Nỗi lo thoái vốn từ “siêu tổng công ty”

SCIC: Nỗi lo thoái vốn bắt đầu từ “siêu tổng công ty”

Việc SCIC mua lại khoản vốn ngoài ngành có thể chỉ làm "sạch" báo cáo của doanh nghiệp trong khi vốn Nhà nước vẫn chưa được thoái.

Tỏ ra dè dặt về nhiệm vụ thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), nhiều chuyên gia cho rằng, việc SCIC sẽ mua lại khoản đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nếu không được giám sát chặt chẽ, minh bạch cũng rất dễ khiến dòng vốn Nhà nước bị ứ đọng khi năng lực của cơ quan này có giới hạn.

Chuyên gia kinh tế Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty tư vấn VFAM cũng tỏ ra nghi ngại khi cho rằng việc SCIC mua lại vốn ngoài ngành thì thực tế chỉ làm “sạch” báo cáo của các doanh nghiệp, trong khi vốn Nhà nước nằm ở nhiều nơi vẫn chưa được thoái. Thậm chí, việc vốn Nhà nước có khả năng bị “nhốt” lại tại SCIC theo ông Tiền là hoàn toàn có thể xảy ra.

Chờ thị trường, đợi… minh bạch

Việc thoái vốn đầu tư ở hàng trăm doanh nghiệp mà SCIC nắm giữ là chuyện mà nhiều chuyên gia đã nhắc tới từ rất lâu. Những mô hình công ty tương tự ở một số nước như Singapore thường cũng chỉ tâp trung dòng vốn ở khoảng hơn 10 doanh nghiệp. Tuy vậy, công ty có chức năng kinh doanh vốn Nhà nước ở Việt Nam đã đại diện vốn ở số doanh nghiệp gấp vài chục lần như thế, khoảng 1.000 doanh nghiệp, trong đó bao gồm rất nhiều khoản đầu tư không quan trọng.

Mặc dù đã có những nỗ lực thoái vốn sau đó, nhưng chỉ cách đây ít lâu, kế hoạch tái cơ cấu SCIC mới “thúc” việc thoái vốn của đơn vị vẫn được coi là “siêu tổng công ty” này mạnh mẽ hơn. Theo đó, tới năm 2015, SCIC sẽ phải thoái vốn khỏi 376 doanh nghiệp mà cơ quan này đang nắm giữ.

Kế hoạch cụ thể cho nhiệm vụ không hề nhỏ này thực tế vẫn chưa được phía SCIC thông báo chi tiết. Trong liên lạc gần nhất với phóng viên Vietnam+ cách đây ít ngày, đường đi nước bước của SCIC được đại diện cơ quan cho biết vẫn dừng ở ngưỡng “đang xây dựng tiêu chí phân loại doanh nghiệp, kế thoạch thoái vốn theo từng năm".

Đánh giá về kế hoạch thoái vốn này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhấn mạnh việc thoái vốn của SCIC có thành công hay không còn phụ thuộc vào không ít yếu tố khách quan, mà ở đây là tín hiệu của thị trường.

Vị chuyên gia này cho rằng, nếu SCIC thoái vốn ở những ở những đơn vị kinh doanh thuộc hàng “ngôi sao” như Vinamilk hay FPT Telecom thì thị trường sẽ rất dễ hấp thụ. Tuy nhiên, theo kế hoạch thì SCIC lại không “nhả” ra những “con gà đẻ trứng vàng” như thế.

“Bởi vậy, nếu SCIC muốn thoái vốn khỏi những doanh nghiệp nhỏ khác thì còn tùy thuộc thị trường có ấm lên để các nhà đầu tư bỏ vốn hay không,” ông Doanh nói.

Đây cũng là điều được ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhắc tới khi nói về điều kiện thoái vốn của SCIC.

Không cho rằng đây là kế hoạch quá khó khăn, ông Thành nhận định, trên quan hệ mua bán, khả năng xác suất cao là vẫn có thể thoái được.

Tuy vậy, ông Thành cho rằng, thị trường cũng sẽ nhìn vào từng doanh nghiệp mà SCIC muốn thoái vốn hoặc bán bớt cổ phần. Các doanh nghiệp đó hoạt động tại lĩnh vực nào, tình trạng đang ra sao, có tiềm năng không và có hấp dẫn không.

“Tôi nghĩ, sẽ vẫn còn khó khăn, còn thách thức, trắc trở nhưng quan trọng là tín hiệu của nhà nước gắn với câu chuyện cải cách doanh nghiệp Nhà nước, gắn với quyết tâm của Nhà nước,” chuyên gia Võ Trí Thành cho hay.

Ở góc độ khác, ông Lê Đăng Doanh lại cho rằng, quan trọng nhất là SCIC phải công khai, minh bạch trong quá trình thoái vốn của mình. Ông Doanh cũng cảnh báo về tình trạng có thể có “lợi ích nhóm” trong quá trình này nếu quá trình thoái vốn không được công khai và theo dõi chặt chẽ.

“Ai được huy động vốn, điều kiện huy động vốn ra sao hay lỗ lãi của doanh nghiệp thế nào cần công bố trên trang web của SCIC để các nhà đầu tư cùng theo dõi,” chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói.

Cần thêm cơ quan “nắn” SCIC?

Trên thực tế, SCIC sau khi mua lại tài sản của doanh nghiệp nhà nước sẽ xử lý tiếp ra sao trong khi chính họ cũng đang chịu áp lực thoái vốn.

Bởi ngoài nhiệm vụ thoái vốn, trong Nghị định mới nhất của Chính phủ còn giao thêm cho SCIC nhiệm vụ “gánh” những khoản đầu tư ngoài ngành của Tổng công ty Nhà nước vào lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng.

Theo đó, giá mua được xác định theo giá thị trường nhưng không cao hơn giá trị trên sổ sách kế toán trừ đi khoản dự phòng giám giá đầu tư đã được trích lập đầy đủ theo quy định.

Đây là nhiệm vụ được chuyên gia kinh tế Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty tư vấn VFAM đánh giá tích cực bởi có thể giúp tránh thất thoát vốn trong thời điểm 1-2 năm sắp tới. Tuy nhiên, chính ông Tiền cũng tỏ ra nghi ngại khi cho rằng việc SCIC mua lại vốn ngoài ngành thì thực tế chỉ làm “sạch” báo cáo của các doanh nghiệp, trong khi vốn Nhà nước nằm ở nhiều nơi vẫn chưa được thoái.

Hơn thế, ông Tiền nhận định, chắc chắn SCIC sẽ không bao giờ bán dưới giá đơn vị này đã bỏ ra mua. Cộng thêm việc SCIC không chịu quá nhiều sức ép thoái những khoản này, việc vốn Nhà nước có khả năng bị “nhốt” lại tại SCIC theo ông Tiền là hoàn toàn có thể xảy ra.

Vấn đề ông Tiền nêu ra này cũng được chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh khi trả lời phóng viên Vietnam+. Thậm chí, theo ông Hiếu, việc SCIC sẽ thực hiện giao dịch theo thể thức nào, giá cả ra sao và đồng vốn đọng lại bao lâu sẽ cần sự giám sát nghiêm khắc từ một ủy ban hoặc đơn vị độc lập.

“Đơn vị giám sát này cần sự phối hợp, tham gia của nhiều cơ quan chức năng nếu không dòng vốn sẽ đọng lại mà không thoái đi được,” chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu lên tiếng.

Ngoài ra, ông Hiếu cho rằng, việc thành lập ra một cơ quan giám sát riêng với SCIC như thế sẽ giúp việc minh bạch được thực hiện tốt hơn.

“Nếu thấy có biểu hiện không minh bạch thì cơ quan giám sát đó phải lên tiếng cảnh báo. Cơ quan này cũng sẽ giám sát các giao dịch của SCIC có hợp pháp, hợp lý và đúng điều kiện thị trường hay không. Nếu không, chúng ta cứ đưa vốn cho SCIC, họ đàm phán với giá nào đó không thuận lợi cho quốc dân thì rất khó để biết,” ông Hiếu nói.

Nêu thêm ý kiến, chuyên gia Vũ Xuân Tiền cho rằng, nếu giao nhiệm vụ gánh vốn ngoài ngành của các doanh nghiệp thì trước hết phải củng cố năng lực của chính SCIC.

“Hiện để cho một mình SCIC gánh việc khoản vốn ngoài ngành thì khó. SCIC không thể ở Hà Nội rồi phải di chuyển vào các tỉnh trong miền Nam để họp hội đồng quản trị. Tất cả tập trung vào một nơi thì họ không đủ sức làm,” ông Vũ Xuân Tiền nêu quan điểm.

Trên cơ sở đó, ông Tiền cho rằng cơ quan quản lý có thể xem xét để lập SCIC ba miền Bắc, Trung, Nam để quản lý nguồn vốn thêm hiệu quả./.

Danh mục đầu tư của Tổng công ty tại thời điểm 31/12/2013 có 369 doanh nghiệp với tổng giá trị theo sổ kế toán trên 14.000 tỷ đồng, giá thị trường trên 74.000 tỷ đồng.

Theo đề án tái cơ cấu SCIC giai đoạn tới năm 2015, SCIC sẽ nắm giữ vốn dài hạn Công ty cổ phần sữa Việt Nam, Công ty cổ phần Dược Hậu Giang, Công ty cổ phần Viễn thông FPT, Tổng công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam. Ngoài ra, SCIC sẽ góp vốn chi phối tại hơn 20 công ty cổ phần khác như trong đó một số đơn vị như: Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên Đầu tư thương mại Tràng Tiền

Bài 3 - Ngân hàng loay hoay với việc giải bài toán "nhiệm vụ kép"

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục