Sáng 13/2, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái đã chủ trì cuộc họp báo về công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2015.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vũ Xuân Thành cho biết bộ luôn duy trì công tác thanh, kiểm tra công tác tổ chức quản lý lễ hội ở các địa phương vào dịp trước, trong và sau lễ hội.
Năm nay, lãnh đạo Bộ sẽ tiến hành 6 đoàn kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở các địa phương về công tác này, đã có 2 đoàn kiểm tra trước Tết, các đoàn còn lại sẽ tiếp tục kiểm tra trong và sau Tết.
Riêng với đoàn kiểm tra do 3 đơn vị là Thanh tra Bộ, Cục Di sản văn hóa và Cục Văn hóa cơ sở sẽ tiến hành thanh tra đột xuất ở các địa phương ngay khi bắt đầu mùa lễ hội năm 2015 sau Tết Nguyên đán Ất Mùi.
Ông Vũ Xuân Thành cũng nhấn mạnh, năm nay, công tác thanh, kiểm tra sẽ được tiến hành đột xuất ở tất cả các địa phương, các đoàn sẽ làm việc ở cơ sở là nơi tổ chức lễ hội trước, chủ động xem xét mọi việc, thu thập chứng cứ các sai phạm, sau đó mới tiến hành làm việc với các đơn vị chức năng ở địa phương để chấn chỉnh kịp thời các sai phạm nếu có.
Việc làm này đảm bảo tính khách quan trong công tác thanh, kiểm tra tổ chức, quản lý lễ hội, tránh tình trạng đối phó của địa phương.
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết ngày 12/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có công điện về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
Trước đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng đã có chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tổ chức, quản lý lễ hội.
Trong 2 văn bản này đều nêu rõ, cần giảm tần suất, thời gian tổ chức, nhất là những lễ hội có quy mô lớn; hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa nguồn lực tổ chức lễ hội.
Các cán bộ, đảng viên phải gương mẫu chấp hành các quy định về quản lý, tổ chức lễ hội; phê bình và xử lý nghiêm đối với các cán bộ, đảng viên vi phạm. Cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp trung ương, Ban Bí thư và Thủ tướng yêu cầu không tham gia lễ hội với danh nghĩa tổ chức, cơ quan, đơn vị nếu không được cấp có thẩm quyền phân công.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu không truyền hình trực tiếp trên sóng quốc khi chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, không lạm dụng truyền hình trực tiếp để huy động tài trợ cho việc tổ chức lễ hội, ngày hội.
Bên cạnh đó, các địa phương nơi tổ chức lễ hội cần tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, phong tục, tập quán của từng địa phương.
Các cơ quan chức năng của các Bộ, ban, ngành, trong đó có Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện quy hoạch, tổ chức lễ hội, các sinh hoạt tín ngưỡng và các hoạt động vui chơi giải trí trong lễ hội hợp lý, lành mạnh; ngăn chặn tình trạng lợi dụng di tích, nơi thờ tự, lễ hội nhằm trục lợi, tuyên truyền mê tín dị đoan và tổ chức các hoạt động trái pháp luật.
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cũng cho biết Ban Bí thư yêu cầu các đơn vị chức năng thực hiện nghiêm việc quản lý đốt hàng mã; quản lý và sử dụng đồng tiền Việt Nam trong lễ hội theo đúng quy định của pháp luật; khắc phục tình trạng đặt hòm công đức, tiền lễ tùy tiện; quản lý và sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch, phục vụ công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích và tổ chức lễ hội...
Riêng về việc quản lý và sử dụng tiền công đức, tiền giọt dầu, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không quản lý số tiền này mà do Ban quản lý di tích, cơ sở thờ tự quản lý.
Tuy nhiên, việc sử dụng tiền công đức, giọt dầu vào việc gì công phải được công khai, minh bạch cho các cơ quan quản lý biết, tránh xảy ra tình trạng mâu thuẫn như đã có ở một số nơi...
Mùa lễ hội năm 2014, nhiệm vụ đột phá trong tổ chức, quản lý lễ hội là hạn chế đốt đồ mã, chấn chỉnh việc lưu thông, sử dụng đồng tiền mệnh giá nhỏ trong các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội được triển khai thực hiện.
Việc này đã bước đầu tạo được sự đồng thuận trong xã hội; tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; tình trạng sử dụng tiền lẻ tùy tiện gây phản cảm tại lễ hội, công trình tín ngưỡng, di tích đã giảm rất nhiều…
Tuy vậy, trong hoạt động tổ chức, quản lý lễ hội năm 2014 vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế mà không thể giải quyết trong thời gian ngắn. Đó là hiện tượng chen lấn, xô đẩy tại các lễ hội nhất là các lễ hội quy mô lớn, kéo dài nhiều ngày.
Bên cạnh đó, các lễ hội đều thu hút lượng lớn du khách đến vào cùng thời gian, địa điểm trong khi cơ sở hạ tầng di tích, dịch vụ, đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự chưa đáp ứng được nhu cầu đón hàng triệu lượt khách đổ về lễ hội trong một thời gian ngắn.
Thống kê cho thấy, năm 2014 có khoảng 15 triệu người dân tham dự các lễ hội lớn, nhỏ diễn ra trên toàn quốc./.