Séc: "Không thể” hội nhập cộng đồng di cư Hồi giáo vào châu Âu

Tổng thống Séc nhấn mạnh kinh nghiệm của những nước Tây Âu có các cộng đồng thiểu số sinh sống cho thấy việc hội nhập cộng đồng người Hồi giáo vào xã hội châu Âu trên thực tế là điều không thể.
Séc: "Không thể” hội nhập cộng đồng di cư Hồi giáo vào châu Âu ảnh 1Tổng thống Cộng hòa Czech Milos Zeman trong cuộc họp báo ở Cung điện Praha ngày 10/1/2014. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 17/1, Tổng thống Séc Milos Zeman tuyên bố “không thể” hội nhập cộng đồng người di cư Hồi giáo vào xã hội châu Âu.

Trả lời phỏng vấn trên truyền hình, ông Zeman nhấn mạnh kinh nghiệm của những nước Tây Âu có các cộng đồng thiểu số sinh sống cho thấy việc hội nhập cộng đồng người Hồi giáo vào xã hội châu Âu trên thực tế là điều không thể.

Ông cho rằng những người di cư có văn hóa riêng tại đất nước của họ song không thể áp dụng những nét văn hóa ấy vào châu Âu, nếu không sẽ dẫn tới kết cục giống như các vụ cướp bóc, sàm sỡ và quấy rối hàng trăm phụ nữ tại thành phố Cologne của Đức, cũng như ở nhiều nơi khác trong đêm giao thừa vừa qua.

Theo ông Zeman, việc hội nhập chỉ khả thi đối với những người di cư đến từ những nền văn hóa tương đồng, với việc lấy ví dụ điển hình cộng đồng người Việt Nam cùng cộng đồng người Ukraine đã và đang hội nhập tốt trong xã hội Séc.

Ngoài ra, Tổng thống Zeman còn tái khẳng định quan điểm cá nhân trong việc phản đối dòng người di cư và tị nạn đổ xô tới “Lục địa già.”

Trước đó, hồi đầu tháng này, ông Zeman cho rằng chính tổ chức Anh em Hồi giáo của Ai Cập đã dùng tiền tài trợ của một số quốc gia để vạch kế hoạch cho người di cư Hồi giáo đổ vào châu Âu, nhằm mục tiêu “dần kiểm soát châu Âu.”

Hồi cuối năm ngoái, ông còn gọi đợt di cư ồ ạt vào châu Âu này là "cuộc xâm lăng có tổ chức," đồng thời kêu gọi các thanh niên Iraq và Syria cầm súng chiến đấu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, thay vì trốn chạy hay di cư.

Theo số liệu thống kê của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), năm 2015 vừa qua đã có hơn 1 triệu người di cư đặt chân tới lãnh thổ châu Âu, trong đó chủ yếu là những người tìm cách thoát khỏi chiến tranh, bạo lực tại Afghanistan, Iraq và Syria./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục