Sẽ nghiên cứu sửa nghị định về bộ máy nhà nước

Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu đề nghị Chính phủ sửa các nghị định về bộ máy nhà nước sát thực tế.
Đi sâu đánh giá những mặt được, chưa được về tổ chức bộ máy nhà nước để sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan cho phù hợp với tình hình thực tế; cải cách đội ngũ cán bộ công chức, viên chức…

Tân Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trao đổi với phóng viên bên hành lang nghị trường, ngày 5/8, về những dự định trong nhiệm kỳ của mình.

- Thưa Bộ trưởng, những vấn đề mà ông ưu tiên thực hiện trong nhiệm kỳ của mình là gì?

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình: Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII có nhiều nội dung quan trọng liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước.

Nghị quyết Trung ương 4, Trung ương 5 khóa X, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, đặc biệt là sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tái đắc cử đã có bài viết rất quan trọng được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhấn mạnh nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIII tập trung thực hiện tốt 3 khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã xác định.

Thứ nhất là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tập trung tạo lập đồng bộ môi trường cạnh tranh lành mạnh. Thứ hai là phát triển nhanh chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, kết hợp phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống. Khâu đột phá thứ 3 là xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, hạ tầng đô thị lớn.

Bộ Nội vụ là thành viên của Chính phủ. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Nội vụ đã được khẳng định trong Nghị định 178/2007/NĐ-CP với nhiều việc cần phải làm. Nhưng theo cá nhân tôi, để đảm bảo tính kế thừa và phát triển của ngành Nội vụ trong khóa XII chuyển qua khóa XIII có hiệu lực, hiệu quả, tôi thấy có mấy vấn đề.

Thứ nhất, về tổ chức bộ máy, chúng tôi sẽ chủ động phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu cho Chính phủ đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 178/2007/NĐ-CP về sắp xếp các bộ, ngành, trong đó có một số bộ, ngành mang tính chất đa ngành, đa lĩnh vực theo phương châm của Nghị định là một việc giao cho một cơ quan chủ trì chính và chuyên sâu, đồng thời có cơ chế phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để tổ chức thực hiện. Thứ hai là mối quan hệ phối hợp giữa các bộ, ngành. Thứ ba là phân cấp.

Chúng tôi sẽ tập trung đi sâu đánh giá những mặt làm được, chưa làm được, những mặt còn trùng dẫn, chồng chéo để sửa đổi, bổ sung Nghị định 178/2007/NĐ-CP cho phù hợp với tình hình thực tế của đất nước, phù hợp với định hướng phát triển mà Thủ tướng đã nêu trong bài viết trên.

Việc làm thứ hai của ngành Nội vụ liên quan đến đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Chúng tôi sẽ khẩn trương triển khai Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức, đặc biệt là xây dựng chức danh, vị trí, tiêu chuẩn của đội ngũ cán bộ, công chức.

Trên cơ sở đó tiếp tục thực hiện Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để tu dưỡng đạo đức phẩm chất cách mạng, nâng cao trách nhiệm, trình độ năng lực, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thực hiện cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, việc gì có lợi cho người dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho người dân thì phải hết sức tránh, tạo môi trường thông thoáng, thuận tiện, dễ dàng cho mọi công dân, mọi doanh nhân, mọi doanh nghiệp, mọi nhà đầu tư để tác động thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị của cả nước theo hướng trong sạch, vững mạnh, đảm bảo góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI.

- Vấn đề bộ đa ngành, đa lĩnh vực, theo lý thuyết sẽ khắc phục được những chồng chéo, bất hợp lý, giảm thủ tục hành chính, tăng tính trách nhiệm… nhưng trên thực tế, vẫn còn không ít chồng chéo, né tránh trách nhiệm. Theo Bộ trưởng, nguyên nhân do đâu và việc khắc phục được đặt ra trong nhiệm kỳ tới như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình: Nghị định 178/2007/NĐ-CP mới ban hành vào cuối năm 2007 nên quá trình thực hiện chức năng bộ đa ngành, đa lĩnh vực chưa được dài. Nhưng với phương châm một việc giao cho một cơ quan chủ trì chuyên sâu, đồng thời có cơ chế phối hợp, phân cấp thì bước đầu cũng đạt được hiệu quả, ví dụ như giảm bớt đầu mối.

Chính phủ khóa XII so với Chính phủ khóa XI giảm được 2 bộ, 2 cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan trực thuộc Chính phủ. Thành viên của Chính phủ giảm được 3 so với khóa XI. Tất nhiên, trong điều chỉnh, bổ sung, sáp nhập, đây là cái mới nên cũng còn mặt nào đó lúng túng, bị động, sự phối kết hợp chưa được chặt chẽ, nhất quán, đồng thuận, nên trong quá trình tổ chức thực hiện chưa theo mong muốn đặt ra.

Trong tờ trình của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu Chính phủ khóa mới cũng nêu bật những cái được, những cái chưa được và hướng khắc phục. Tôi tin nếu tập thể Chính phủ nhất trí cao, được sự đồng thuận của các bộ, ban, ngành trong hệ thống chính trị thì sắp tới đây, chúng tôi sẽ có một bản sơ kết đánh giá tương đối toàn diện, đồng bộ, thấy được những mặt mạnh, mặt tốt, mặt làm được; đồng thời chỉ ra những mặt cản ngại, mặt thiếu sót, tìm nguyên nhân và chắc rằng từng bước chúng ta sẽ có lộ trình thực hiện tốt theo ý định ban đầu mà tinh thần cơ bản của Nghị định 178/2007/NĐ-CP đã đề ra.

- Giảm đầu mối, nhưng là “thóp” trên, “phình’ dưới; một số bộ thành lập tràn lan các cục, tổng cục không đúng với tinh thần bộ đa ngành, đa lĩnh vực. Việc này được chấn chỉnh như thế nào trong thời gian tới, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình: Như tôi đã nói, sắp tới phải có sơ kết, đánh giá từng bộ ngành, từng cục, vụ, tổng cục. Nếu thấy phù hợp, khả thi và góp phần tác động thúc đẩy cho phát triển thì nhân rộng. Cái nào chưa phù hợp cần phải chấn chỉnh, có lộ trình, bước đi thích hợp.

Vấn đề bộ đa ngành, đa lĩnh vực là nghị định của tập thể Chính phủ khóa XII - Nghị định 178/2007/NĐ-CP. Trong này có nhiều nội dung, trong đó có nội dung bộ đa ngành, đa lĩnh vực. Chúng tôi sẽ chủ trì phối kết hợp với các bộ, ngành, địa phương để có sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 178/2007/NĐ-CP, Nghị định 13/2007/NĐ-CP, Nghị định 14/2007/NĐ-CP để tham mưu cho Chính phủ sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến tổ chức bộ máy của các cơ quan trung ương, của các cơ quan địa phương.

Tôi hy vọng mang tính kế thừa, tính liên tục, mô hình bộ đa ngành, đa lĩnh vực sẽ từng bước được hoàn thiện về mặt văn bản quy phạm pháp luật. Nếu được vậy sẽ dễ tạo được sự nhất trí thực hiện, sự đồng thuận, mang lại hiệu quả, hiệu lực cao.

- Vừa qua chúng ta nói rất nhiều đến vấn đề cải cách đội ngũ cán bộ, công chức. Theo Bộ trưởng, đây có phải là ưu tiên hàng đầu trong công cuộc cải cách hành chính 10 năm tới?

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình: Phải nói trong tổng thể cải cách hành chính quốc gia, gồm nhiều mảng, mang tính chất đồng bộ, toàn diện từ thể chế, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ công chức, tài chính công, hiện đại hóa nền hành chính quốc gia.

Trong tổng thể đó, nếu làm tốt một khâu, một mắt xích nào đó thì nó sẽ tác động đồng bộ đến cải cách hành chính quốc gia như Thủ tướng đã khẳng định. Tôi cũng thấy rằng đội ngũ cán bộ công chức đóng một tầm quan trọng đặc biệt mà chúng ta cần phải quan tâm cả trong trước mắt cũng như trong lâu dài.

- Vậy việc xây dựng một cơ chế tuyển dụng, đãi ngộ, thăng tiến đối với công chức được đặt ra như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình: Trước đây làm công tác cán bộ theo quy trình, công tác cán bộ phải tiến hành theo quy hoạch rồi có bổ sung quy hoạch theo từng thời điểm. Trên cơ sở quy hoạch đó, có bồi dưỡng, đào tạo, giao công việc thực tiễn để kiểm nghiệm, phát huy những nhân tố tích cực để đưa vào thực hiện quy hoạch.

Nhưng để đảm bảo có nhiều cơ chế phát hiện những nhân tố tích cực, những nhân tài trong các ban, ngành, cũng cần có một cơ chế đặc biệt về nắm tình hình, phát hiện, bồi dưỡng, đề bạt, cất nhắc. Đây cũng là một trong những nội dung cần thiết trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ trong trước mắt cũng như trong lâu dài./.

Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục