SCO phản đối can thiệp quân sự tại Trung Đông

Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ra Tuyên bố chung nêu rõ SCO phản đối can thiệp quân sự vào vấn đề Trung Đông.
Ngày 7/6, Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đã bế mạc sau hai ngày làm việc tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) cùng cam kết của các nước thành viên tăng cường hợp tác hơn nữa trên nhiều lĩnh vực.

Trong phát biểu của mình, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh hội nghị lần này mang ý nghĩa then chốt cho phát triển tương lai của SCO khi được tổ chức ở thời điểm SCO bước vào thập kỷ thứ hai.

Trong 10 năm đầu, SCO đã đạt được những thành tựu đáng chú ý. Các nước thành viên tuân thủ với "Tinh thần Thượng Hải," đã ký Hiệp ước Hợp tác, hữu nghị, láng giềng thân thiện dài hạn và đều thúc đẩy ý tưởng hữu nghị và hòa bình bền vững. Ảnh hưởng và uy tín quốc tế của tổ chức này cũng nhanh chóng lớn mạnh.

Lưu ý SCO đang đứng trước một khởi đầu mới, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cho rằng các nước thành viên cần đặt ra một mục tiêu phát triển mới cho thập kỷ tới, lên các kế hoạch chi tiết để thực thi nhằm bảo đảm sự phát triển của tổ chức, đem lại lợi ích cho tất cả các nước thành viên, đóng góp vào hòa bình và ổn định ở khu vực cũng như trên thế giới.

Ông Hồ Cẩm Đào đề xuất 4 điểm cho phát triển tương lai của SCO, kêu gọi các nước thành viên cùng nỗ lực xây dựng SCO trở thành một cộng đồng hài hòa, một pháo đài cho an ninh và ổn định khu vực, một động lực cho phát triển kinh tế khu vực cũng như một nền tảng hiệu quả cho tăng cường ảnh hưởng và trao đổi quốc tế.

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh rằng tất cả các nước thành viên SCO sẽ hợp tác để tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, trong nỗ lực nhằm khai thác tiềm năng kinh tế nội khối. Để thúc đẩy kinh tế khu vực, SCO tiến tới sẽ thành lập một tài khoản đặc biệt và một ngân hàng phát triển.

Đối với nguy cơ chủ nghĩa khủng bố, ly khai và cực đoan cũng như tội phạm xuyên biên giới đang gia tăng, các nước thành viên SCO nhất trí tăng cường khả năng cảnh báo sớm, xử lý khẩn cấp đồng thời xây dựng tổ chức thành "người bảo vệ" đáng tin cậy cho an ninh khu vực.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh rằng SCO cần nâng cao hợp tác an ninh, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, khuyến khích trao đổi giữa người dân các nước thành viên, mở cửa với các tổ chức quốc tế.

Tại hội nghị, các nước thành viên SCO đã thông qua 10 thỏa thuận trong đó có Tuyên bố về xây dựng một khu vực thịnh vượng chung và hòa bình lâu dài, Kế hoạch chiến lược cho phát triển SCO trong trung hạn...

SCO cũng đã quyết định trao cho Afghanistan tư cách là quan sát viên và chấp thuận Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác đối thoại.

Hội nghị ra Tuyên bố chung nêu rõ SCO phản đối sự can thiệp quân sự vào các vấn đề của Trung Đông, nhấn mạnh sự phản đối đối với việc ép buộc "chuyển giao quyền lực" hay áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương.

Tuyên bố chung kêu gọi "một giải pháp hòa bình cho vấn đề Syria thông qua đối thoại chính trị," và cho rằng "bất cứ nỗ lực nào nhằm giải quyết vấn đề của Iran bằng vũ lực là không thể chấp nhận được và có thể dẫn đến những tình huống không lường trước, đe dọa ổn định và an ninh trong khu vực và trên toàn thế giới."

Sau hội nghị thượng đỉnh ở Bắc Kinh, vai trò chủ tịch luân phiên SCO sẽ được chuyển từ Trung Quốc sang Kyrgyzstan, nước sẽ đăng cai Hội nghị thượng đỉnh SCO năm 2013.

SCO được thành lập tại Thượng Hải (Trung Quốc) ngày 15/6/2001, gồm 6 nước thành viên là Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga, Tajikistan và Uzbekistan.

Ngoài ra còn có 5 nước quan sát viên là Mông Cổ, Iran, Pakistan và Ấn Độ cùng Afghanistan mới được thông qua. Các đối tác đối thoại của SCO gồm Belarus, Sri Lanka và mới nhất là Thổ Nhĩ Kỳ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục