Sẽ không được kinh doanh các đầu thu chuẩn DVB-T

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xem xét ban hành văn bản quy định không được kinh doanh các đầu thu chuẩn DVB-T trên thị trường.
Sẽ không được kinh doanh các đầu thu chuẩn DVB-T ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: LG Vietnam)

“Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chủ trì xem xét ban hành văn bản quy định về việc không được kinh doanh các đầu thu truyền hình số mặt đất (STB-Set-top Box) chuẩn DVB-T (Digital Video Broadcasting-Terrestrial) trên thị trường, báo cáo Ban chỉ đạo vào quý 2/2014 và tuyên truyền tới các doanh nghiệp không được kinh doanh các đầu thu STB chuẩn DVB-T.”

Thông tin trên được đưa ra trong công văn số 21/TB-BTTTT, thông báo kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son-Trưởng ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam tại phiên họp của Ban chỉ đạo này.

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhất trí với đề xuất của Tiểu ban giúp việc Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình về việc định hướng thị trường chuyển sang tiêu chuẩn DVB-T2.

Đối với việc sản xuất STB trong nước và kiểm soát chất lượng thiết bị, cần khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đầu thu STB có chất lượng tốt, giá thành hợp lý để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Trước mắt, các doanh nghiệp cần thí điểm sản xuất, cạnh tranh cung cấp thiết bị đầu thu STB để phục vụ cho việc chuyển đổi số hóa truyền hình tại thành phố Đà Nẵng và phía Bắc tỉnh Quảng Nam.

Về việc quản lý các thiết bị thu truyền hình số được sản xuất, nhập khẩu lưu thông trên thị trường, trong quý 1/2014, Bộ Thông tin và Truyền thông cần ban hành Thông tư quy định chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy đối với các thiết bị truyền hình số để các cơ quan có cơ sở kiểm tra, kiểm soát thiết bị truyền hình. Ban hành văn bản hướng dẫn về đóng dấu công bố hợp chuẩn, hợp quy, dán nhãn hàng hóa cho thiết bị truyền hình để người dân có cơ sở nhận biết được thiết bị truyền hình số.

Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cần đăng tải, công bố rộng rãi thông tin về việc sản xuất các chủng loại máy thu hình được tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 trên chuyên trang thông tin điện tử về Đề án số hóa truyền hình để nhân dân được biết…

Trang thông tin điện tử mic.gov.vn của Bộ Thông tin và Truyền thông dẫn tin của Cục Tần số vô tuyến điện cho biết so với DVB-T thì chuẩn thế hệ thứ hai DVB-T2 cung cấp sự gia tăng dung lượng tối thiểu 30% trong cùng điều kiện thu sóng và dùng các anten thu hiện có, điều này càng thuận lợi cho việc triển khai các dịch vụ quảng bá mới đòi hỏi dung lượng cao như HDTV, 3DTV...

Từ năm 2009, đã có rất nhiều quốc gia đưa DVB-T2 vào phát sóng thử nghiệm và đến nay nhiều nước bắt đầu triển khai truyền hình số mặt đất đều lựa chọn tiêu chuẩn DVB-T2 như Ấn Độ, Nga, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, các nước Đông Âu... Những nước đã triển khai phát sóng DVB-T đều có kế hoạch chuyển dần sang phát sóng tiêu chuẩn DVB-T2 và không tiếp tục mở rộng mạng DVB-T.

Về giá thành, thiết bị thu sử dụng công nghệ DVB-T2 cao hơn không đáng kể khi sử dụng chuẩn DVB-T.

Vào đầu năm 2012, ASEAN đã khuyến cáo các nước thành viên cần áp dụng ngay tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất thế hệ mới DVB-T2 để tránh quá trình chuyển đổi công nghệ DVB-T kéo dài và tốn kém sau này.

Tại Việt Nam, Công ty Cổ phần nghe nhìn toàn cầu AVG đang triển khai phát sóng truyền hình số mặt đất theo tiêu chuẩn DVB-T2 với mạng đơn tần. Đài truyền hình Việt Nam cũng sử dụng tiêu chuẩn DVB-T2 và phát sóng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Công ty VTC là doanh nghiệp đang sử dụng tiêu chuẩn DVB-T phát sóng tại 47 tỉnh/thành đã phát sóng chuẩn DVB-T2 tại Đà Nẵng..../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục