SCIC khẳng định bán vốn đối với Tigitour đúng luật

SCIC vừa có thông báo khẳng định quy trình bán vốn với Công ty cổ phần du lịch Tiền Giang (Tigitour) là đúng luật, đảm bảo minh bạch.
Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vừa có có thông báo khẳng định quy trình bán vốn đối với Công ty cổ phần du lịch Tiền Giang (Tigitour) bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật và đảm bảo thông tin công khai, minh bạch đối với tất cả các nhà đầu tư.

Theo SCIC, ngày 17/5/2007, SCIC đã nhận bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại Tigitour từ Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang với giá trị sổ sách phần vốn Nhà nước là 2,1 tỷ đồng trên tổng số vốn điều lệ 7 tỷ đồng (tương đương 30% vốn điều lệ).

Căn cứ Quyết định số 38/2007/QĐ-TTg ngày 20/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, Tigitour là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ vốn.

SCIC đã thực hiện thoái vốn đối với trường hợp Tigitour, việc bán vốn được thực hiện thông qua Công ty cổ phần chứng khoán An Bình. Việc xác định giá khởi điểm đã tính đến lợi thế đất đai và vị trí địa lý của doanh nghiệp.

Thông tin bán vốn tại công ty được công bố công khai và đăng tải trên báo Trung ương (báo Lao Động) và báo địa phương (báo Ấp Bắc) từ ngày 11-16/2/2009 để tất cả các nhà đầu tư có quan tâm đều có thể tham gia đấu giá.

Lý giải về việc có ý kiến cho rằng kết quả bán đấu giá cổ phần của SCIC do ABS làm tư vấn đã làm vượt quá giới hạn 49% tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Tigitour, SCIC cho biết trước thời điểm SCIC bán đấu giá thoái vốn vào tháng 3/2009, Tigitour có cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là ông Hoàng Kiều, sở hữu 30% vốn điều lệ.

Sau khi SCIC bán thoái vốn, có thêm nhà đầu tư quốc tịch nước ngoài là ông Hoàng Sammy Hùng trúng đấu giá mua 30% vốn từ SCIC.

Theo tư vấn của Công ty cổ phần chứng khoán An Bình (ABS) - đơn vị được SCIC thuê làm tư vấn cho việc thoái vốn tại Tigitour, ngày 29/9/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 238/2005/QĐ-TTg về tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam đã nới rộng tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài đối với việc mua cổ phần của công ty niêm yết, công ty đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán lên 49%. Tỷ lệ này chỉ áp dụng đối với công ty niêm yết, công ty đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán, trong khi Tigitour không phải là công ty niêm yết/đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán. Quyết định 238 sau đó được thay thế bằng Quyết định 55/2009/QĐ-TTg với nội dung tương tự.

Do vậy, ABS có căn cứ cho rằng việc bán đấu giá cổ phần của SCIC tại Tigitour không chịu sự điều chỉnh giới hạn tham gia 49% của nhà đầu tư nước ngoài theo Quyết định 238/2005/QĐ-TTg nêu trên (văn bản có hiệu lực tại thời điểm bán đấu giá).

Do vậy, tại thời điểm bán đấu giá, việc tham gia góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty cổ phần chưa tham gia thị trường chứng khoán như Tigitour phải xem xét quy định của Luật Đầu tư 2005, Luật Doanh nghiệp 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong đó, Luật đầu tư 2005 lần đầu tiên quy định và thừa nhận hình thức đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thông qua góp vốn, mua cổ phần (cũng như mua bán, sáp nhập doanh nghiệp) tại Khoản 5 Điều 21 và cụ thể hơn tại Khoản 1 Điều 25.

Căn cứ các quy định trên đây, đối chiếu với trường hợp Tigitour không phải là công ty có cổ phiếu niêm yết/đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán, không thuộc trường hợp đặc thù (về ngành, nghề, lĩnh vực, không thuộc đối tượng Nhà nước nắm cổ phần chi phối...) nên đợt bán đấu giá cổ phần của SCIC tại công ty này là có căn cứ và phù hợp với quy định của pháp luật liên quan có hiệu lực pháp lý tại thời điểm bán./.

Đức Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục