Sẽ khử độc 3 sân bay Việt Nam nhiễm độc dioxin

Nhóm đối thoại Việt - Mỹ về chất độc da cam/dioxin cho biết 3 sân bay Việt Nam sẽ được khử độc dioxin với kinh phí hơn 6 tỷ đồng.
Bộ Tài nguyên Môi trường dẫn tin từ Nhóm đối thoại Việt - Mỹ về chất độc da cam/dioxin cho biết trong mười năm tới các sân bay nhiễm dioxin ở Việt Nam sẽ được đưa vào lộ trình thực hiện khử độc.

Tổng số tiền để thực hiện chương trình tẩy độc và mở rộng các dịch vụ cho nạn nhân da cam được Nhóm đối thoại Việt - Mỹ dự tính hơn 6 nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, từ tháng 7/2011, sân bay quốc tế Đà Nẵng sẽ chính thức được tẩy độc. Toàn bộ đất và bùn có độc tố xung quanh sân bay này sẽ được cào xới và tập kết về một địa điểm để xử lý.

Được "mở màn" cho chiến dịch tẩy độc này, sân bay Đà Nẵng hiện đang là điểm "nóng" ô nhiễm dioxin. Trong thời kỳ chiến tranh, đây từng là căn cứ quân sự của quân đội Mỹ, nơi nạp chất diệt cỏ có chứa dioxin để đi phun rải ở các cánh rừng và đổ bừa chất diệt cỏ còn thừa sau khi hoàn thành phi vụ phun rải trở về.

Theo Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam thuộc Bộ Tài Nguyên và Môi trường, nồng độ dioxin trong một số mẫu đất tại vùng ô nhiễm phía Bắc sân bay Đà Nẵng cao gấp 350 lần so với nồng độ cho phép.

Xét nghiệm mẫu bùn trong hồ sen cạnh sân bay Đà Nẵng có nồng độ dioxin cao gấp 20 lần so với nồng độ cho phép. Có từ 90 đến 98% thành phần loại 2, 3, 7, 8 TCDD, một loại độc nhất trong các loại dioxin.

“Trong năm 2012, sẽ khống chế, di dời, xử lý đất cùng trầm tích bị nhiễm dioxin để làm sạch hoàn toàn khu vực đầu Bắc của sân bay Đà Nẵng,” ông Ngô Quang Xuân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Trưởng Nhóm đối thoại Việt - Mỹ cho biết.

Theo đó, quá trình khử độc ở sân bay Đà Nẵng cũng được đúc rút thành kinh nghiệm để áp dụng cho hai sân bay Biên Hòa, Đồng Nai và Phù Cát, Bình Định. Cũng theo nhóm này, đến cuối năm 2015, hai sân bay này cũng sẽ được đảm bảo khử độc hoàn toàn.

Trong một tuyên bố, Nhóm đối thoại Việt - Mỹ khuyến cáo: “Việc vận động cho đủ số tiền để thực hiện lộ trình là một thách thức không nhỏ. Chính phủ Mỹ nên đóng vai trò chính trong việc đáp ứng những chi phí này!”.

Ngoài ra, Nhóm đối thoại Việt - Mỹ cũng kêu gọi sự chung tay giúp sức từ các tổ chức quốc tế như Quỹ Từ thiện Đại Tây Dương, Quỹ Bill & Melinda Gates…

Các chuyên gia kỹ thuật của Công ty USAID (Hoa Kỳ) cho biết, với phương pháp "hấp nhiệt", toàn bộ lớp đất nhiễm dioxin ở sân bay Đà Nẵng sẽ được đưa vào lò phân hủy, sau đó dùng điện kích nhiệt độ lên đến trên 3000C.

Sau khi bùn và đất được xử lý, chúng sẽ được vận chuyển lại vị trí cũ và người dân có thể yên tâm trồng cây, rau an toàn. Với công suất xử lý 2,4 tấn/ngày, sẽ xử lý triệt để chất độc hóa học dioxin tại sân bay Đà Nẵng trong vòng 2 đến 3 năm.

 
Cẩm Thơ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục