Shangri La: Hàng loạt sáng kiến tăng cường an ninh Biển Đông

Một loạt các sáng kiến đã được Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Indonesia đưa ra trong ngày nhóm họp đầu tiên của Đối thoại Shangri La lần thứ 14.
Shangri La: Hàng loạt sáng kiến tăng cường an ninh Biển Đông ảnh 1Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ahston Carter tại Đối thoại Shangri la 14. (Nguồn: AFP/Getty)

Một loạt các sáng kiến đã được Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Indonesia đưa ra trong ngày nhóm họp đầu tiên của Đối thoại Shangri La lần thứ 14 đang diễn ra tại Singapore.

Trong bài phát biểu mở màn phiên thảo luận sáng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã cho biết Hoa Kỳ sẽ thiết lập "Sáng kiến An ninh biển Đông Nam Á” đồng thời cho biết Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn 425 triệu USD cho các nỗ lực xây dựng năng lực trên biển ở Đông Nam Á.

Ngân sách trên sẽ được sử dụng trong vòng 5 năm cho các nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam để mua sắm “thiết bị, quân nhu, huấn luyện và xây dựng quân đội quy mô nhỏ.”

Phát biểu này của ông Ashton Carter đã nhận được sự quan tâm của các nước tham gia đối thoại cùng với những quan điểm khá mạnh mẽ lên án những hành động gây hấn trên biển Đông. Cùng với đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng cho biết Washington sẽ đẩy mạnh các hoạt động tăng cường xây dựng năng lực trên biển ở khu vực.

Trong khi đó, tại phiên thảo luận thứ hai về "Các hình thức hợp tác an ninh mới ở châu Á," Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani lại nêu đề xuất của nước này về "Sáng kiến Đối thoại Shangri La" nhằm tăng cường an ninh hàng hải trong khu vực.

Theo đó, sáng kiến này sẽ tập trung vào ba yếu tố chính: Hoàn thiện các quy tắc chung và pháp luật trên biển trong khu vực nhằm thúc đẩy việc đảm bảo an toàn và tự do hàng hải, hàng không; thúc đẩy các cuộc tập trận chung cũng như xem xét các biện pháp phòng ngừa tai nạn liên quan đến tàu ngầm. Để đảm bảo sự an toàn của vùng biển khu vực như là một tâm điểm chiến lược của các tuyến đường biển, một vấn đề cực kỳ quan trọng là nâng cao khả năng nhận thức về lĩnh vực hàng hải, hàng không vũ trụ cho các nước ASEAN; trong đó nhấn mạnh đến việc xây dựng một hệ thống radar có thể giám sát và kiểm soát không gian vũ trụ khu vực. Thứ ba là nâng cao năng lực ứng phó thiên tai của các quốc gia, nhất là nâng cao khả năng phối hợp giữa các trung tâm phòng chống thiên tai, tinh giản thủ tục để có thể nhanh chóng triển khai các máy bay cứu trợ khẩn cấp đến khu vực bị thiên tai.

Mặt khác, tại cuộc họp bên lề Đối thoại chính thức, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu cũng đã kêu gọi các nước Đông Nam Á và cả Trung Quốc kết hợp tuần tra biển Đông “một cách hòa bình” để làm giảm nguy cơ xung đột.

Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia cho rằng việc tuần tra chung sẽ gửi thông điệp cảnh báo “không quốc gia nào được phép tăng cường sức mạnh hoặc đe dọa nước khác” ở biển Đông.

Hưởng ứng lời kêu gọi của ông Ryacudu, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cũng nhấn mạnh “tuần tra chung với Trung Quốc không phải là một điều không thể.” “Bắc Kinh sẽ mất nhiều thứ nếu biển Đông không ổn định. Thực tế việc tuần tra kết hợp nhiều quốc gia mang lại hiệu quả tích cực, như chống cướp biển ở eo biển Malacca” - ông Hishammuddin nói.

Đồng thuận với các quan điểm trên, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rao Inderjit Singh nhất trí cho rằng các mối đe dọa an ninh trong khu vực châu Á đầy năng động này ngày càng phức tạp và xuất hiện những hình thức mới trong khi vẫn tồn tại những mối đe dọa mang tính truyền thống.

"Điều này đỏi hỏi cần có nỗ lực hợp tác của tất cả các quốc gia và một kiến trúc an ninh mạnh mẽ cho châu Á chưa bao giờ lại cấp thiết như hiện nay. Câu hỏi đặt ra là chúng ta sẵn sàng cho nó như nào? Một kiến trúc như vậy sẽ đòi hỏi hình thức sáng tạo trong hợp tác quốc tế giữa các nước châu Á cũng như giữa các nước châu Á với bên ngoài," ông Rao Inderjit Singh nói.

Một loạt các quốc gia cũng đã bày tỏ sự lo ngại về những căng thẳng gia tăng trên biển Đông và nhất trí vấn đề này cần phải được giải quyết trên cơ sở đối thoại. "Những gì chúng tôi rút ra bài học ở châu Âu là không nên đẩy căng thẳng đi quá xa mà cần giải quyết vấn đề thông qua đối thoại, thông qua quan hệ đối tác, thông qua các điều ước quốc tế chứ không phải chỉ bằng việc đáp trả lẫn nhau bằng lời nói hay bằng các hành động đơn phương,” Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon nhấn mạnh.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Gerry Brownlee cũng cho rằng các nước cần giải quyết tranh chấp bằng ngoại giao và tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS)...

Các chuyên gia nhận định trong bối cảnh hiện nay, việc một loạt nước đưa ra những quan điểm kiên quyết cũng như các sáng kiến mới nhằm tạo lập một cơ chế hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực và giải quyết các tranh chấp bằng giải pháp hòa bình là thực sự cần thiết. Điều này không những làm giảm nguy cơ xung đột mà còn góp phần đảm bảo hòa bình và ổn định bền vững.

Ngày mai, 31/5, Đối thoại Shangri La sẽ bước sang ngày làm việc cuối cùng với các phiên thảo luận về Tăng cường trật tự khu vực châu Á-Thái Bình Dương; Hướng tới giải quyết xung đột tích cực; Các thách thức an ninh toàn cầu và châu Á-Thái Bình Dương...

Dự kiến, Đô đốc Tôn Kiến Quốc-Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc sẽ có bài phát biểu về vai trò của Trung Quốc trong việc duy trì an ninh và ổn định khu vực châu Á-Thái Bình Dương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục