Sẽ sửa đổi Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em

Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em sẽ sửa đổi khái niệm trẻ em, bổ sung các dịch vụ bảo vệ trẻ em, hành vi xâm hại trẻ em…

Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đang đòi hỏi không chỉ phải huy động nguồn lực của toàn xã hội mà còn phải đổi của các chính sách, hệ thống pháp luật sao cho phù hợp với thực tế để các địa phương có thể áp dụng triển khai.

Đây là nhận định được đưa ra tại hội thảo đánh giá 9 năm triển khai Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 do Bộ Lao động-Thương binh&Xã hội tổ chức ngày 10/12.

Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004 được xây dựng tập trung vào 10 vấn đề cần giải quyết như: Khái niệm về trẻ em, thực hiện quyền trẻ em, các hành vi bị nghiêm cấm, không phân biệt đối xử với trẻ em…

Sau 9 năm triển khai thực hiện, Luật Bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em đã giúp tăng tỷ lệ đăng ký khai sinh cho trẻ em từ 60% (giai đoạn 1991-1996) lên đến 92-98% (2012). Tỷ lệ trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện nguy hiểm, độc hại cũng giảm xuống đáng kể. Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được các địa phương thực hiện khá tốt, thu hút cả sự tham gia của xã hội.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những thay đổi về kinh tế, xã hội, bộ luật này cũng đã dần bộc lộ những hạn chế do không còn phù hợp với tình hình thực tế.

Ông Đặng Đức San, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), cho biết độ tuổi của trẻ em theo quy định trong luật là 16 tuổi chưa phù hợp với Công ước quốc tế về Quyền trẻ em của Liên hợp quốc quy định là 18 tuổi. Nguyên tắc tôn trọng quyền được lắng nghe, bày tỏ ý kiến của trẻ em cũng cần được bổ sung vào quyền trẻ em.

Các đại biểu cũng cho rằng, công tác bảo vệ trẻ em trong thời gian tới cần được tập trung thể hiện rõ hơn trong luật. Ông Đặng Đức San cho biết, hiện nay, các hành vi xâm hại quyền trẻ em, các hình thức lao động trẻ em tồi tệ còn chưa cụ thể dẫn tới việc khó xử phạt hành chính hoặc hình sự.

Ông Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động-THương binh và Xã hội) cho rằng, cần phải bổ sung dịch vụ bảo vệ trẻ em theo 3 cấp độ: Phòng ngừa, can thiệp giảm thiểu hoặc loại bỏ nguy cơ, trợ giúp tái hòa nhập cộng đồng.

Trong thực tế, đã có một số nội dung mới so với quy định trong luật hiện hành cần được cập nhật như: hệ thống bảo vệ trẻ em, dịch vụ bảo vệ trẻ em, chăm sóc thay thế, tư pháp thân thiện, công tác xã hội trẻ em…

Ông Nguyễn Hải Hữu nhấn mạnh, trên thế giới, một số nước đã có cơ quan độc lập là người đại diện cho trẻ em nhưng ở Việt Nam khái niệm này còn rất mới, trong lần sửa đổi luật lần này cũng nên xem xét về việc quy định thành lập cơ quan này.

Những đánh giá góp ý về Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 sẽ là cơ sở để Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội soạn thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em sửa đổi để trình Chính phủ và Quốc hội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục