trên.

Kế hoạch trên là điểm nhấn mới nhất trong 14 tháng căng thẳng cao độ giữa hai quốc gia láng giềng tại vùng Vịnh này.

Từ tháng 6/2017, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập đã cắt quan hệ ngoại giao và thương mại với Qatar, cáo buộc nước này hỗ trợ cho khủng bố và có quan hệ quá mật thiết với Iran, vốn là đối thủ chính trong khu vực của Saudi Arabia.

Doha bác bỏ mọi cáo buộc.

Kể từ khi bùng phát tranh cãi, Qatar - một quốc gia bán đảo nhỏ bé - đã phải chịu cảnh đường biên giới trên bộ duy nhất của mình bị đóng cửa, hãng hàng không nhà nước bị cấm sử dụng không phận của các nước láng giềng, và công dân Qatar bị trục xuất khỏi các nước tẩy chay Qatar.

Các nỗ lực hòa giải của Kuwait và Mỹ - nước có căn cứ không quân lớn nhất Trung Đông đặt tại Qatar - đều chưa giúp giải quyết được tranh cãi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục