Sẽ có cơ chế quản lý các hội cổ động viên

Tổng cục Thể dục Thể thao đang xây dựng các quy định cụ thể để quản lý các hội cổ động viên thể thao trong cả nước trong thời gian tới.
Ngày 15/7, Quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trong các hoạt động thể dục thể thao đã được lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát và Tổng cục Thể dục Thể thao ký kết tại Hà Nội.

Sau lễ ký, trao đổi với Vietnam+, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Vương Bích Thắng nhấn mạnh, muốn giải quyết hiện tượng tiêu cực trong hoạt động cổ vũ thể thao, đặc biệt là bóng đá, cần nâng cao nhận thức về vấn đề cổ vũ sao cho có văn hóa đối với người dân nói chung và giới cổ động viên bóng đá nói riêng.

Về phần mình, Tổng cục Thể dục thể thao cũng đang xây dựng các quy định cụ thể để quản lý các hội cổ động viên thể thao trong cả nước trong thời gian tới.

Xin ông giới thiệu cụ thể hơn về bản quy chế này?

Ông Vương Bích Thắng: Quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trong các hoạt động thể dục thể thao được ký kết hôm nay nhằm đảm bảo huy động sức mạnh tổng hợp, giải quyết có hiệu quả nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, an toàn các hoạt động thể dục thể thao.

Quan hệ phối hợp giữa Tổng cục Cảnh sát và Tổng cục Thể dục thể thao được xác định trên tinh thần hiệp đồng, hỗ trợ lẫn nhau. Việc xử lý hiệu quả các tình huống đột xuất, phức tạp về về an ninh trật tự tiên quan trực tiếp tới các hoạt động thể dục thể thao mà cụ thể là phát hiện, triển khai các phương án ngăn chặn tình trạng khán giả quá khích dẫn đến bạo lực, gây rối trật tự công cộng... đã được lãnh đạo hai Tổng cục đặt lên hàng đầu.

Hiện nay, tình trạng gây mất trật tự trong hoạt động cổ vũ thể thao, nhất là trong bóng đá đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, ông nghĩ sao?

Ông Vương Bích Thắng: Đây là hiện tượng đáng lo ngại, không những ảnh hưởng đến an ninh trật tự, gây thiệt hại về tài sản của nhà nước; tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân mà còn tác động tiêu cực đến hoạt động thể thao, gây ra những ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh thể thao Việt Nam.

Điều cần quan tâm ở đây, theo tôi, là phải nhanh chóng lồng ghép nội dung tuyên truyền vận động, hướng dẫn người dân tham gia tập luyện, cổ vũ các sự kiện thể thao gắn với công tác đảm bảo an ninh trật tự và thực hiện phong trào toàn dân phòng chống tội phạm. Bên cạnh đó, việc thu thập những thông tin, tài liệu về những cá nhân, tổ chức có liên quan đến các vi phạm về an ninh trật tự là rất quan trọng, để khi có sự cố xảy ra, các cơ quan chức năng sẽ có căn cứ để xử lý đúng người, đúng tội.

Tổng cục Thể dục Thể thao đã yêu cầu các đơn vị chuyên môn, địa phương, khi đăng cai tổ chức các sự kiện thể dục thể thao thành tích cao; thể thao chuyên nghiệp; thể dục thể thao quần chúng phải tiến hành ký cam kết bảo đảm được yêu cầu về an ninh trật tự thì mới được tiến hành.

Từ giờ đến hết năm 2009, theo kế hoạch sẽ có 91 giải thể thao cấp quốc gia và trên 20 giải thể thao quốc tế  tổ chức tại Việt Nam, trọng tâm nhất là Đại hội thể thao châu Á trong nhà (Asian Indoor Games - III) khai mạc tại Hà Nội cuối tháng 10, đầu tháng 11 tới. Tôi cho rằng, việc lên kế hoạch chi tiết bảo đảm an ninh, an toàn các sự kiện thể thao lớn sẽ phải được thực hiện ngay từ lúc này.

Nhưng đâu phải việc bảo đảm an ninh, an toàn cho các hoạt động thể thao sẽ chỉ được tiến hành sau khi quy chế này được ký kết, thưa ông?

Ông Vương Bích Thắng: Đúng vậy, việc lãnh đạo hai Tổng cục ký kết quy chế phối hợp công tác ngày hôm nay chỉ là bước cụ thể hóa, phân công trách nhiệm rõ ràng và tổ chức thực hiện sao cho nhịp nhàng và hiệu quả hơn mà thôi. Còn trước đây, việc bảo đảm an ninh, an toàn vẫn được các đơn vị tiến hành thường xuyên.

Xin đơn cử, ở tất cả những trận đấu bóng đá đều có sự xuất hiện của lực lượng công an, cảnh sát cơ động tham gia giữ gìn trật tự trước, trong và sau trận đấu, thậm chí họ còn bí mật theo dõi xem có tiêu cực không, có bán độ không. Những khi đội tuyển bóng đá đi ra nước ngoài thi đấu, làm nhiệm vụ quốc gia, đều có sự góp mặt của nhân viên an ninh trong thành phần ban lãnh đạo.

Theo tôi, cần phân biệt rõ giữa những người cổ động viên thể thao chân chính và nạn "hooligan" trong thể thao, nhất là trong hoạt động cổ vũ bóng đá để từ đó có những biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời, đảm bảo xử lý đúng người, đúng tội và hợp tình, hợp lý./.
P.V (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục