Sẽ trình Quốc hội phê chuẩn công ước về người khuyết tật

Việc phê chuẩn công ước của Liên hợp quốc về người khuyết tật sẽ thúc đẩy quá trình thực thi các chính sách hỗ trợ dành cho người khuyết tật trong tương lai.
Tư vấn tạo việc làm cho người khuyết tật. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)

Việt Nam đã ký Công ước Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật từ năm 2007 và đang xem xét phê chuẩn thực hiện công ước này. Việc phê chuẩn công ước sẽ tạo nên những thay đổi lớn thúc đẩy quá trình thực thi các chính sách hỗ trợ dành cho người khuyết tật trong tương lai.

Đây là ý kiến được đưa ra tại hội thảo về Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tổ chức ngày 9/10. Hội thảo nằm trong chuỗi các hoạt động lấy ý kiến đóng góp trong việc phê chuẩn công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật.

Hiện nay, cả nước có khoảng 6,7 triệu người khuyết tật, chiếm khoảng 8% tổng dân số, trong đó có khoảng 60% người khuyết tật trong độ tuổi lao động. Đa số người khuyết tật sống ở nông thôn và gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại, giao tiếp với cộng đồng.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh, công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật là công ước quốc tế toàn diện nhất trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật. Việc phê chuẩn công ước sẽ giúp Việt Nam xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách liên quan đến người khuyết tật để hỗ trợ họ cải thiện chất lượng cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật gồm 50 điều. Mục đích của công ước về quyền của người khuyết tật là nhằm bảo đảm người khuyết tật được hưởng đầy đủ, bình đẳng tất cả quyền con người, quyền tự do cơ bản và thúc đẩy sự tôn trọng phẩm giá vốn có của họ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cho biết, việc phê chuẩn Công ước sẽ được đưa vào nội dung Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIII, nhằm lấy ý kiến biểu quyết của Quốc hội để thông qua phê chuẩn Công ước này.

Tại hội thảo, đại diện các địa phương đã đưa ra kiến nghị đối với việc hoàn thiện, triển khai pháp luật về người khuyết tật. Các chuyên gia quốc tế cũng đã chia sẻ của về kinh nghiệm về việc áp dụng công ước vào xây dựng pháp luật, chính sách sau khi phê chuẩn công ước./.

Tính đến tháng 9/2014, thế giới đã có 158 quốc gia ký công ước về quyền của người khuyết tật, trong đó có 150 quốc gia đã phê chuẩn công ước này. Trong khối ASEAN, hiện có 8 nước phê chuẩn công ước, chỉ còn hai nước là Việt Nam và Brunei./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục