Sẽ có tiêu chí chất lượng riêng cho các đơn vị sự nghiệp công lập

Đại diện Bộ Tài chính khẳng định, cơ quan chức năng đã tính tới vấn đề chất lượng với các đơn vị sự nghiệp công và đang xây dựng tiêu chuẩn riêng của mỗi bộ, ngành.
Sẽ có tiêu chí chất lượng riêng cho các đơn vị sự nghiệp công lập ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Xuân Mai/Vietnam+)

Trả lời cho lo lắng chất lượng của những đơn vị sự nghiệp công lập liệu có thay đổi khi các đơn vị tự chủ về thu/chi, đại diện Bộ Tài chính khẳng định, cơ quan chức năng đã tính tới việc này và đang xây dựng cơ chế riêng của mỗi bộ, ngành.

Cho biết thêm trong buổi họp báo tổ chức chiều nay (5/6), ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, một trong những điểm mới Nghị định 16/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ tháng Tư năm nay là giá, phí của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Với những loại dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng kinh phí Nhà nước, các đơn vị này sẽ được tự xác định giá dịch vụ theo nguyên tắc thị trường. Với những dịch vụ có dùng ngân sách Nhà nước, sẽ có lộ trình tính giá theo hướng dần tính đúng, tính đủ.

Với những thay đổi này, nhiều ý kiến trước đó cũng lo lắng, nhiều loại học phí, viện phí liệu có tăng cao và loại trừ khả năng tiếp cận dịch vụ công của người dân.

Tuy nhiên, theo ông Hưng, với những dịch vụ công cơ bản, Nhà nước vẫn đảm bảo người dân được thụ hưởng, đặc biệt là những đối tượng nghèo, đối tượng chính sách.

“Ngoài ra, khi thay đổi cách tính giá, phí thì cơ quan chức năng cũng yêu cầu các đơn vị dành một phần lãi để lập quỹ hỗ trợ cho các đối tượng chính sách,” đại diện Bộ Tài chính nói.

Điều quan trọng hơn theo ông là việc tự chủ trong thu, chi với những đơn vị sự nghiệp công lập có thể giúp tăng sự cạnh tranh giữa chính các đơn vị này.

“Việc định giá thấp gây hệ quả là khả năng cạnh tranh của các đơn vị sự nghiệp là không cao. Các đơn vị trông chờ ỉ lại vào ngân sách Nhà nước,” ông Hưng nhận định.

Với việc tự chủ thu, chi, đại diện ngành tài chính cho rằng, các đơn vị sẽ phải phải tự cải cách thủ tục hành chính và giảm phiền hà cho người dân.

“Nếu không đảm bảo chất lượng thì chính các đơn vị cũng không đủ thu. Giá, phí điều chỉnh thì người dân có quyền lựa chọn đơn vị nào chất lượng, giá cả phù hợp,” ông Hưng nói.

Riêng về cơ chế đảm bảo chất lượng, đại diện Bộ Tài chính khẳng định, các bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành sẽ phải xây dựng tiêu chí chất lượng của riêng mình và có cơ chế kiểm tra giám sát để đảm bảo thực hiện đúng tiêu chí đó.

Trả lời cho câu hỏi, liệu có sự cạnh tranh sòng phẳng ở đây khi một số đơn vị đã có sẵn máy móc, đất đai tốt, ông Hưng cho rằng, cần đặt vấn đề ngược lại.

Ông Hưng đặt ra câu hỏi vì sao nhiều đơn vị tư nhân lo toàn bộ vốn, nhà cửa, đất đai, nhân công nhưng vẫn kinh doanh có lãi trong khi nhiều đơn vị sự nghiệp công lập thì không.

“Chúng tôi mong có sự tái cấu trúc các đơn vị sự nghiệp công lập và qua đó đơn vị nào đủ điều kiện sức mạnh vươn lên cạnh tranh,” đại diện Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp lên tiếng./.

Hiện cả nước có khoảng 33.000 đơn vị sự nghiệp công lập với tổng số khoảng 2,3 triệu biên chế.

Theo lộ trình, tới năm 2016, các đơn vị sự nghiệp công lập có thể tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp (chưa tính chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định) vào giá, phí. Tới năm 2018, các đơn vị có thể tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý (chưa tính chi phí khấu hao tài sản cổ định). Đến năm 2020, các đơn vị tính đủ các chi phí trên. Ngoài ra, căn cứ tình hình thực tế, các đơn vị có thể được thực hiện trước lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục