Sẽ đào tạo nghề cho 215.000 lao động nông thôn

Giai đoạn 2011-2015, Hà Nội đặt mục tiêu đào tạo nghề cho 215.000 lao động nông thôn, với tổng kinh phí thực hiện khoảng 970 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2011-2015, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đào tạo nghề cho 215.000 lao động nông thôn để chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Người lao động nông thôn sẽ được dạy nghề các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng rừng, bảo vệ thực vật, chăn nuôi thú y; chế biến nông lâm thủy sản; cấp thoát nước và vệ sinh môi trường nông thôn; quản lý trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác; dịch vụ nông nghiệp và các lĩnh vực khác. Ngoài ra, người lao động nông thôn còn được dạy nghề phi nông nghiệp như kỹ thuật, công nghệ, sản xuất và chế biến, y tế, dịch vụ xã hội, khách sạn, du lịch và dịch vụ cá nhân, kỹ thuật chế biến món ăn, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, kinh tế, vận tải, công nghệ thông tin và các lĩnh vực khác.

Thành phố sẽ đặt hàng dạy nghề với cơ sở dạy nghề thông qua hợp đồng, đồng thời sẽ hỗ trợ đầu tư thiết bị dạy nghề cho các trung tâm dạy nghề công lập trực thuộc các huyện chưa đáp ứng được yêu cầu đảm bảo chất lượng dạy nghề từ nguồn kinh phí Trung ương hoặc nguồn kinh phí địa phương với mức hỗ trợ 3 tỷ đồng/trung tâm.

Đặc biệt, thành phố sẽ tổ chức đào tạo nghiệp vụ sư phạm dạy nghề và bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề cho 1.000 người để bổ sung giáo viên cho các trung tâm dạy nghề không có hoặc chưa đủ giáo viên. Đồng thời, chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho 4 trung tâm dạy nghề mới thành lập và cho các cơ sở dạy nghề khác tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn.

Thành phố sẽ lồng ghép chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo mục tiêu của Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” với chương trình dạy nghề cho người nghèo, người dân tộc, người khuyết tật, bộ đội xuất ngũ, phụ nữ, thanh niên, xuất khẩu lao động; chương trình khuyến nông, khuyến công và với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Dự kiến tổng kinh phí thực hiện Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2011-2015 của thành phố khoảng 970 tỷ đồng./.

Thanh Bình (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục